Xét nghiệm định lượng beta HCG

Bài viết được viết bởi bác sĩ xét nghiệm Hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

HCG là xét nghiệm được sử dụng thường quy để chẩn đoán xác định có thai hay không, theo dõi phát triển của thai nhi. HCG còn được sử dụng trong chẩn đoán, theo dõi hiệu quả điều trị ung thư tế bào mầm.

1. HCG là gì ?

HCG là chữ viết tắt từ cụm từ Human Chorionic Gonadotropin, được gọi là Kích tố sinh dục màng đệm của người (hCG) thuộc họ glycoprotein và gồm 2 tiểu đơn vị (chuỗi α và β) kết hợp tạo thành nội tiết tố nguyên vẹn.

2. Nguồn gốc hCG

Ở phụ nữ mang thai, HCG được sản sinh ở nhau thai trong suốt thai kỳ và hoạt tính sinh học của hCG giúp duy trì hoàng thể trong các tuần đầu của thai kỳ. Huyết thanh của phụ nữ mang thai chủ yếu chứa hCG nguyên vẹn. Tuy nhiên, một phần nhỏ tiểu đơn vị α và β lưu thông dưới dạng không liên kết (Free beta HCG). Tỷ lệ của F.B hCG trung bình ~1% so với hCG nguyên vẹn.

Ở người không mang thai, hCG cũng có thể được sản sinh từ các khối u của lá nuôi phôi, u tế bào mầm với thành phần lá nuôi phôi và một số khối u không thuộc lá nuôi phôi.

3. Xét nghiệm hCG được sử dụng khi nào?

Trong khám chữa bệnh hiện nay, có 2 loại xét nghiệm HCG: Định lượng beta HCG (B.hCG) và định lượng Free beta hCG (F.B hCG).

3.1. Xét nghiệm định lượng Free beta hCG (F.B hCG)

Xét nghiệm định lượng F.B hCG trong máu mẹ bầu được sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể thai nhi (NST 13, NST 18 và NST 21) trong giai đoạn tuần 11-13 thai kỳ (Xét nghiệm Double test, gồm F.BhCG và PAPP-A).

3.2.Xét nghiệm định lượng beta hCG (B hCG)

3.2.1. Chẩn đoán theo dõi thai

  • Trường hợp cần chẩn đoán xác định có thai hay không có thai.
  • Trường hợp cần theo dõi phát triển của thai: Thông thường (đến 85% phụ nữ mang thai) nồng độ hCG sẽ tăng gấp đôi cứ sau 48 đến 72 giờ ở những tuần đầu, đạt đến đỉnh điểm trong khoảng tuần 11-12 của thai kỳ, sau đó sẽ giảm dần và chững lại trong phần còn lại của thai kỳ. Khi có bất thường trong quá trình phát triển thai (ví dụ: thai chậm phát triển, chết lưu, sảy thai) sự thay đổi nồng độ BhCG sẽ đặc biệt có ý nghĩa cho việc đánh giá, tiên lượng phát triển của thai.
  • Xét nghiệm định lượng B.hCG trong máu mẹ bầu được sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể thai nhi (NST 13, NST 18 và NST 21) trong giai đoạn tuần 16-18 thai kỳ (Xét nghiệm Triple test).
Xét nghiệm định lượng BHCG
Xét nghiệm định lượng beta HCG được sử dụng để chẩn đoán, theo dõi thai nhi

3.2.2. Chẩn đoán, theo dõi tiến triển và hiệu quả điều trị ung thư tế bào mầm

Trong trường hợp này xét nghiệm định lượng BhCG thường được sử dụng cùng với xét nghiệm định lượng AFP và xét nghiệm đo hoạt độ LDH.

Ở nam giới và phụ nữ không có thai nồng độ hCG và AFP rất thấp:

Ví dụ: Xét nghiệm trên máy Cobas, khoảng tham chiếu như sau:

+ Beta hCG: Nam: < 2.6 mIU/mL

Nữ khỏe mạnh không mang thai: Tiền mãn kinh: ≤ 5.3 mIU/mL; Hậu mãn kinh: ≤ 8.3 mIU/mL

+ AFP ≤ 7 ng/mL ở nam giới và phụ nữ không có thai.

  • Khi nồng độ AFP và BhCG đồng thời tăng cao là dấu hiệu chỉ điểm của ung thư tế bào mầm.
  • Trong điều trị ung thư tế bào mầm, nồng độ AFP và hCG hỗ trợ theo dõi đánh giá hiệu quả điều trị: Điều trị hiệu quả thì nồng AFP và BhCG giảm, có thể trở về mức bình thường; nếu nồng độ AFP và BhCG không giảm hoặc tiếp tục tăng thì đồng nghĩa với điều trị không hiệu quả; nếu nồng độ AFP và BhCG đã giảm lại tăng cao trở cho biết ung thư tái phát hoặc xuất hiện ung thư mới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

72.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: