Tại sao cần kiểm soát chỉ số HbA1c ở bệnh nhân tiểu đường?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Cố vấn chuyên môn, Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Mục tiêu của điều trị bệnh đái tháo đường đường là giữ cho bệnh nhân có mức đường huyết ổn định nhằm ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường không mong muốn. Chỉ số HbA1c là một trong những chỉ số quan trọng giúp bác sĩ đánh giá mức độ ổn định đường huyết, tuy nhiên hiện vẫn có nhiều bệnh nhân tiểu đường chưa hiểu rõ tầm quan trọng của chỉ số vàng này trong kiểm soát đường huyết.

1. HbA1c là gì?

Hemoglobin (Hb) là một trong những thành phần giúp cấu tạo nên tế bào hồng cầu của máu, có vai trò vận chuyển oxy trong máu. Bình thường luôn có sự gắn kết giữa đường trong máu với Hb của hồng cầu.

HbA1c chiếm phần lớn ở người lớn và đại diện cho tình trạng gắn kết của đường trên Hb hồng cầu. Sự hình thành HbA1c xảy ra chậm 0.05% trong ngày, và tồn tại trong đời sống hồng cầu 120 ngày, thay đổi sớm nhất trong vòng 4 tuần lễ.

2. Tổng quan về xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm máu
Xét nghiệm HbA1c sẽ cho biết mức đường huyết trung bình của bệnh nhân trong 2-3 tháng gần nhất

2.1. Xét nghiệm HbA1c là gì?

Xét nghiệm HbA1c (hoặc A1c, glycohemoglobin) là xét nghiệm máu dùng để kiểm tra lượng đường (glucose) gắn với hemoglobin trong các tế bào hồng cầu.

Khi hemoglobin và glucose liên kết với nhau sẽ tạo ra một lớp đường sẽ bao bọc xung quanh hemoglobin. Khi lượng đường trong máu tăng thêm thì lớp bao bọc này dày hơn và xét nghiệm HbA1c giúp đo độ dày của lớp vỏ này.

Bệnh nhân tiểu đường hoặc bị các bệnh khác làm tăng lượng đường trong máu thường có lượng đường gắn với hemoglobin nhiều hơn bình thường.

2.2. Ý nghĩa của xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm HbA1c sẽ cho biết mức đường huyết trung bình của bệnh nhân trong 2-3 tháng gần nhất. Đây được đánh giá là xét nghiệm tốt để theo dõi và kiểm soát mức đường huyết, giúp bác sĩ điều trị chẩn đoán đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường.

Hầu hết các bác sĩ cho rằng chỉ số HbA1c là thông số tốt để xem xét bệnh nhân tiểu đường kiểm soát tình trạng bệnh của mình như thế nào, cho biết kế hoạch điều trị bệnh đái tháo đường có cần phải điều chỉnh hay không.

Ngoài ra, xét nghiệm HbA1c cũng có thể giúp bác sĩ tiên đoán và phát hiện sớm các biến chứng do bệnh tiểu đường, chẳng hạn như suy thận, bệnh về mắt, chân hay tê chân.

  • HbA1c tăng cao trong các trường hợp:
    • Tăng nồng độ glucose máu.
    • Bệnh nhân tiểu đường mới được chẩn đoán, bệnh nhân được kiểm soát kém.
    • Suy thận mạn.
    • Thiếu máu.
    • Thiếu sắt.
    • Nghiện rượu.
    • Ngộ độc chì và opi.
  • HbA1c giảm trong các trường hợp:
    • Mất máu mạn tính.
    • Thời gian sống của hồng cầu bị rút ngắn: thiếu máu tan máu, hồng cầu hình cầu, hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia.
    • Sau truyền máu.
    • Sau cắt lách.
    • Sau khi dùng liều lớn vitamin C hoặc E.
    • Có thai.

2.3. Giá trị bình thường của HbA1c

Ở mức bình thường HbA1c chiếm 4-6% trong toàn bộ hemoglobin.

Khi chỉ số HbA1c tăng trên bình thường 1% tương ứng với giá trị đường huyết tăng lên 30mg/dl hay 1.7 Mmol/L.

Khi HbA1c tăng > 10% cho thấy đường huyết của bạn trong thời gian qua kiểm soát kém.

Khi HbA1c < 6.5% cho thấy đường huyết của bạn kiểm soát tốt, giúp làm chậm và ngăn ngừa sự phát triển các biến chứng về mắt, thận và thần kinh do bệnh đái tháo đường.

2.4. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm HbA1c?

Tùy thuộc vào loại đái tháo đường mà bệnh nhân mắc phải sẽ quyết định khả năng kiểm soát đái tháo đường, và theo các khuyến nghị của bác sĩ, xét nghiệm này có thể tiến hành 2–4 lần mỗi năm. Khi lần đầu tiên được chẩn đoán mắc đái tháo đường, nếu bác sĩ thấy bạn không kiểm soát tốt lượng đường trong máu, có thể sẽ chỉ định phải tiến hành xét nghiệm thường xuyên hơn.

Với mục đích chẩn đoán và sàng lọc, xét nghiệm HbA1c có thể được thực hiện trong các lần khám sức khỏe định kỳ hoặc khi bạn bị nghi ngờ mắc đái tháo đường vì có các dấu hiệu hoặc triệu chứng tăng nồng độ glucose trong máu (tăng đường huyết) như:

  • Khát nước.
  • Đi tiểu nhiều.
  • Mệt mỏi, suy nhược.
  • Mờ mắt.
  • Nhiễm trùng lâu lành.

2.5. Theo dõi HbA1c như thế nào?

Tất cả bệnh nhân tiểu đường tuýp 1tiểu đường tuýp 2 nên xét nghiệm HbA1c tối thiểu 2 lần trong 1 năm. Nếu mức đường huyết không ổn định nên xét nghiệm thường xuyên hơn (3 tháng/1 lần).

Mức đường huyết được kiểm soát tốt khi HbA1c < 6.5% và đường huyết lý tưởng là trở về bình thường. Trong một số trường hợp có thể chấp nhận mức đường huyết lúc đói 150mg%, tránh đường huyết thấp < 60mg% hay bị hạ đường huyết. Tuy nhiên khi cần thiết bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.

Để giữ mức đường huyết ổn định trong thời gian lâu dài đòi hỏi bạn phải tuân thủ chặt chẽ hàng ngày về chế độ ăn, chế độ tập luyện, và chế độ dùng thuốc và tự theo dõi đường huyết tại nhà. Việc kiểm soát mức đường huyết ổn định liên tục 24 giờ trong ngày là tác động chính để làm giảm HbA1c theo chỉ số mục tiêu.

Mãn kinh
Tuân thủ chặt chẽ hàng ngày về chế độ ăn, chế độ tập luyện để giữ mức đường huyết ổn định

3. Quy trình thực hiện xét nghiệm HbA1c

Thời gian làm xét nghiệm mất khoảng 1 giờ, thường vào buổi sáng. Trước khi thực hiện bệnh nhân không cần chuẩn bị trước, không cần nhịn đói. Nhân viên y tế sẽ thực hiện xét nghiệm theo các bước:

Bước 1: Quấn băng đàn hồi (garô) xung quanh cánh tay bạn để chặn dòng chảy của máu.

Bước 2: Làm sạch da bằng cồn.

Bước 3: Đưa kim vào tĩnh mạch để lấy máu.

Bước 4: Tháo garô khỏi cánh tay khi thu thập đủ máu.

Bước 5: Đặt một miếng gạc hoặc bông trên chỗ lấy máu sau khi rút kim ra.

Bước 6: Đè lên chỗ lấy máu và sau đó dán băng lại. Đưa mẫu máu vào trong ống lưu trữ đem đi xét nghiệm. Kết quả sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm hemoglobin của máu.

4. Lưu ý về xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm HbA1c sẽ không phản ánh sự tăng hay giảm đường huyết tạm thời do ăn uống hay do dùng thuốc và xét nghiệm cũng không phản ánh khả năng kiểm soát đường trong vòng 3-4 tuần trước đó.

Nếu một người có biến thể hemoglobin, ví dụ như tế bào hemoglobin hình liềm (hemoglobin S) thì người đó sẽ có lượng hemoglobin bình thường giảm xuống. Điều này có thể dẫn đến sai lệch kết quả xét nghiệm HbA1c trong việc chẩn đoán và/hoặc theo dõi bệnh tiểu đường của người này, tùy thuộc vào phương pháp được sử dụng.

Nếu một người mắc bệnh thiếu máu tán huyết, hoặc bị chảy máu nặng, kết quả xét nghiệm HbA1c có thể thấp hơn giá trị thật sự của nó. Nếu một người bị thiếu chất sắt, lượng HbA1c có thể sẽ tăng cao hơn giá trị thật sự của nó.

Nếu một người đã được truyền máu trước đó không lâu, xét nghiệm này có thể không chính xác và không phản ánh được khả năng kiểm soát glucose trong vòng 2–3 tháng.

Trước khi tiến hành xét nghiệm này, bạn nên nắm rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan