Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hường - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Viêm dây thần kinh tiền đình là bệnh lý viêm dây thần kinh ở tai trong, một trong những bệnh hiếm gặp trong chuyên khoa tai mũi họng, và bệnh chỉ chiếm khoảng 0,01% các bệnh lý của tai
1. Viêm dây thần kinh tiền đình
Viêm dây thần kinh tiền đình là bệnh lý viêm dây thần kinh ở tai trong, làm cho dây thần kinh tiền đình bị thâm nhiễm, tổn thương cảm giác nhận cảm thăng bằng.
Dây thần kinh tiền đình được hình thành xuất phát từ tai trong từ các sợi thần kinh, các sợi thần kinh tập trung về hạch Scacpa ở đáy ống tai trong. Từ hạch Scacpa, bó dây thần kinh tiền đình hợp với bó thần kinh ốc tai rồi tạo thành dây thần kinh số VIII đi tới nhân tiền đình ở thân não.
2. Nguyên nhân viêm dây thần kinh tiền đình
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm dây thần kinh tiền đình, có thể do nhiễm virus, nhiễm vi khuẩn,...
- Do nhiễm xoắn khuẩn giang mai gây viêm dây thần kinh mê nhĩ: dấu hiệu chóng mặt và ù tai diễn biến thành từng đợt. Làm xét nghiệm máu cho kết quả giang mai dương tính. khi xét nghiệm dịch não tủy thấy protein tăng và tế bào.
- Viêm màng não: bệnh nhân có xuất hiện hội chứng chóng mặt, ù tai... sau khi được chẩn đoán là viêm màng não do virus hoặc vi khuẩn
- Virus: gây viêm dây thần kinh VIII như virus cúm, quai bị, zona... Thông thường, virus quai bị hay gây tổn thương đơn thuần thành phần ốc tai, trong khi zona gây tổn thương thành phần tiền đình
- Một số chất gây độc như thuốc lá, chì, rượu, oxyt cacbon, ma túy... cũng là một trong các nguyên nhân làm tổn thương dây thần kinh tiền đình.
3. Triệu chứng viêm dây thần kinh tiền đình
Thần kinh tiền đình là một phần của thần kinh tiền đình-ốc tai. Thần kinh tiền đình đảm nhận vai trò nhận cảm thăng bằng cho cơ thể nên khi bị ảnh hưởng người bệnh có những triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Đột ngột chóng mặt dữ dội, có cảm giác chao đảo, quay tròn
- Mất thăng bằng
- Buồn nôn, nôn
Trong một số bệnh lý có ảnh hưởng đến thành phần thần kinh ốc tai do đó sẽ có triệu chứng ù tai và/hoặc mất thính giác.
Nhìn chung, những triệu chứng nặng nhất như chóng mặt trầm trọng chỉ kéo dài vài ngày nhưng khi mắc phải làm người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, các triệu chứng nặng thuyên giảm dần, đa phần bệnh nhân hồi phục chậm nhưng khỏi hoàn toàn sau vài tuần. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể còn mất thăng bằng và chóng mặt trong vài tháng.
4. Chẩn đoán viêm dây thần kinh tiền đình
Chẩn đoán viêm dây thần kinh tiền đình bằng cách:
- Thăm khám lâm sàng có triệu chứng của hội chứng tiền đình ngoại biên: chóng măt quay tăng lên khi thay đổi tư thế, buồn nôn, nôn, rung giật nhãn cầu, không có các triệu chứng yếu liệt thần kinh khu trú khác
- Kiểm tra thính lực
- Chụp cộng hưởng từ có thể được thực hiện trong một vài trường hợp nghi ngờ để chắc chắn triệu chứng không gây ra do một bệnh lý nội sọ khác như u não, tai biến mạch máu não
5. Điều trị viêm dây thần kinh tiền đình
Điều trị triệu chứng:
- Điều trị các cơn chóng mặt bằng thuốc chống chóng mặt ví dụ như: tanganil, an thần, thuốc kháng histamin, kèm theo điều trị tùy theo nguyên nhân gây bệnh
Điều trị theo nguyên nhân:
- Kháng sinh, chống viêm.
- Nếu xét nghiệm giang mai dương tính bác sĩ sẽ chỉ định thuốc chống giang mai
- Loại bỏ chất độc nếu tìm thấy nguyên nhân do nhiễm độc tố.
- Thuốc chống dị ứng.
- Phẫu thuật nếu có khối u góc cầu tiểu não, bóc tách dày dính màng não, hay u dây thần kinh thính giác,...
Ngoài ra, việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt có thể giúp cho người bệnh giảm bớt những triệu chứng mà viêm dây thần kinh tiền đình gây ra như:
- Tránh mất nước khi nôn: uống nhiều nước, chia làm nhiều lần, mỗi lần uống một lượng nhỏ.
- Nghỉ ngơi tránh té ngã, tránh lái xe, sử dụng công cụ hay máy móc hoặc làm việc nặng khi cảm thấy chóng mặt, mất thăng bằng
- Tránh uống rượu
- Tránh ánh sáng chói
- Cố gắng tránh nơi ồn và những thứ gây căng thẳng
Viêm thần kinh tiền đình là bệnh không phổ biến và có nguyên nhân nhiều khi không rõ ràng. Điều may mắn là bệnh có thể tự khỏi sau vài tuần đến vài tháng. Trong thời gian chờ đợi bệnh phục hồi, bạn hãy thực hiện sinh hoạt theo lời khuyên của bác sĩ để tránh bị thương do té ngã và hỗ trợ tiền đình sớm bình thường trở lại.