Thực phẩm tốt cho người bị rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh lý về tim mạch, viêm tụy, đột quỵ.... Vậy rối loạn mỡ máu là gì, khi bị mỡ máu ăn gì để cải thiện tình trạng bệnh?

1. Tìm hiểu chung về rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu, hay rối loạn chuyển hóa lipid máu là hiện tượng nồng độ chất béo trong cơ thể quá cao hay quá thấp so với bình thường. Rối loạn mỡ máu là một tình trạng khá phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Rối loạn mỡ máu gây xơ vữa động mạch
Rối loạn mỡ máu gây xơ vữa động mạch

Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu thường là do chế độ ăn uống không hợp lý, hoặc do sử dụng một số loại thuốc có thành phần làm tăng nồng độ triglyceride trong máu (thuốc estrogen, thuốc trị HIV...). Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình bị rối loạn mỡ máu, hay các bệnh về tim mạch thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Rối loạn mỡ máu, nếu không được điều trị kịp thời, mỡ máu đọng lại thành động mạch gây xơ vữa động mạch, thậm chí mắc các bệnh lý về tim mạch như suy tim, đột quỵ....

Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng thuốc nhằm cân bằng lượng mỡ máu trong cơ thể, người bệnh cần chú ý xây dựng chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý.

2. Một số chú ý về chế độ ăn uống dành cho người bị bệnh mỡ máu

2.1 Ăn thực phẩm có hàm lượng cholesterol thấp

Rối loạn mỡ máu xảy ra chủ yếu là do hàm lượng cholesterol trong máu cao, vì vậy cần chú ý hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol trong mỗi bữa ăn như não, bầu dục, gan.... động vật. Chú ý không ăn vượt quá 2 quả trứng/ngày, do lòng đỏ trứng giàu cholesterol.

2.2 Giảm thiểu hàm lượng thịt đỏ trong bữa ăn

Thịt đỏ cũng là một trong các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, vì vậy nên hạn chế lượng thịt đỏ có trong khẩu phần ăn của người mắc bệnh mỡ máu. Ngoài ra, nên tránh các loại thịt mỡ, thịt có gân, da động vật... Bệnh nhân mỡ máu có thể xem xét thay thế thịt đỏ bằng các loại thịt trắng như cá, gà....

2.3 Tăng cường chất xơ, vitamin trong bữa ăn

Rau củ quả là thực phẩm tốt cho người mắc bệnh mỡ máu
Rau củ quả là thực phẩm tốt cho người mắc bệnh mỡ máu

Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa rối loạn mỡ máu, có tác dụng loại bỏ một phần chất béo và cholesterol hấp thụ vào cơ thể. Khi bị rối loạn mỡ máu, người bệnh nên bổ sung nhiều chất xơ có trong rau, củ, các loại hoa quả..... Ngoài việc bổ sung chất xơ còn có thể tăng cường vitamin – một nhân tố cũng góp phần giảm thiểu hàm lượng cholesterol.

2.4 Giảm lượng chất béo (lipid) no, bổ sung axit béo chưa no có nhiều nối đôi

Tùy theo chỉ số cơ thể (BMI), hàm lượng chất béo trong cơ thể chỉ nên chiếm từ 15-20% tổng năng lượng nạp vào, trong đó: 1/3 là chất béo no , 1/3 là axit béo chưa no một nối đôi, còn lại là axit béo chưa no nhiều nối đôi.

Chất béo no không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa chất béo no như mỡ, bơ, nước luộc thịt trong khẩu phần ăn của bệnh nhân mỡ máu.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, axit béo chưa no có nhiều nối đôi như Omega 3, Omega 6 không những có tác dụng làm giảm cholesterol mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, đồng thời giúp điều chỉnh huyết áp. Do đó, để cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu, người bệnh nên chú ý ăn cá từ 2-3 lần/ tuần; ngoài ra nên sử dụng dầu lạc, dầu olive thay cho mỡ, ăn các loại hạt có dầu như lạc, vừng, hạt dẻ, hạt bí ngô để cung cấp các axit béo không no nhiều nối đôi.

2.5 Hạn chế ăn tối muộn

Không nên ăn tối muộn vì đây là thời điểm năng lượng tiêu hao ít nhất trong ngày. Việc ăn tối quá muộn có thể khiến cho hàm lượng cholesterol nạp vào không kịp tiêu hóa, đọng lại tại thành động mạch. Tình trạng này nếu kéo dài dần dần có thể gây xơ vữa động mạch.Vì vậy, cần chú ý sắp xếp thời gian ăn tối sớm, đồng thời kết hợp tập thể dục điều độ để hàm lượng chất béo nạp vào cơ thể bị tiêu hao.

3. Máu nhiễm mỡ ăn gì tốt cho sức khỏe?

3.1 Giá đỗ

Giá đỗ là loại thực phẩm có hàm lượng chất xơ và vitamin cao, giúp đào thải cholesterol xấu ra khỏi cơ thể. Vì vậy nên thêm giá đỗ luộc vào bữa ăn hàng ngày để điều chỉnh rối loạn mỡ máu của cơ thể.

3.2 Ngũ cốc

Ngũ cốc là một thực phẩm tuyệt vời dành cho những người mắc bệnh mỡ máu. Ngũ cốc không chỉ giàu chất xơ giúp giảm thiểu hàm lượng cholesterol trong cơ thể, mà còn giúp người bệnh có cảm giác no lâu, qua đó điều chỉnh trọng lượng cơ thể cho phù hợp.

rối loạn mỡ máu
Ngũ cốc là một thực phẩm tuyệt vời dành cho những người mắc bệnh mỡ máu

3.3 Các loại cá và dầu thực vật

Như đã đề cập ở trên, các loại cá và dầu thực vật là những thực phẩm có chứa nhiều axit béo không no có tác làm giảm cholesterol, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Vì vậy, nên duy trì ăn cá từ 2-3 lần/ tuần; các loại dầu thực vật có thể chế biến bằng cách xào hay trộn thức ăn hàng ngày, không nên sử dụng dầu dưới dạng chiên rán.

3.4 Rau xanh, hoa quả

Rau xanh và các loại quả hầu hết đều có hàm lượng chất xơ cao, giúp đào thải cholesterol xấu trong cơ thể. Táo được xem là loại quả tốt nhất trong việc loại bỏ hàm lượng cholesterol dư thừa, giúp cải thiện tích cực tình trạng bệnh rối loạn mỡ máu. Bên cạnh táo, nấm hương và hành tây cũng là 2 loại thực phẩm đóng góp không nhỏ trong việc điều trị mỡ máu, có vai trò triệt tiêu cholesterol xấu và bổ sung cholesterol tốt cho sức khỏe.

3.5 Các loại thịt trắng

Không chỉ ăn rau xanh và hoa quả, người bệnh cũng cần protein để cung cấp đầy đủ năng lượng, duy trì hoạt động sống của cơ thể. Nên sử dụng các loại thịt trắng như gà, vịt, ngan – thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp thay cho các loại thịt đỏ. Bệnh nhân rối loạn mỡ máu cũng cần chú ý không ăn da động vật.

3.6 Uống nhiều nước

Bệnh nhân rối loạn mỡ máu nên duy trì uống nhiều nước mỗi ngày, cải thiện quá trình bài tiết, qua đó loại bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể.

Trên đây là một số lưu ý trong việc xây dựng chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc bệnh rối loạn mỡ máu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, người bệnh cần phối hợp chế độ ăn uống với luyện tập thể dục đều đặn để loại bỏ hàm lượng cholesterol xấu ra khỏi cơ thể.

Hiện nay, tình trạng rối loạn mỡ máu ngày càng gia tăng ở mọi lứa tuổi. Vì vậy, mọi người cần chú ý đi kiểm tra sàng lọc định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng nề liên quan tới bệnh lý về tim mạch, đột quỵ...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

136.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Công dụng thuốc Vaslor 10
    Công dụng thuốc Vaslor 10

    Thuốc Vaslor 10 có tác dụng gì, có tác dụng giảm mỡ máu không? Thực tế, Vaslor 10 là thuốc điều trị giảm cholesterol toàn phần. Thuốc Vaslor 10 được dùng để hỗ trợ người bệnh giảm mỡ máu bên ...

    Đọc thêm
  • Thuốc Rotorlip
    Thuốc Rotorlip: Công dụng và lưu ý khi sử dụng

    Thuốc Rotorlip có hoạt chất là rosuvastatin, thuộc nhóm statin, dùng khá phổ biến điều trị giảm “mỡ máu xấu”. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với 2 hàm lượng 10mg và 20mg.

    Đọc thêm
  • Acid ascorbic
    Công dụng thuốc Ascorbic

    Acid ascorbic là hợp chất cần thiết cho cơ thể. Ascorbic có nhiều trong các loại rau quả tươi như cam, chanh, quýt và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, khoai tây, rau ...

    Đọc thêm
  • Mỡ máu cao, hay tụt đường huyết có nên ăn chuối?
    Mỡ máu cao, hay tụt đường huyết có nên ăn chuối?

    Em không bị tiểu đường, nhưng có biểu hiện mỡ máu cao và hay có hiện tượng tụt đường huyết. Vậy bác sĩ cho em hỏi mỡ máu cao, hay tụt đường huyết có nên ăn chuối để giảm triệu ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Ezoleta Tablet
    Công dụng thuốc Ezoleta Tablet

    Thuốc Ezoleta Tablet có thành phần chính là Ezetimibe hàm lượng 10mg. Thuốc thường được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp mỡ máu cao. Để hiểu rõ hơn về thuốc Ezoleta Tablet, bạn hãy theo dõi bài viết ...

    Đọc thêm