Vì sao bạn uống nước lạnh bị buốt răng?

Răng bị buốt khi uống nước lạnh là tình trạng khá phổ biến ở người các bệnh lý liên quan đến các vấn đề răng miệng. Nếu không được điều trị, triệu chứng nhạy cảm sẽ trở nên tồi tệ và tiến triển đến mức phải tránh xa tất cả các loại đồ uống lạnh yêu thích. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị răng bị ê buốt khi uống nước lạnh.

1. Vì sao uống nước lạnh bị buốt răng?

Tình trạng ê buốt răng khi uống nước lạnh còn được gọi là răng nhạy cảm hay hiện tượng quá cảm ngà, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng bị ê buốt khi uống nước lạnh. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Do bẩm sinh răng quá nhạy cảm.

Một số trường hợp răng quá nhạy cảm, chỉ cần khi tiếp xúc với thức ăn đồ uống lạnh hoặc nóng đều có cảm giác bị ê buốt do các dây thần kinh bên trong răng quá nhạy cảm với nhiệt độ của thức ăn nước uống khi ăn vào.

  • Chải răng quá mạnh

Một số trường hợp khi chải răng quá mạnh làm mòn lớp men răng bên ngoài thân răng, gây ra những tổn thương ở nướu lợi và dần dần sẽ tác động trực tiếp đến các dây thần kinh cảm giác trong răng. Vì vậy, khi tiếp xúc với nước lạnh, răng sẽ gây nên cảm giác ê buốt. Để hạn chế tình trạng này, các nha sĩ thường khuyên mọi người chải răng 1 cách nhẹ nhàng với bàn chải có lông mềm và 1 lượng kem đánh răng vừa đủ.

  • Nghiến răng

Nếu mắc phải chứng nghiến răng vào ban đêm, hậu quả thường gặp là lớp men răng sẽ dần dần mòn đi. Khi tình trạng này không được điều trị kịp thời, ngà răng sẽ bị lộ ra khiến răng trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, nước uống đặc biệt với nước lạnh.

  • Sử dụng kem đánh răng có tác dụng tẩy trắng mạnh

Mặc dù sử dụng kem đánh răng làm trắng có thể giúp bạn có nụ cười rạng rỡ. Tuy nhiên, 1 số kem đánh răng chứa các thành phần tẩy trắng mạnh khiến lớp men răng bị bào mòn từ từ dẫn đến răng dễ bị nhạy cảm. Ngoài ra, nước súc miệng có chứa cồn cũng có thể khiến răng nhạy cảm hơn với thức ăn hoặc đồ uống lạnh.

  • Mảng bám, vôi răng, cao răng

Nếu tình trạng răng miệng mắc phải các vấn đề về cao răng, mảng bám hay vôi răng, chất acid từ nó tạo ra sẽ làm mất lớp men răng. Nếu kéo dài tình trạng này, răng sẽ trở nên yếu và nhạy cảm hơn.

  • Bệnh lý răng miệng

Một số bệnh lý răng miệng thường gặp như viêm nướu lợi, sâu răng, viêm nha chu... là các yếu tố nguy cơ khiến răng thêm nhạy cảm. Khi nướu bị tổn thương, thường có nguy cơ để lộ phần chân răng, gây ra tình trạng các tác nhân kích thích dễ dàng tiếp xúc với phần bên trong răng. Khi uống nước lạnh, các dây thần kinh bị kích thích gây cảm giác ê buốt răng. Vì vậy, cần phải giải quyết nguyên nhân triệt để nhằm cải thiện tình trạng này.

  • Răng bị nứt hoặc mẻ

Có thể do chấn thương làm răng bị nứt hoặc mẻ 1 phần răng, lớp ngà răng sẽ dễ bị lộ ra và gây ra sự nhạy cảm với các thức ăn đồ uống lạnh và uốn cong cấu trúc răng gây đau khi nhai thức ăn. Trong trường hợp này để cải thiện tình trạng ê buốt răng cần phải có sự can thiệp của nha sĩ để tiến hành trám răng.

2. Cách khắc phục răng bị ê buốt khi uống nước lạnh

Khi nhận thấy hiện tượng răng bị ê buốt khi uống nước lạnh thì nên nhanh chóng tìm cách khắc phục 1 cách triệt để, không nên để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến vấn đề răng miệng. Cần đến trực tiếp nha khoa để được thăm khám cẩn thận, tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có can thiệp điều trị kịp thời.

Để khắc phục tình trạng răng bị ê buốt khi uống nước lạnh, có thể tham khảo một số giải pháp sau:

  • Chải răng đúng cách

Mục đích của việc chải răng đúng cách theo hướng dẫn nhằm giúp bảo vệ lớp men răng bị tổn thương:

  • Nên đặt bàn chải đánh răng nghiêng một góc 45 độ so với bề mặt răng.
  • Chải răng 1 cách nhẹ nhàng theo chiều xoắn ốc hoặc chiều dọc so với hàm răng. Không nên chải theo chiều ngang và chải răng quá lâu.
  • Không nên chải răng ngay sau khi ăn xong, mà nên chờ tầm khoảng 30 phút rồi chải răng là tốt.
  • Nên lựa chọn bàn chải đánh răng có lông mềm, kích thước phù hợp, để tránh tổn thương đến răng và các vị trí khác.

Có thể tham khảo ý kiến tư vấn của nha sĩ để lựa chọn loại kem đánh răng phù hợp, một số nhãn hiệu kem đánh răng đã được kiểm nghiệm có hiệu quả với tình trạng ê buốt.

  • Thói quen ăn uống khoa học

Hạn chế các thức ăn, đồ uống có chứa nhiều acid, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh làm cho lớp men răng bị bào mòn từ từ. Thay vào đó cần tăng cường chế độ ăn hàng ngày với nhiều rau xanh, trái cây tươi....

  • Bổ sung thêm Canxi

Thành phần chính trong cấu tạo xương cũng như răng là Canxi, vì vậy bổ sung thêm Canxi cũng là 1 giải pháp giúp răng thêm chắc khỏe hạn chế các vấn đề răng miệng hay gặp phải. Việc bổ sung canxi có thể có nhiều lựa chọn như từ các thực phẩm giàu canxi chẳng hạn như bơ, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại rau như bông cải xanh, súp lơ, các loại thịt cá, tôm và các loại hạt như hạnh nhân, hạt điều...

  • Dùng các thảo dược tự nhiên: Các thảo dược từ thiên nhiên có thể giúp cải thiện tình trạng ê buốt răng tạm thời nếu nguyên nhân gây ê buốt răng khi uống nước lạnh không phải do bệnh lý về răng miệng. Chúng bao gồm:
    • Trà xanh: Trong thành phần của trà xanh có chứa các hợp chất Catechin, Fluor, acid tannic và các thành phần khác giúp bổ trợ cho quá trình hình thành lớp men răng làm răng thêm chắc khỏe, acid tannic cũng làm giảm vai trò của các chất hòa tan canxi. Cách thực hiện cũng khá đơn giản: Chỉ cần lấy vài lá trà xanh nhai trong vòng khoảng 5 phút sau đó súc miệng bằng nước, nên thực hiện 2 - 3 lần mỗi ngày. Trường hợp không có sẵn lá trà xanh, có thể dùng trà xanh bán sẵn để pha nước rồi ngậm nước trà xanh đã pha trong khoảng 5 phút.
    • Dùng tỏi: Trong tỏi có chứa Fluor, allicin giúp lớp ngà răng bị tổn thương được phục hồi và bảo vệ chống lại những tác nhân kích thích từ bên ngoài như thức ăn đồ uống nóng, lạnh hay nhiều gia vị. Đây có lẽ là cách chữa ê buốt răng được nhiều người sử dụng phổ biến do nguyên liệu luôn có sẵn ở mọi nhà. Chỉ cần nhai 1 -2 tép tỏi và giữ ở vị trí có vùng răng bị ê buốt khoảng 2 - 3 phút, sau đó súc miệng lại với nước sạch. Để có hiệu quả như mong muốn, nên kiên trì thực hiện đều đặn 2 - 3 lần mỗi ngày.
    • Dùng quả óc chó: Do trong thành phần quả hạt óc chó rất giàu acid linoleic, canxi và phốt pho, có tác dụng làm giảm sự kích thích đến các dây thần kinh răng khi tiếp xúc với thức ăn, đồ uống nóng, lạnh từ đó giúp là thuyên giảm các cơn ê buốt răng. Cách thực hiện: Nhai khoảng 20g quả óc chó (1 - 2 hạt) trong khoảng thời gian 3 -5 phút, từ từ rồi nuốt.
    • Dùng rượu cau: Đây là phương pháp giúp trị sâu răng, viêm lợi và giảm ê buốt nhanh chóng. Thực hiện bằng cách: Sau khi đánh răng sạch sẽ, ngậm một ít rượu cau trong khoảng thời gian là 15 phút rồi nhổ đi. Không nên súc miệng hoặc ăn uống trong khoảng 30 phút sau đó. Để đạt hiệu quả nhanh chóng nên kiên trì thực hiện 3 lần mỗi ngày, tình trạng ê buốt răng sẽ được cải thiện rõ rệt.

Mong rằng bài viết trên đã giúp giải đáp thắc mắc vì sao răng bị ê buốt khi uống nước lạnh? Đây là tình trạng cần được phát hiện và can thiệp kịp thời để giúp cho việc chăm sóc vấn đề răng miệng tốt hơn cũng như đem lại cảm giác thoải mái khi ăn uống hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan