Công dụng thuốc Akutim

Thuốc Akutim có chứa hoạt chất chính là Timolol, một thuốc chẹn beta được sử dụng trong điều trị tăng nhãn áp. Bài viết sẽ cung cấp các thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Akutim.

1. Thuốc Akutim là thuốc gì?

Thuốc Akutim mỗi lọ 5ml có chứa Timolol 0,5% (dưới dạng timolol maleate) và các tá dược Benzalkonium chlorid, Edetat dinatri, Natri clorid,... Timolol là chất chẹn thụ thể beta. Cơ chế tác dụng hạ nhãn áp của các thuốc chẹn beta hiện còn chưa rõ, nhưng bằng phương pháp đo huỳnh quang và ghi nhãn áp, người ta thấy rằng những thuốc này có khả năng làm giảm sản xuất thủy dịch. Ngoài ra còn có sự tăng nhẹ lưu lượng ra của thủy dịch.

Timolol không có tác dụng kích thích beta và không có tác dụng ổn định màng. Khác với các loại thuốc co đồng tử, Timolol ít hoặc không có tác dụng điều tiết co giãn đồng tử. Tác dụng hạ nhãn áp của Timolol khá nhanh, thường xuất hiện khoảng 20 phút sau khi tra thuốc vào mắt và đạt tác dụng tối đa trong vòng 1 đến 2 giờ. Tra mắt một lần dung dịch thuốc Akutim cho hiệu quả hạ nhãn áp kéo dài trong 24 giờ.

2. Công dụng của thuốc Akutim

Thuốc Akutim được chỉ định điều trị các bệnh lý sau đây:

Thuốc Akutim chống chỉ định ở các bệnh nhân sau đây:

  • Hen phế quản, co thắt phế quản, có tiền sử hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng
  • Suy tim sung huyết không kiểm soát, sốc do tim
  • Tắc nghẽn dẫn truyền nhĩ thất độ 2,3 (chưa đặt máy tạo nhịp)
  • Hội chứng Raynaud
  • Nhịp chậm xoang (dưới 40 — 45 nhịp/phút).
  • Dị ứng với một trong các thành phần của thuốc Akutim
  • Không dùng thuốc Akutim đồng thời với các thuốc sau: thuốc tác động lên thụ thể beta, floctafenine, methacholine.

3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Akutim

Khuyến cáo nhỏ mắt 1 giọt x 2 lần mỗi ngày. Nếu cần thiết, có thể phối hợp thuốc Timolol tra mắt với thuốc co đồng tử, Epinephrine và các chất ức chế carbonic anhydrase. Ở một số bệnh nhân hiệu quả hạ nhãn áp của thuốc Akutim có thể cần vài tuần để ổn định, nên đo nhãn áp sau khoảng 4 tuần dùng thuốc. Nếu nhãn áp được duy trì ở mức thỏa đáng, nhiều người bệnh có thể giảm liều xuống phác đồ tra mắt mỗi ngày một lần.

Cách chuyển người bệnh đang dùng thuốc khác sang thuốc Akutim:

  • Khi thuốc Akutim được dùng để thay thế một thuốc nhỏ mắt ức chế beta khác, cân ngừng dùng thuốc cũ vào ngày hôm trước, ngày hôm sau dùng thuốc Akutim nhỏ mắt 1 giọt x 2 lần/ngày.
  • Khi một người bệnh đang dùng đơn độc một thuốc chống glôcôm không phải loại thuốc chẹn beta, tiếp tục dùng thuốc này và thêm 1 giọt thuốc Akutim vào hai mắt bị bệnh, 2 lần/ngày. Vào ngày hôm sau ngừng dùng thuốc chống glocom đã dùng trước đây và tiếp tục dùng thuốc Akutim, tra mắt 1 giọt x 2 lần/ngày.
  • Khi thuốc Akutim được dùng để thay thế nhiều thuốc điều trị glocom đang dùng đồng thời, cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ sẽ quyết định ngưng một hoặc tất cả các loại thuốc đã dùng điều trị glocom trước đó. Khi bệnh nhân đang dùng thuốc co đồng tử chuyển sang dùng thuốc Akutim, cần khám lại khúc xạ cho bệnh nhân khi thuốc co đồng tử hết tác dụng.

Cách dùng: Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn điều trị đặc biệt vào giai đoạn đầu của điều trị. Khi dùng lọ thuốc lần đầu, bệnh nhân cần vặn mạnh nắp theo chiều kim đồng hồ để làm thủng một lỗ nhỏ ở đầu lọ thuốc. Sau mỗi lần nhỏ mắt, nên vặn chặt nắp và để lọ thuốc trở lại vào hộp giấy để tránh ánh sáng.

Quá liều: Hiện chưa có thông tin về trường hợp quá liều do dùng thuốc nhỏ mắt Timolol. Triệu chứng có thể gồm co thắt phế quản, hạ huyết áp, nhịp tim chậm và suy tim cấp. Trong trường hợp bệnh nhân quá liều cần ngừng thuốc và tiến hành các biện pháp điều trị hỗ trợ. Khi xảy ra tình trạng rối loạn thị giác nặng, cần xin ý kiến của bác sĩ về việc ngừng thuốc Akutim hoặc thay thế thuốc khác.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Akutim

Bệnh nhân sử dụng thuốc Akutim có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn bao gồm:

  • Mắt: Rối loạn thị giác (nhìn mờ, kích ứng mắt), viêm kết mạc, viêm mí mắt, viêm giác mạc, giảm cảm giác giác mạc, thay đổi khúc xạ (do ngưng điều trị với thuốc co đồng tử ở một số trường hợp), sụp mí, song thị.
  • Hệ tuần hoàn: Nhịp tim chậm, loạn nhịp tim, hạ huyết áp, ngất, block tim, tai biến mạch máu não, thiếu máu não, suy tim sung huyết, đánh trống ngực, ngừng tim.
  • Hệ hô hấp: Co thắt phế quản (xảy ra chủ yếu ở người có bệnh co thắt phế quản trước đó), suy hô hấp, khó thở.
  • Toàn thân: Đau đầu, suy nhược, buồn nôn, chóng mặt, trầm cảm, mệt mỏi.
  • Da: Phản ứng dị ứng gồm nổi mảng đỏ, mày đay khu trú hay toàn thân đã được ghi nhận.

Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ các tác dụng không mong muốn gặp phải khi dùng thuốc Akutim.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Akutim

  • Vận động viên thể thao cần chú ý rằng thuốc Akutim có chứa các chất có thể gây phản ứng thử doping dương tinh.
  • Giống như các thuốc nhỏ mắt khác, thuốc Akutim có thể hấp thu vào tuần hoàn chung và tác động giống như một thuốc ức chế beta đường toàn thân.
  • Cần phải điều trị suy tim trước khi dùng thuốc Akutim. Đối với bệnh nhân có bệnh tim nặng trước đó hoặc bệnh nhân lớn tuổi, cần theo dõi nhịp tim và dấu hiệu suy tim. Sau khi tra mắt bằng thuốc Akutim, đã xảy ra trường hợp phản ứng tim và hô hấp nặng như tử vong do co thắt phế quản ở bệnh nhân hen phế quản và một số trường hợp tử vong do suy tim.
  • Bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế beta đường uống khi dùng thuốc Akutim cần theo dõi tác dụng hiệp đồng đối với nhãn áp cũng như các tác dụng toàn thân của thuốc ức chế beta.
  • Người bệnh không được dùng đồng thời 2 thuốc chẹn beta vào mắt.
  • Bệnh nhân tiểu đường: Nên thận trọng khi dùng thuốc Akutim ở bệnh nhân hạ đường huyết vô căn, hoặc bệnh nhân tiêu đường (đặc biệt tiểu đường không ổn định) đang dùng insulin hoặc thuốc hạ đường huyết uống vì thuốc ức chế beta có thể che lấp triệu chứng và dấu hiệu của cơn hạ đường huyết cấp tính.
  • Đối với trẻ em: Chưa có thử nghiệm sử dụng thuốc Akutim trên trẻ em. Do đó, không nên dùng thuốc Akutim cho trẻ thiếu tháng và trẻ sơ sinh.
  • Phụ nữ mang thai: Chưa có thử nghiệm dùng thuốc Akutim cho phụ nữ mang thai, chỉ dùng khi lợi ích lớn hơn nguy cơ.
  • Phụ nữ cho con bú: Thuốc Akutim có thể được tiết vào sữa mẹ. Nguy cơ hạ đường huyết và chậm nhịp tim ở trẻ bú mẹ chưa được đánh giá. Do đó, nên ngừng cho con bú hoặc ngừng dùng thuốc Akutim.

6. Tương tác thuốc

Sử dụng đồng thời thuốc Akutim với một số thuốc có thể gây tương tác, ảnh hưởng tới kết quả điều trị và/hoặc gia tăng tác dụng không mong muốn:

  • Có thể xảy ra tác dụng hiệp đồng làm tăng huyết áp và/hoặc chậm nhịp tim khi dùng đồng thời thuốc Akutim với các thuốc sau: thuốc chẹn kênh calci uống, thuốc chẹn beta, thuốc làm chậm nhịp tim (bao gồm Amiodarone), glycosid tim.
  • Tác dụng của thuốc Akutim có thể tăng bởi các thuốc sau thuốc ức chế acetylcholinesterase, Aminoquinoline (thuốc chống sốt rét), Amiodaron, Phenothiazin, thuốc chẹn kênh calci (Dihydropyridine và Nondihydropyridine), thuốc ức chế CYP2D6 mạnh và vừa, Disopyramid, Floctafenine, thuốc ức chế MAO, Diazoxide, Dipyridamol, thuốc ức chế 5-phosphodiesterase, Propafenone, thuốc tương tự prostacyclin, Quinidin, Reserpin, thuốc ức chế chọn lọc serotonin.
  • Tác dụng của thuốc Akutim có thể giảm bởi các thuốc như Barbiturate, thuốc hạ huyết áp, Methylphenidate, thuốc chống viêm không steroid, Rifamicin.
  • Thuốc Akutim có thể làm giảm tác dụng của các thuốc tác dụng lên thụ thể beta và Theophylin.
  • Mặc dù dung dịch tra mắt Akutim dùng đơn độc ít hoặc không có tác dụng trên đồng tử, nhưng nếu dùng phối hợp với Epinephrin đôi khi gây giãn đồng tử.

Trên đây là những thông tin tổng quan về thuốc Akutim. Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi sử dụng.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán glocom

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

470 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan