Thế nào là táo bón mạn chức năng ở trẻ em?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Táo bón mạn chức năng ở trẻ có biểu hiện như: giảm số lần đi đại tiện, thường rặn do phân cứng và khô. Táo bón mạn tính có thể gây khó chịu và đau đớn cho trẻ mỗi lần đi đại tiện, dó đó cần có biện pháp xử trí kịp thời, dứt điểm.

1. Bệnh táo bón chức năng là gì?

Táo bón mạn chức năng là căn bệnh không do bất kỳ tổn thương thực thể hoặc sinh lý gây ra mà thường là do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ, các yếu tố thần kinh hoặc liên quan tới tâm lý khác. Táo bón chức năng sẽ làm giảm số lần đi đại tiện của trẻ và thường gặp ở đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ từ 2 đến 6 tuổi.

Táo bón mạn tính chức năng được chia thành 3 loại sau:

  • Táo bón có nhu động ruột bình thường: Là dạng thường gặp nhất, các cơ của ruột vẫn co bóp và thư giãn theo tốc độ bình thường, không quá nhanh cũng không quá chậm, phân vẫn di chuyển trong ruột già nhưng lại gặp khó khăn khi di chuyển ra ngoài, trẻ lúc này sẽ có biểu hiện đầy bụng hoặc đau bụng.
  • Táo bón nhu động ruột chậm: Đây là dạng táo bón do hoạt động của cơ ruột bị chậm so với thông thường làm cho chất thải cũng di chuyển chậm trong lòng ruột. Trẻ nhỏ rất hay gặp phải dạng táo bón này.
  • Rối loạn bài xuất phân: Thông thường, cần phải có cả vận động cơ phối hợp với sàn khung chậu, cơ vòng hậu môn thì mới có thể tống xuất phân ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ bị táo bón và có cảm giác muốn đại tiện nhưng lại không đi được và gây ra cảm giác đau đớn. Đối tượng dễ mắc dạng này là những trẻ bị táo bón kéo dài và xuất hiện một số triệu chứng như bệnh trĩ, nứt hậu môn, phân rắn, cứng... Cần phải chữa táo bón chức năng lâu dài và kiên trì để cải thiện tình trạng và giảm đau đớn cho trẻ.

2. Nguyên nhân gây táo bón mạn chức năng ở trẻ

Theo thống kê thì có đến 95% trẻ em mắc phải chứng táo bón chức năng mà các yếu tố góp phần hình thành chứng bệnh này thì rất đa dạng, trong đó phần lớn là do:

  • Xu hướng tự nhiên ở trẻ (nhu động ruột chậm);
  • Hành vi giữ nín phân (vì trẻ thường bị đau khi đại tiện, trẻ mải chơi...);
  • Do môi trường thay đổi;
  • Chế độ ăn uống không khoa học, điều độ;
  • Trẻ mắc phải các bệnh lý như suy giáp, một số bệnh thần kinh, xơ nang...;
  • Do tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh ở trẻ.

3. Trẻ bị táo bón mạn có biểu hiện như thế nào?

Đa số trẻ em bị táo bón mạn tính chức năng đều có những biểu hiện sau:

  • Biếng ăn, chậm lớn
Thế nào là táo bón mạn chức năng ở trẻ em?
Biếng ăn, chậm lớn: Biểu hiện của táo bón ở trẻ
  • Gặp khó khăn khi đi đại tiện;
  • Có cảm giác đau bụng vùng dạ dày và thường sẽ hết đau khi đi đại tiện;
  • Thường cáu bẳn và không vui vẻ;
  • Luôn cảm thấy bồn chồn, sốt ruột nên hay đi vệ sinh;
  • Trường hợp trẻ bị táo bón chức năng nặng thì có thể gây tắc ruột và són phân.

Một số dấu hiệu giúp phân biệt táo bón do bệnh lý hay táo bón thực thể bao gồm:

  • Suy dinh dưỡng
  • Sốt
  • Ói dịch như mật
  • Mất phản xạ hậu môn hay phản xạ da bìu
  • Táo bón xuất hiện từ rất sớm (trước 1 tháng tuổi)
  • Phân nhỏ, dài như bút chì
  • Có máu trong phân mà không có nứt hậu môn
  • Vị trí hậu môn bất thường
  • Giảm phản xạ, lực cơ, trương lực cơ 2 chân
  • Sẹo vùng hậu môn
  • Tuyến giáp bất thường
  • Chướng căng bụng
  • Dò quanh hậu môn
  • Tiêu phân su >48 giờ sau sinh
  • Lệch rãnh gian mông

4. Trẻ ở độ tuổi nào dễ bị táo bón mạn tính chức năng?

Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc chứng táo bón mạn tính chức năng, đặc biệt là trong 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn 1: Bé chuyển từ chế độ ăn lỏng sang ăn đặc
  • Giai đoạn 2: Thời kỳ mà trẻ tập ngồi bô một mình
  • Giai đoạn 3: Thời điểm bắt đầu đến trường

5. Phòng ngừa chứng táo bón chức năng ở trẻ

Táo bón chức năng có thể gặp phải ở bất kỳ trẻ ở độ tuổi nào, đây là tình trạng bệnh lý mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhưng nếu không có biện pháp xử trí kịp thời thì sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ. Cha mẹ có thể phòng ngừa chứng táo bón chức năng cho trẻ bằng cách:

  • Điều chỉnh lại chế độ ăn uống của trẻ, cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày và uống nhiều nước.
  • Nên ăn nhiều hoa quả và rau xanh.
  • Xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng để kích thích làm tăng nhu động ruột.
  • Tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ.
Thế nào là táo bón mạn chức năng ở trẻ em?
Xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng để kích thích làm tăng nhu động ruột

Táo bón chức năng có thể gây ra những khó chịu nhất định cho trẻ, chính vì thế cha mẹ cần chủ động tìm hiểu các kiến thức về căn bệnh này để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả và an toàn, nếu trẻ bị táo bón kèm theo các triệu chứng khác thường thì cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và loại trừ các bệnh lý nguy hiểm khác.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng phương pháp điều trị cho các trường hợp táo bón do giảm hoặc mất phản xạ đại tiện bằng kích thích điện hậu môn kết hợp với sóng giao thoa, tập phản hồi sinh học (Biofeedback). Phương pháp trên đã giúp cho >80% các bệnh bệnh nhân phục hồi phản xạ đại tiện, cải thiện tình trạng nhu động ruột và quá trình tống phân giúp cải thiện tình trạng táo bón.

Tùy vào tình trạng táo bón của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các thăm dò cần thiết như: Chụp khung đại tràng có thuốc cản quang, đo áp lực hậu môn trực tràng, đánh giá chức năng đại tiện và các bệnh lý liên quan đến vùng sàn chậu,... để tìm nguyên nhân, từ đó đưa ra phác đồ điều trị tối ưu. Hàng trăm bệnh nhân ở những độ tuổi khác nhau đã đạt được kết quả điều trị mong muốn. Tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá thành công điều trị là bệnh nhân đi ngoài đều đặn hàng ngày, đi ngoài dễ dàng hơn...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan