Tác hại khi thừa hoặc thiếu vitamin D

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nội tiết.

Vitamin D là dưỡng chất quan trọng đối với cơ thể. Sử dụng thiếu hay thừa vitamin D đều dẫn tới nhiều hậu quả cho sức khỏe.

1. Vai trò của vitamin D đối với cơ thể

Vitamin D là loại vitamin dễ tan trong dầu, gồm vitamin D2 (ergocalciferol), vitamin D3(Cholecalciferol). Trên da cũng có tiền vitamin D khi tiếp xúc với tia UV trở thành vitamin D cho cơ thể sử dụng. Vitamin D có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể, cụ thể như sau:

  • Vitamin D có chức năng tăng cường hấp thu calci và phốt pho từ thức ăn, giúp tái hấp thu calci, phospho tại ống thận, bảo đảm cho quá trình tạo xương,
  • Vitamin D cũng đóng vai trò trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hoá các hormone, gồm hormon tuyến cận giáp và insulin.
  • Giúp giảm thiểu các chứng viêm, sưng trên cơ thể
  • Vitamin D cũng có ảnh hưởng đến sự biệt hoá một số tế bào ung thư như ung thư da, xương, và các tế bào ung thư vú. Bổ sung đủ vitamin D có liên quan đến giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, đại tràng và ung thư tuyến tiền liệt.
Tập thể dục ngăn ngừa suy tim
Vitamin D giúp tăng cường hấp thu calci và phốt pho từ thức ăn

2. Tác hại của việc thiếu vitamin D

Tình trạng thiếu vitamin D thường gặp ở trẻ em và khá hiếm xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên người lớn cũng không nên chủ quan vì thiếu vitamin D sẽ dẫn tới nhiều tác hại cho cả người lớn và trẻ em.

  • Khi bị thiếu vitamin D sẽ dẫn tới bệnh còi xương ở trẻ em và bệnh loãng xương ở người lớn.
  • Thiếu vitamin D còn dẫn tới nguy cơ cao mắc các bệnh lý tim mạch, suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi, gây ra hen suyễn ở trẻ em và gây ung thư.
  • Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thiếu vitamin D sẽ gây ra các triệu chứng không điển hình như dễ bị kích thích, ra mồ hôi, chậm mọc răng, mềm xương sọ, dễ bị co giật. Khi trẻ biết đứng sẽ dễ bị cong vẹo cột sống, chân bị vòng kiềng
  • Các nghiên cứu cũng gợi ý rằng vitamin D đóng vai trò trong dự phòng và điều trj một số tình trạng như đái tháo đường type 1 và type 2, tăng huyết áp, rối loạn dung nạp glucose và đa xơ cứng.
  • Cách phát hiện thiếu hụt vitamin D là xét nghiệm 25-hydroxy vitamin D trong cơ thể. Nếu nồng độ vitamin D từ 20-50ng/ml là người khỏe mạnh và < 12 ng/ml là thiếu hụt vitamin D.

3. Tác hại của việc thừa vitamin D

Vitamin D quan trọng đối với cơ thể nhưng sử dụng quá nhiều vitamin D sẽ gây ra nhiều tác hại. Khi sử dụng vitamin D liều cao, kéo dài sẽ dẫn đến nhiễm độc do thừa vitamin D, còn gọi là cường vitamin D, làm tăng calci huyết và dẫn đến hàng loạt triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, khô miệng, chuột rút, táo bón, buồn nôn, đau cơ, đau xương., mạch máu bị vôi hóa..Nhiều trường hợp còn gây tổn thương thận, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, trẻ bị châm lớn, dị tật bào thai, khó thở, co giật, giảm khả năng tình dục...

Đặc biệt thừa vitamin D có thể gây ra các biến chứng ở mắt với 2 triệu chứng thường gặp sau: tại kết mạc những nốt nhỏ, màu trắng, sắp xếp thành hàng ngang hay cong rồi đổ vào rìa của lòng đen, còn tại giác mạc có hiện tượng viêm giác mạc hình dải băng, gặp chủ yếu ở trẻ em. Khi phát hiện thấy dấu hiệu ngộ độc vitamin D, cần ngừng uống vitamin D và lập tức đến các cơ sở y tế để kịp thời điều trị. Để tránh những tác hại do thừa vitamin D, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng vì liều vitamin D cho các đối tượng khác nhau sẽ rất khác nhau.

4. Làm sao để bổ sung vitamin D đúng cách ?

Vitamin D
Sử dụng thực phẩm giàu vitamin D

Nhu cầu vitamin cho các đối tượng khác nhau khá chênh lệch. Đối với trẻ em còn bú, phụ nữ có thai và cho con bú là 500 đơn vị/ngày. Ở người trưởng thành là 100 đơn vị/ngày. Nếu vượt trên mức nhu cầu một lượng nhỏ thì lượng vitamin D thừa sẽ tích lũy ở gan và được chuyển hóa qua một thời gian dài. Để bổ sung đầy đủ vitamin D cho cơ thể cần:

  • Chế độ ăn uống cần kết hợp đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu vitamin D như cá, lòng đỏ trứng, gan, dầu cá, sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em, bột mì, bánh quy, margarin, dầu ăn, ngũ cốc...Ngoài ra cũng nên ăn các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, bánh flan, phomai ....Để cơ thể hấp thu tốt vitamin D, nên bổ sung thêm dầu mỡ vào bữa ăn vì vitamin D tan tốt trong dầu.
  • Tắm nắng cung cấp 90-95% vitamin D cho cơ thể. Khi tắm nắng cần đội mũ, đeo kính râm để tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu. Không sử dụng các loại kem để bôi vào da trong thời gian tắm nắng. Cho trẻ tắm nắng ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng, từ tháng đầu tiên sau đẻ. Cần để lộ chân, tay, lưng, bụng, ngực cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thời gian tắm nắng khoảng 15-20 phút, vào buổi sáng nên tắm trước 8 giờ hoặc 4-5 giờ chiều.
  • Sử dụng vitamin D theo đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Vitamin D là dưỡng chất rất quan trọng đối với cơ thể. Do đó cần chú ý bổ sung đầy đủ và cân đối, tránh hiện tượng quá thừa hoặc quá thiếu vitamin D. Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh còi xương cần đưa trẻ tới khám bác sĩ dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa để tư vấn và điều trị thích hợp. Nên kết hợp chế độ ăn đầy đủ vitamin D, canxi, cho trẻ tắm nắng mỗi buổi sáng và sử dụng vitamin D theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

143.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan