Ý nghĩa nghiệm pháp phục hồi phế quản

Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là hai bệnh lý hô hấp thường gặp, tuy nhiên những triệu chứng lâm sàng của hai bệnh lý này đôi khi rất chồng lấp nhau hoặc cũng có thể xuất hiện cả hai tình trạng này trên cùng một bệnh nhân. Vì vậy, nghiệm pháp phục hồi phế quản là phương tiện giúp chẩn đoán hen phế quản cũng như phân biệt với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

1. Nghiệm pháp phục hồi phế quản là gì?

Sau khi bệnh nhân có chỉ định đo chức năng hô hấp và được tiến hành đánh giá chức năng thông khí. Nếu kết quả có rối loạn thông khí tắc nghẽn và nghi ngờ các bệnh lý tại đường hô hấp như hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần chẩn đoán xác định hoặc chẩn đoán phân biệt. Nghiệm pháp phục hồi phế quản sẽ được chỉ định trong những trường hợp này.

Nghiệm pháp phục hồi phế quản là một sử dụng các thuốc có tác dụng giãn phế quản (thường sử dụng các thuốc kích thích thụ thể beta có tác dụng ngắn) dạng hít nhằm đánh giá sự thay đổi của chức năng hô hấp trước và sau khi sử dụng thuốc.

X-quang hen phế quản
Nghiệm pháp phục hồi phế quản được chỉ định khi có nghi ngờ các bệnh lý về đường hô hấp

Nghiệm pháp này rất có giá trị trong chẩn đoán hen phế quản và được xem như tiêu chuẩn vàng để thiết lập chẩn đoán này. Đặc biệt, ở những bệnh nhân có các triệu chứng không điển hình như hen thể ho, hen thể nặng ngực việc chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng thường khó khăn. Vì vậy nghiệm pháp phục hồi phế quản bằng thuốc giãn phế quản luôn có ý nghĩa quan trọng trong một số bệnh lý hô hấp mãn tính.

2. Chỉ định của nghiệm pháp phục hồi phế quản.

  • Sử dụng trong các trường hợp đo chức năng thông khí của phổi có biểu hiện rối loạn thông khí tắc nghẽn có chỉ số Tiffeneau hoặc Gaensler < 70%
  • Phân biệt hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

3. Chống chỉ định của nghiệm pháp phục hồi phế quản

  • Một số chống chỉ định trên lâm sàng như bệnh nhân đang đặt ống nội khí quản, mở khí quản, có cấu trúc giải phẫu bất thường ở đường hô hấp, rối loạn ý thức, đang trong tình trạng suy hô hấp, huyết động không ổn định hoặc dị ứng thuốc giãn phế quản.
Bệnh nhân hôn mê được chỉ định ăn qua ống thông
Không thực hiện nghiệm pháp khi bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp

4. Hiểu được ý nghĩa của nghiệm pháp phục hồi phế quản

Hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đều có tình trạng viêm đường thở và biểu hiệu là rối loạn thông khí tắc nghẽn. Đôi khi các triệu chứng rất giống nhau và rất khó phân biệt trên lâm sàng.

Trong các bệnh lý hen phế quản có tình trạng viêm các đường dẫn khí mãn tính, đặc biệt là các đường thở nhỏ. Khi bệnh nhân tiếp xúc với các yếu tố kích thích, phế quản ở những bệnh nhân này nhạy cảm và tăng đáp ứng gây co thắt. Hậu quả là làm xuất hiện các triệu chứng như khó thở, khò khè. Khi sử dụng các thuốc kích thích thụ thể beta như trong nghiệm pháp phục hồi phế quản sẽ giúp giãn các cơ trơn của phế quản làm đường thở thông thoáng và tăng chức năng thông khí ở bệnh nhân. Nghiệm pháp phục hồi phế quản dương tính có ý nghĩa chẩn đoán xác định trong hen phế quản.

Đối với bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do xuất hiện các tình trạng viêm mãn tính tại đường thở nhỏ do tiếp xúc với các tác nhân khói, bụi, ô nhiễm môi trường trong thời gian dài. Hậu quả gây nên tổn thương chít hẹp các đường thở nhỏ và lâu dần gây nên xơ hóa và tái cấu trúc các đường thở nhỏ góp phần vào rối loạn thông khí không hồi phục. Chính vì những tình trạng viêm mãn tính và tái cấu trúc đường thở nên các thuốc giãn phế quản thường không đáp ứng hoặc đáp ứng kém. Nghiệm pháp phục hồi phế quản sẽ không dương tính ở những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính góp phần vào chẩn đoán phân biệt của hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

phổi tắc nghẽn mãn tính
Thuốc giãn phế quản thường không có tác dụng với bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính

5. Các bước tiến hành nghiệm pháp phục hồi phế quản như thế nào

5.1. Chuẩn bị trước khi tiến hành nghiệm pháp phục hồi phế quản

  • Nhân viên y tế: điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên
  • Phương tiện: bình xịt ventolin 200 mcg (salbutamol), buồng đệm, phin lọc
  • Bệnh nhân: đã được đo chức năng thông khí có rối loạn thông khí tắc nghẽn.

5.2. Thực hiện nghiệm pháp phục hồi phế quản

Bước 1: giải thích bệnh nhân về những thao tác cần phải làm

Bước 2: Bệnh nhân ngậm và thổi mạnh vào buồng hít. Sau đó, bệnh nhân hít sâu hết sức và nín thở 10 giây trong khi điều dưỡng xịt 2 nhát ventolin 200 mcg. Đếm từ 1 đến 10 và bỏ buồng hít, hướng dẫn bệnh nhân thở ra và nghỉ 10 giây. Thực hiện lại các thao tác trên lần thứ 2. Liều lượng salbutamol hít trong 2 lần là 400mcg, cho bệnh nhân nghỉ 10 phút và đo lại chức năng thông khí.

Bước 3: Ghi chú lại các triệu chứng gây trở ngại trong quá trình thực hiện như bệnh nhân ho hoặc không hợp tác.

Bước 4: In kết quả

5.3. Đọc kết quả nghiệm pháp phục hồi phế quản

  • Kết quả dương tính khi chỉ số FEV1 tăng 12% hoặc 200ml hoặc lương lượng đỉnh PEF tăng trên 15% so với trước khi thực hiện nghiệm pháp. Khi đó, bệnh nhân được xem là có đáp ứng tốt với các thuốc giãn phế phản.
  • Bệnh nhân có nghiệm pháp phục hồi phế quản dương tính và chức năng hô hấp hoàn toàn bình thường sau nghiệm pháp sẽ được chẩn đoán là hen phế quản.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan