Can thiệp mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa và Cố vấn chuyên môn, Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý về tim gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh mắc bệnh nên được điều trị càng sớm càng tốt. Kỹ thuật can thiệp mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim có thể được coi là phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

1. Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim là một tình trạng hoại tử một phần cơ tim cấp tính do sự thiếu hụt lượng máu cung cấp đến một vùng cơ tim.

Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim là do một trong số các động mạch vành nuôi quả tim bị tắc nghẽn, do cục máu đông hình thành trong mạch vành khi mảng xơ vữa bị vỡ ra, sở dĩ bệnh thường xảy ra trên nền của bệnh cảnh động mạch vành bị hẹp do xơ vữa từ trước. Ngoài ra, một số ít trường hợp, nhồi máu cơ tim cũng có thể do động mạch vành bị co thắt, chấn thương, thiếu máu nặng nề, cấp tính...

2. Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh nhồi máu cơ tim?

  • Tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim cao nhất ở nam giới trong độ tuổi trung niên và cao tuổi (trên 40 tuổi).
  • Ở nữ giới sau tuổi mãn kinh, độ 60-65 tuổi.
  • Những người hút thuốc lá, bệnh béo phì, bị chứng rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và đái tháo đường.
  • Tiền sử trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch.
béo phì
Yếu tố béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim

3. Triệu chứng của nhồi máu cơ tim

  • Triệu chứng điển hình và thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là đau thắt ở ngực.
  • Những cơn đau nhồi máu cơ tim sẽ kéo dài hơn những cơn đau thắt ngực thông thường. Trong đó, ở vị trí ngực trái với cảm giác đau như bị chèn ép, bóp chặt ở giữa ngực, diễn ra trong khoảng 5-30 phút. Cơn đau có thể lan cả lên vai, cổ, hàm hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là bên tay trái.
  • Vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt, khó thở.
  • Có vài trường hợp nhồi máu cơ tim lại biểu hiện như một tình trạng rối loạn tiêu hóa.
  • Hoặc thậm chí là những cơn đau hết sức đột ngột, biểu hiện bằng biến chứng rối loạn nhịp tim, ngừng tim hay đột tử...

4. Chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim

Do tính chất thường gặp, nguy hiểm đến tính mạng và diễn biến nhanh chóng của bệnh, trước khi điều trị nhồi máu cơ tim thì bệnh nhân phải được chẩn đoán chính xác bệnh. Sau đây là những chẩn đoán về bệnh nhồi máu cơ tim:

  • Chẩn đoán nhồi máu cơ tim dựa vào đặc điểm cơn đau thắt ngực, các biến đổi trên điện tâm đồ, các thay đổi về nồng độ men tim trong máu diễn ra trong quá trình theo dõi.
  • Một số trường hợp phải theo dõi sát bằng điện tâm đồ và định lượng men tim trong máu, khoảng cách giữa mỗi lần tối đa 6 giờ.
  • Đối với những bệnh nhân có nguy cơ biến chứng cao như: Sốc tim, suy tim nặng, rối loạn nhịp tim ..., nên chụp động mạch vành ngay để có chẩn đoán chính xác và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời.
ECG điện tim điện tâm đồ
Người bệnh rối loạn nhịp tim thuộc nhóm có nguy cơ cao biến chứng nhồi máu cơ tim

  • Những bệnh nhân trong trạng thái nghi ngờ có thể sử dụng một số biện pháp chẩn đoán khác như siêu âm tim, nghiệm pháp gắng sức, xạ hình tưới máu cơ tim... tùy từng trường hợp trước khi tiến hành chụp động mạch vành.

5. Điều trị nhồi máu cơ tim tại bệnh viện

Sau khi chẩn đoán được xác minh là có nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ được chăm sóc chặt chẽ hơn tại giường.

5.1 Điều trị ban đầu

  • Được theo dõi điện tâm đồ liên tục tại giường, đo huyết áp thường xuyên
  • Thiết lập đường truyền tĩnh mạch .
  • Thở oxy
  • Uống thuốc dãn mạch vành, thuốc làm chậm nhịp và ổn định tim, thuốc chống kết tập tiểu cầu..
  • Nếu người bệnh vẫn đau nhiều, bác sĩ sẽ dùng thuốc giảm đau mạnh

5.2 Điều trị tiếp theo: Can thiệp mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim

  • Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý cấp cứu nhanh. Nguyên tắc chung là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim thoi thóp do thiếu máu nuôi dưỡng nằm xen lẫn với những vùng cơ tim đã chết vì hoại tử do thiếu máu.
  • Dòng chảy động mạch vành chỉ được khôi phục khi loại bỏ được cục máu đông bằng thuốc tiêu cục máu đông hoặc sử dụng các biện pháp chụp và can thiệp mạch vành qua da như nong bằng bóng và hoặc đặt giá đỡ trong lòng động mạch vành kết hợp với việc hút bỏ cục máu đông... Tỷ lệ rất nhỏ cục máu đông tự tan còn đa số phải được can thiệp.
Phình động mạch chủ: Đặt stent graft trong trường hợp nào?
Kỹ thuật đăt bóng stent mạch vành

Tuy nhiên hiệu quả của các biện pháp này phụ thuộc rất nhiều vào thời gian điều trị,

  • Thuốc tiêu cục máu đông thực sự có lợi khi được dùng trong vòng từ 2 đến 4 giờ kể từ lúc bệnh khởi phát.
  • Can thiệp mạch vành qua da cũng chỉ hiệu quả nhất khi được tiến hành trong vòng 12-18 giờ kể từ lúc khởi phát bệnh.
  • Một tỷ lệ nhất định các trường hợp tới muộn mà các phương pháp trên không phù hợp thì mổ bắc cầu nối chủ vành cấp cứu là biện pháp cuối cùng cứu sống bệnh nhân dù tỷ lệ thành công ở giai đoạn cấp không phải là cao.

6. Cách phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim

  • Bỏ hoàn toàn hút thuốc lá.
  • Ăn ít chất béo (trứng, bơ, mỡ, phomai, da, nội tạng động vật), ăn thêm hoa quả,
  • Giảm cân nếu đang bị thừa cân, kiểm soát chặt chẽ huyết áp và đường máu trong giới hạn cho phép,
  • Thể dục đều đặn mỗi ngày.

Nhồi máu cơ tim chỉ là một biến cố không mong muốn xảy ra, biểu hiện cấp tính của cả một quá trình bệnh lý xơ vữa tiến triển âm ỉ tiềm tàng. Hiện nay can thiệp mạch vành đang là phương pháp hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Do vậy nếu có chẩn đoán là có nhồi máu cơ tim thì bệnh nhân nên được điều trị càng sớm càng tốt trước khi bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán can thiệp mạch vành

Phẫu thuật can thiệp tim mạch
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan