Đau hậu môn có phải bị trĩ?

Đau hậu môn là một trong những triệu chứng thường gặp ở rất nhiều bệnh lý khác nhau của vùng hậu môn như nứt hậu môn, ung thư hậu môn trực tràng, viêm loét trực tràng... Đôi khi, ở nhiều trường hợp, đau hậu môn cũng có thể xem là một dấu hiệu bệnh trĩ.

1. Đau hậu môn và dấu hiệu bệnh trĩ

Đau hậu môn là một triệu chứng thường gặp ở các bệnh lý của vùng hậu môn, để lại nỗi ám ảnh lo sợ cho rất nhiều người bệnh. Ở mỗi bệnh lý khác nhau, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện đau khác nhau, có thể là đau âm ỉ liên tục hoặc đau quặn từng cơn, có thể có hoặc không có những triệu chứng kèm theo khác như chảy máu, sưng nề, vết nứt, vết loét hay khối u bất thường...

Một số bệnh cảnh đau hậu môn thường gặp:

  • Đau khi đi đại tiện: Điều này có thể gặp trong các trường hợp bị nứt hậu môn, rách niêm mạc hậu môn.
  • Đau khi lau chùi hậu môn
  • Đau liên tục không liên quan đến việc đại tiện
  • Đau dữ dội quặn thành từng cơn
  • Đau hậu môn khi ngồi

Trên lâm sàng, đa số người bệnh, khi bắt đầu có biểu hiện đau hậu môn đều nghĩ ngay đến bệnh trĩ. Bệnh trĩ như một nỗi ám ảnh lớn trong danh sách các bệnh lý của vùng hậu môn. Bệnh tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại gây phiền toái nhiều trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Bệnh nhân trĩ có thể bị tử vong nhưng nguyên nhân tử vong là do thiếu máu bởi bệnh trĩ gây ra chứ không phải tử vong vì bị bệnh trĩ.

Trĩ
Đau hậu môn khi ngồi

Trong tất cả các bệnh lý gây đau hậu môn thì bệnh trĩ là bệnh lý đứng hàng đầu được nghĩ tới đầu tiên khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu đau ở vùng hậu môn

Nói chung, bệnh trĩ là tình trạng sa giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch ở vùng hậu môn trực tràng dẫn đến hiện tượng sưng phồng lên và đau. Tình trạng căng giãn quá mức của các búi tĩnh mạch trực tràng gây nên biểu hiện đau tại hậu môn, đặc biệt là khi đi vệ sinh thậm chí gây ra máu có thể nhỏ giọt, bám theo phân hoặc máu ra thành tia tùy theo mức độ tổn thương của búi tĩnh mạch.

Dấu hiệu bệnh trĩ bao gồm đau vùng hậu môn, đi đại tiện ra máu, có hiện tượng búi trĩ sa giãn. Tùy theo loại trĩ và mức độ sa giãn của búi tĩnh mạch hậu môn mà có thể thấy kích thước, vị trí của khối sa giãn là khác nhau ở mỗi người. Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác kèm theo như ngứa rát hậu môn, táo bón...

2. Đau hậu môn dấu hiệu bệnh gì?

Ngoài bệnh trĩ, đau hậu môn còn có thể gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau như:

2.1 Bệnh lý tại hậu môn

Nứt hậu môn: Thường gặp ở những người thường xuyên bị táo bón, có thói quen hay rặn khi đi đại tiện dẫn tới các vết rách niêm mạc ống hậu môn. Biểu hiện đau rát vùng hậu môn đặc biệt là khi đi đại tiện, có thể có máu dính theo phân. Nứt hậu môn có thể tự lành sau vài ngày. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, vết nứt có thể bị loét nhiễm trùng trở thành vết loét cần được khám và điều trị bằng kháng sinh phù hợp.

  • Ung thư hậu môn trực tràng: Khối u xuất hiện ở vùng hậu môn, chèn ép xung quanh gây nên tình trạng đau hậu môn. Ở những trường hợp ác tính, khối u có thể vỡ, di căn sang các bộ phận khác, rất khó điều trị.
  • Rò hậu môn: Hay còn gọi là mạch lươn, là tình trạng bị gây ra bởi các nhiễm trùng tạo nên đường hầm nối thông giữa trực tràng hay ống hậu môn với vùng da xung quanh hậu môn. Khi các đường hầm này bị tắc nghẽn bởi dịch và các chất thải cộng với nhiễm trùng sẽ hình thành nên ổ áp xe bên trong đường hầm mà gây nên đau.
Rò hậu môn
Rò hậu môn gây đau cho người bệnh

  • Viêm loét, áp xe hậu môn: Vết loét hay áp xe cũng là một trong những tình trạng có thể thường gặp ở các bệnh lý về hậu môn. Bệnh ban đầu biểu hiện cấp tính, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vết loét hay các ổ áp xe, nếu không được điều trị có thể gây loét sang các vùng lân cận như vùng mông hay vùng bộ phận sinh dục, trong một vài trường hợp sẽ tạo đường rò cạnh hậu môn. Biểu hiện triệu chứng có sưng nóng, đỏ, đau, có thể có mủ, nếu là áp xe sờ sẽ thấy có một khối sưng phồng nằm ngay cạnh hậu môn.
  • Nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm hậu môn: Cảm giác đau vừa phải, thường kèm theo ngứa râm ran khó chịu. Nếu tình trạng này kéo dài, cộng với việc vệ sinh không đúng cách, thường xuyên gãi có thể gây nên các vết chày xước da vùng hậu môn, vết loét hay ổ áp xe...

2.2 Bệnh lý ngoài hậu môn

  • Viêm đường ruột
  • Lậu hay các bệnh lý về da như nấm, viêm da, herpes...
  • Táo bón thường xuyên
  • Co thắt vùng sàn chậu
Bị táo bón kinh niên, đại tiện ra máu, thường xuyên phải rặn gắng sức
Người bệnh thường xuyên bị táo bón

3. Làm gì khi bị đau hậu môn?

Để làm giảm bớt các triệu chứng biểu hiện đau hậu môn cần:

  • Uống nhiều nước, tối thiểu 2 - 3 lít nước/ngày, nên ăn nhiều đồ ăn có giàu chất xơ như rau cải, trái cây... để làm giảm đau vùng hậu môn hiệu quả, đồng thời cũng hỗ trợ cơ thể trong việc đào thải các chất cặn bã qua đường đại tiện được tốt hơn.
  • Tránh làm tổn thương vùng hậu môn. Đặc biệt lưu ý khi thấy hiện tượng đau mà chưa rõ nguyên nhân, không tự ý vệ sinh dùng xà bông hay các dung dịch vệ sinh, không dùng giấy vệ sinh chà sát mạnh vùng hậu môn, không gãi vì có thể làm tổn thương nặng hơn ở vùng hậu môn. Có thể vệ sinh vùng hậu môn bằng nước sạch ấm hoặc nước muối sinh lý.
  • Trường hợp bị đau quá nhiều nhưng chưa đi khám được, có thể sử dụng thuốc giảm đau cơ bản. Nếu trong vòng 24 - 48 giờ sau khi dùng thuốc giảm đau mà bệnh nhân vẫn không đỡ đau thì cần cho bệnh nhân đi khám ngay. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu đau kéo dài trên 2 tuần thì có nguy cơ bị mắc các bệnh lý nghiêm trọng khác ở hậu môn chứ không phải đơn thuần chỉ là đau hậu môn.


Đau hậu môn, tuy chỉ là một triệu chứng nhỏ, đôi khi bị bỏ qua nhưng trên thực tế, đau hậu môn có thể nghĩ tới rất nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh trĩ, nứt hậu môn, ung thư, khối u hậu môn trực tràng hay áp xe hậu môn... Các bệnh lý này, nếu không được điều trị kịp thời đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt, nặng có thể gây nguy hại đến sức khỏe, lây lan đến các bộ phận lân cận khác.

SKTQ - khám sức khỏe tổng quát
Khám sức khỏe định kỳ giúp mọi người sớm phát hiện bệnh lý nguy hiểm

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

224.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan