Vì sao bị tiểu đường vết thương lâu lành?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp rất nhiều những vết thương từ nhỏ đến lớn, mức độ tổn thương có thể nhiều hoặc ít, có hoặc không có nhiễm trùng. Đa phần các vết thương nhỏ hay có bị nhiễm trùng nhẹ có thể tự khỏi hoặc đôi khi cần sử dụng kháng sinh để rút ngắn thời gian lành vết thương. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân bị tiểu đường vết thương lâu lành hơn so với người bình thường. Vậy vì sao bị tiểu đường vết thương lâu lành? Đối với những vết thương ở người tiểu đường cần chăm sóc như thế nào?

1. Vì sao tiểu đường vết thương lâu lành?

Vết thương có thể hiểu đơn giản là một dạng tổn thương của cơ thể mà trong đó có sự gián đoạn của mô với 1 khoảng lớn hoặc nhỏ tùy theo nguyên nhân gây nên. Vết thương có thể là vết thương kín hoặc vết thương hở, có thể chỉ tổn thương ngoài da hoặc sâu vào niêm mạc, cơ xương khớp hay các cơ quan bộ phận khác. Tùy theo diện tích, số lượng và độ sâu của vết thương mà gây ảnh hưởng nhiều hay ít đến sức khỏe người bệnh.

Quá trình lành vết thương trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn cầm máu/ viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo. Ở người bình thường, các vết thương nhỏ nông hay bị nhiễm trùng nhẹ có thể tự khỏi sau thời gian ngắn. Tuy nhiên với bệnh nhân tiểu đường, quá trình lành thương mất nhiều thời gian hơn, thậm chí tiểu đường vết thương không lành ngay cả khi chỉ là những nhiễm trùng nhẹ.

Để trả lời cho câu hỏi “tại sao bị tiểu đường vết thương lâu lành hơn người bình thường?”, các chuyên gia giải thích rằng:

  • Đối với bệnh nhân tiểu đường, lượng Glucose máu luôn cao hơn ngưỡng bình thường, điều này khiến cho khả năng nhận dinh dưỡng và oxy của tế bào bị suy giảm, đồng thời hạn chế chức năng của hệ thống miễn dịch, ức chế khả năng chống lại tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm...) của cơ thể và tăng nguy cơ bị viêm cho bệnh nhân.
  • Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân bị tiểu đường thường hay gặp vấn đề với hệ thống thần kinh cảm nhận vết thương hay cảm giác đau của cơ thể. Do đó làm giảm sự nhạy bén của hệ thần kinh, khiến cơ thể không nhận ra vết thương trên cơ thể, đặc biệt ở những giai đoạn đầu.
  • Sự lưu thông tuần hoàn mạch máu giảm làm giảm lượng máu đưa đến vết thương dẫn tới giảm khả năng nuôi dưỡng cũng như phục hồi vết thương, kéo dài thời gian lành thương, các phản ứng viêm cũng diễn ra trong thời gian dài hơn bình thường.
  • Không những thế, ở những người bệnh tiểu đường, cơ thể có thể sản xuất ra một số loại enzym, hormon gây ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch để làm chậm quá trình lành vết thương.
  • Việc suy giảm chức năng hệ miễn dịch ở bệnh nhân tiểu đường cũng là một yếu tố thuận lợi để tăng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn virus khác, làm nặng thêm tình trạng tổn thương, điều trị cũng khó khăn hơn.

2. Phân loại vết thương ở người bị tiểu đường

Một số điều cần lưu ý về vết thương ở bệnh nhân bị tiểu đường gồm:

  • Vết thương ở người bị tiểu đường có nguy cơ nhiễm trùng và bị loét cao hơn bình thường do có lượng đường trong máu cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sống và phát triển.
  • Nếu để vết thương bị loét thì việc điều trị sẽ trở lên rất khó khăn, mất nhiều thời gian cũng như công sức của cả đội ngũ y tế và người bệnh. Đã có rất nhiều bệnh nhân phải cắt cụt hay tháo khớp chân vì mức độ nhiễm trùng hay loét bàn chân quá nặng không thể duy trì điều trị được. Ở rất nhiều bệnh viện tuyến trung ương đã thành lập khoa chăm sóc riêng đối với bệnh nhân tiểu đường được gọi là chăm sóc bàn chân đái tháo đường.
  • Đa số các vết thương thường được phát hiện muộn, đến khi phát hiện có thể đã ở mức độ nghiêm trọng do đường huyết cao gây tổn thương thần kinh, làm giảm khả năng nhận biết các tổn thương của cơ thể.

Vì những lý do trên, vết thương ở người tiểu đường cần phải được chăm sóc đúng cách và đúng theo giai đoạn. Để thuận tiện cho việc chăm sóc cũng như điều trị, người ta phân mức độ tổn thương của vết thương ở người tiểu đường thành 4 độ khác nhau:

  • Độ 0: Vết thương chỉ nông trên bề mặt da, không có tổn thương loét.
  • Độ 1: Vết thương có loét nông nhưng chưa tổn thương đến các mô như dây chằng, bao khớp, cơ xương.
  • Độ 2: Tổn thương loét ăn sâu đến dây chằng hoặc bao khớp.
  • Độ 3: Vết loét đến xương khớp.

Nếu dựa theo mức độ nhiễm trùng, thiếu máu thì vết thương ở bệnh nhân bị tiểu đường được chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn A: Vết thương còn sạch, chưa nhiễm trùng.
  • Giai đoạn B: vết thương đã bị nhiễm trùng.
  • Giai đoạn C: Vết thương bị thiếu máu.
  • Giai đoạn D: Vết thương bị nhiễm trùng và thiếu máu.

3. Cách chăm sóc vết thương ở những người bị tiểu đường

3.1. Đối với vết thương nông, chưa bị loét hay nhiễm trùng

Điều trị chăm sóc theo dõi tại nhà đối với các vết thương nông độ 0, độ 1.

Các bước chăm sóc vết thương tại nhà:

  • Bước 1: Làm sạch vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch thông thường. Nếu sử dụng cồn iod thì nên pha loãng trước khi dùng. Có một vài quan điểm cho rằng dùng oxy già sẽ giúp sát khuẩn tốt hơn tuy nhiên không cần thiết với vết thương độ 0, độ 1. Mặt khác, tính sát khuẩn của oxy già rất mạnh có thể gây tổn thương tới các tế bào lành tại vị trí tổn thương.
  • Bước 2: Thoa thuốc mỡ sát trùng lên vùng da tổn thương. Việc sử dụng loại thuốc cũng như liều lượng cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Bước 3: Băng vết thương. Có thể sử dụng băng keo cá nhân đối với các vết thương nhỏ. Còn với vết thương lớn cần dùng băng gạc, có thể kết hợp thêm các loại thuốc tái tạo kích thích quá trình liền thương để rút ngắn thời gian điều trị.
  • Bước 4: Thay băng vết thương ít nhất mỗi ngày 2 lần hoặc có thể thay khi thấy băng bị bẩn ướt.

Lưu ý: Nếu thấy vết thương có dấu hiệu bị nhiễm trùng, loét cần đến cơ sở y tế sớm để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời.

3.2. Đối với vết thương sâu hoặc đã bị nhiễm trùng

Khuyến cáo bệnh nhân nên đi khám khi vết thương từ độ 2 trở lên. Tùy theo mức độ tổn thương các bác sĩ sẽ chỉ định chăm sóc điều trị bằng thuốc tại nhà hoặc điều trị can thiệp tại bệnh viện.

Nếu bệnh nhân được chỉ định điều trị tại nhà cần lưu ý:

  • Tuân thủ theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ.
  • Dùng thuốc theo đơn nếu có. Trường hợp dùng thuốc không thấy bệnh tiến triển, dấu hiệu nhiễm trùng loét càng ngày càng nặng, cần đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.
  • Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt các loại kháng sinh rắc vết thương hay các loại lá đắp theo kinh nghiệm dân gian.
  • Không tì đè vào vết thương.
  • Nên nằm kê cao chân, thay đổi tư thế nằm thường xuyên, đặc biệt những bệnh nhân bị loét ở vùng xương cụt, mông hay lưng.
  • Khi bôi thuốc cho bệnh nhân cần đi găng tay y tế để đảm bảo vô trùng.

3.3. Chế độ dinh dưỡng cho vết thương của bệnh nhân tiểu đường

Để tốt cho sức khỏe đồng thời giúp vết thương nhanh lành, trong vấn đề dinh dưỡng, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:

  • Có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng khoa học lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao tùy theo sức của bản thân.
  • Chế độ ăn giảm đường, giảm tinh bột.
  • Bổ sung nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin đặc biệt vitamin C và các loại protein như cá hay các loại đậu, kẽm... sẽ giúp kích thích quá trình liền thương.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia thuốc lá vì sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Bệnh tiểu đường tuy không gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe luôn nhưng có rất nhiều biến chứng nặng nề. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn thấy có những bất thường trong sức khỏe để được thăm khám tư vấn điều trị sớm, tránh xảy ra biến chứng ảnh hưởng về sau.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan