Xoắn túi mật nguy hiểm thế nào?

Xoắn túi mật là một căn bệnh hiếm gặp, khó phát hiện nhưng lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bài viết sẽ giúp bạn nắm rõ các biểu hiện của bệnh xoắn túi mật và xoắn túi mật có nguy hiểm như thế nào?

1. Biểu hiện lâm sàng của bệnh xoắn túi mật

Xoắn túi mật thường dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh liên quan đến túi mật và tiêu hóa khác. Bạn có thể dựa vào các biểu hiện sau để phát hiện bệnh kịp thời:

  • Đau bụng đột ngột, đau dữ dội hoặc âm ỉ
  • Vị trí đau bụng thường ở hạ sườn phải hoặc xung quanh rốn
  • Hầu hết các trường hợp bị xoắn túi mật đều có tăng bạch cầu trong máu
  • Sớm khởi phát nôn mửa
  • Xuất hiện khối phồng ở bụng, vàng da hoặc nhiễm độc huyết
  • Có sự bất thường về nhịp tim và thân nhiệt
Đau bụng
Đau bụng đột ngột là một trong các biểu hiện của xoắn túi mật

2. Biểu hiện cận lâm sàng bệnh xoắn túi mật

Khi bệnh nhân bị xoắn túi mật, bác sĩ tiến hành siêu âm có thể nhận thấy các dấu hiệu sau:

  • Túi mật căng ra, thành dày, âm vang thay đổi thường là giảm âm.
  • Túi mật thường xoay với trục bất thường, có thể nằm trước gan, xoay ngang hoặc xoay sang trái.
  • Túi mật lơ thẳng không đúng vị trí.
  • Cổ của túi mật có dấu hiệu bị Whirlpool.
  • Doppler màu có thể không thấy được dòng chảy ở vách.

Ngoài siêu âm, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung khác như cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ để thấy được tình trạng hoại tử của túi mật, thành của túi mật không tăng quang và có các dấu hiệu vòng xoáy.

3. Nguyên nhân gây xoắn túi mật

Xoắn túi mật là căn bệnh được ghi nhận từ cuối thế kỷ 19. Hiện nay, căn bệnh này vẫn là một thực thể hiếm gặp và hiếm khi được chẩn đoán trước phẫu thuật. Bệnh thường gặp phổ biến nhất ở những người ốm yếu, người lớn tuổi và xoắn túi mật ở trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh được xác định gồm:

  • Biến thể giải phẫu túi mật có thể dẫn đến tình trạng xoắn: Loại thứ nhất là túi mật có mạc treo bị xoắn. Loại thứ hai là mạc treo chỉ hỗ trợ ống nang, còn túi mật thì treo tự do trên màng bụng. Những người có đặc điểm giải phẫu túi mật giống hai loại kể trên có nguy cơ cao bị xoắn túi mật.
  • Sự mất mát chất béo, teo mô do tuổi tác khiến túi mật treo một cách tự do. Trường hợp này thường xuất hiện phổ biến ở người lớn tuổi.
  • Do những chuyển động mạnh mẽ, gồm cả nhu động dữ dội của các cơ quan lân cận, hay chứng gù vẹo cột sống, sa nội tạng, xơ vữa động mạch tại những khúc ngoằn ngoèo...
  • Sỏi mật cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây xoắn túi mật. Theo thống kê, có khoảng 20 – 33% bệnh nhân bị xoắn túi mật có sỏi mật.

4. Xoắn túi có nguy hiểm không? Cách điều trị

Cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không?
Điều trị xoắn túi mật bằng phương pháp phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật có thể đảm bảo tính khả thi và an toàn cho bệnh nhân

Xoắn túi mật có 2 thể là xoắn hoàn toàn (trên 180 độ) và xoắn không hoàn toàn (dưới 180 độ). Khi túi mật bị xoắn, quá trình cung cấp máu cho túi mật sẽ bị cản trở, nếu không được can thiệp kịp thời thì ổ hoại tử sẽ phát triển. Vì vậy, có thể khẳng định xoắn túi mật có nguy hiểm, dẫn đến hậu quả là thủng túi mật, thậm chí khiến người bệnh tử vong.

Hiện nay, xoắn túi mật nên được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật. Phương pháp này cũng đảm bảo tính khả thi và an toàn, cho phép bệnh nhân phục hồi nhanh hơn so với phẫu thuật mở bụng cắt túi mật.

Bên cạnh đó, để chẩn đoán trước phẫu thuật cho người bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng tử... Trong đó, siêu âm được xem là phương thức có độ chính xác cao nhất.

Yêu cầu quan trọng trong điều trị xoắn túi mật là nhanh chóng và kịp thời. Vì vậy, bệnh nhân hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và tiến hành điều trị ngay sau khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan