Viêm tụy cấp nặng: Có thể nhịn ăn giúp tuyến tụy nghỉ ngơi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tuyến tụy là một trong các tuyến cơ thể có tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn qua việc tiết ra các men tụy ở dạng không hoạt động. Khi các men tụy bị hoạt hóa trở thành dạng hoạt động ngay trong lòng ống tụy sẽ gây viêm tụy cấp. Sự liên quan giữa tuyến tụy với quá trình ăn uống là như thế nào? Tại sao viêm tụy cấp phải nhịn ăn hoàn toàn? Nhịn ăn khi bị viêm tụy thì bệnh nhân ăn uống bằng con đường nào?

1. Viêm tụy cấp với vấn đề nhịn ăn

Tuyến tụy hay còn gọi là lá mía, vừa có chức năng ngoại tiết lại vừa là tuyến nội tiết của cơ thể:

  • Chức năng ngoại tiết: Tuyến tụy tiết ra các men tiêu hóa để hỗ trợ cho quá trình phân giải, chuyển hóa và hấp thụ thức ăn;
  • Chức năng nội tiết: Tuyến tụy tiết ra insulin và glucagon giúp điều chỉnh cân bằng chỉ số đường huyết.

Sự tham gia của tuyến tụy trong quá trình tiêu hóa thức ăn của hệ tiêu hóa như sau:

Khi bắt đầu có kích thích ăn uống như ngửi, nhìn, nếm... tuyến tụy sẽ bắt đầu tiết ra dịch tụy chứa các men tiêu hóa dưới dạng tiền chất bao gồm trypsinogen, chymotrypsinogen, amylase và lipase. Các men tụy được tiết vào ống tụy sau đó đổ vào ruột non ở đoạn D2 của tá tràng. Tại tá tràng sẽ xảy ra các chuỗi phản ứng:

  • Các men enterokinase của tá tràng sẽ xúc tác khiến trypsinogen biến thành trypsin ở dạng hoạt động;
  • Trypsin phân cắt các amino acid của chymotrypsinogen không hoạt động thành dạng hoạt động chymotrypsin;
  • Chymotrypsin lại tiếp tục cắt các polypeptide trong thức ăn thành các đơn vị nhỏ để thuận lợi cho việc hấp thu qua niêm mạc ruột.

Trong dịch tụy có chứa các men tiêu hóa lipid, protein, glucose,... đồng thời cũng có chứa các ion bicarbonate có tính kiềm để trung hòa dịch acid trong thức ăn khi thức ăn đi từ dạ dày xuống. Bình thường các men tụy đều được tiết ra ở dạng tiền chất, không hoạt động và chúng chỉ được chuyển hóa thành dạng hoạt động khi ở tá tràng. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó như tắc nghẽn, tổn thương khiến cho các men này chuyển thành dạng hoạt động ngay trong lòng ống tụy rồi phá hủy các nhu mô tuyến tụy gây nên tình trạng viêm tụy cấp, thậm chí là hoại tử với những cơn đau thượng vị đột ngột, dữ dội.

Viêm tụy cấp nặng: Có thể nhịn ăn giúp tuyến tụy nghỉ ngơi
Đau thượng vị

Tại sao phải nhịn ăn khi bị viêm tụy? Ở những bệnh nhân viêm tụy cấp, khi các nhu mô tụy đang bị tổn thương do chính các men tụy gây ra, việc cho bệnh nhân ăn uống lúc này là hoàn toàn không nên. Các kích thích từ ăn uống như ngửi, nhìn, ăn... sẽ kích thích tuyến tụy tăng sản xuất các men tụy. Lượng men tụy càng nhiều đồng nghĩa với quá trình phá hủy nhu mô cấu trúc tụy diễn ra trong lòng ống tụy càng mạnh. Điều này có thể làm nặng tình trạng của tuyến tụy, đẩy nhanh các diễn biến của bệnh tới các biến chứng sớm hơn, thậm chí tăng nguy cơ tử vong. Do vậy, trong điều trị bệnh lý viêm tụy cấp, bệnh nhân nên nhịn ăn trong thời gian đầu trị liệu để tuyến tụy có thời gian nghỉ dưỡng, phục hồi tổn thương. Khi điều trị viêm tụy cấp cho những bệnh nhân có chỉ định nhịn ăn hoàn toàn, có thể cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân qua đường truyền tĩnh mạch.

2. Vấn đề dinh dưỡng khi điều trị viêm tụy cấp

Khi có các dấu hiệu của viêm tụy cấp, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay để được tư vấn khám và điều trị kịp thời hạn chế việc xảy ra các biến chứng sau này.

Trường hợp bệnh nhân viêm tụy cấp nhẹ, có thể kê đơn thuốc uống kết hợp với nằm viện theo dõi. Nếu triệu chứng thuyên giảm và bệnh nhân không có dấu hiệu của các biến chứng có thể xuất viện dùng thuốc tại nhà và đến khám theo định kỳ.

Đối với các trường hợp nặng cần nhập viện ngay lập tức để điều trị phối hợp dùng thuốc phối hợp với các phương pháp hồi sức tích cực.

Lưu ý trong quá trình điều trị viêm tụy cấp:

  • Nhịn ăn hoàn toàn trong giai đoạn đầu điều trị viêm tụy cấp. Ăn uống lại bình thường khi có chỉ định của bác sĩ điều trị;
  • Ngừng uống rượu bia, bỏ thuốc lá vì đó là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên viêm tụy cấp;
  • Thiết lập chế độ ăn uống khoa học và hợp lý, bổ sung tăng cường các vitamin; giảm ăn chất béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhiều ngọt;
  • Bổ sung nước, tối thiểu 2 lít/ngày;
  • Sắp xếp chế độ nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, tránh căng thẳng, stress.

Viêm tụy cấp là bệnh lý liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống sinh hoạt. Để đảm bảo điều trị được thuận lợi đạt hiệu quả tối ưu nhất mà không để lại các biến chứng, bệnh nhân cần nhịn ăn hoàn toàn trong những ngày đầu điều trị. Hãy tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để có thể phục hồi sớm sức khỏe cũng như chức năng của tuyến tụy.

Với gần 20 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trong chuyên ngành nội tiêu hóa - Gan mật tụy, mỗi năm bác sĩ Võ Thị Thùy Trang tham gia nội soi hơn 1500 ca bao gồm: nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng như: phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa...; Nội soi điều trị như: Cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, cắt polype ống tiêu hóa qua nội soi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan