Vết thương lâu lành phải làm sao? Nên bổ sung chất gì?

Bên cạnh việc vệ sinh đúng cách thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp vết thương mau lành. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc “vết thương lâu lành phải làm sao?”.

Quá trình lành vết thương phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Bản chất của vết thương: Vết thương nông hay sâu, nhỏ hay rộng, có kèm mưng mủ nhiễm khuẩn không?
  • Cách xử lý vết thương đúng cách và kịp thời sẽ giúp vết thương nhanh lành và tránh được tình trạng mưng mủ, nhiễm trùng.
  • Chế độ dinh dưỡng, người cao tuổi, tiền sử mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, đang điều trị bằng corticoid hoặc đang hóa trị điều trị ung thư,...

1. Vết thương lâu lành phải làm sao?

Nếu bạn đang không biết “vết thương lâu lành phải làm sao?” thì câu trả lời chính là:

  • Chăm sóc vết thương đúng cách:
    • Băng gạc là công cụ hữu ích để giữ sạch vết thương và duy trì một môi trường ẩm giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương. Sau khi cầm máu vết thương, cần băng bó cẩn thận để giữ sạch sẽ, tuy nhiên không băng quá chặt vì sẽ gây cản trở lưu thông máu, càng làm vết thương lâu lành. Bất cứ khi nào băng bị bẩn hay ướt thì nên thay băng ngay.
    • Cần theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng, nhất là trong trường hợp tự chăm sóc tại nhà như: Vết thương đau nhức, sưng đỏ lan rộng, mưng mủ hoặc xuất hiện sốt, vết thương không lành,... thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
  • Không nên sử dụng các loại thuốc ngăn cản quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể như các thuốc chống viêm (aspirin), corticoid sẽ gây ức chế miễn dịch của cơ thể. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để biết được các loại thuốc cần tránh trong thời gian điều trị.
  • Hoạt động thể chất sẽ giúp tăng lưu lượng tuần hoàn, cải thiện sức khỏe chung, đồng thời cũng giúp tăng tốc độ chữa lành vết thương. Vì vậy nên tập thể dục thể thao thường xuyên. Tuy nhiên, nếu vết thương quá lớn hoặc nghiêm trọng thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về các bài tập phù hợp.

2. Vết thương lâu lành là thiếu chất gì?

Nếu bạn đang có vết thương loét lâu lành thì hãy bổ sung các chất sau:

Protein: Protein cần thiết cho quá trình tái tạo da, tạo collagen và mạch máu mới. Vì vậy, khi không cung cấp đủ protein, vết thương sẽ chậm lành hơn. Thực phẩm giàu protein như: Thịt nạc như thịt lợn, bò, gà hay cá, các loại đậu, đỗ, trứng và sữa...

Carbohydrates: Cơ thể cần Carbohydrates để cung cấp đủ năng lượng và đẩy nhanh quá trình lành vết thương. Thực phẩm giàu Carbohydrates như: Gạo, bánh mì, ngũ cốc và khoai tây,...

  • Nước: Khi có vết thương loét lâu lành, bạn cần cung cấp nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch tiết qua vết thương. Vì vậy, cần uống đủ nước mỗi ngày nếu không có chỉ định đặc biệt khác từ bác sĩ.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Đây là nguồn thực phẩm chứa đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho cơ thể như protein, đường, lipid, vitamin và các khoáng chất.
  • Vitamins và khoáng chất:
    • Vitamin C là thành phần quan trọng trong quá trình tạo collagen – chất thiết yếu cho phục hồi da hư tổn, giúp tạo các mô mới, dây chằng, mạch máu cho da, tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại tình trạng mưng mủ, nhiễm trùng và làm vết thương nhanh lành hơn. Các loại trái cây có vị chua và rau có màu xanh có chứa nhiều Vitamin C. Tuy nhiên, khi chế biến các loại thức ăn này bạn cần cẩn thận vì nấu chín quá sẽ dễ làm mất đi đáng kể một lượng vitamin.
    • Vitamin A là 1 chất chống oxy hóa tự nhiên, kích thích quá trình tạo mới collagen và rất cần thiết cho quá trình chữa lành vết thương. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin A là sữa tươi, sữa tách béo, trứng, các loại rau củ quả có màu cam hoặc vàng, các loại rau có màu xanh đậm, khoai lang...
    • Tăng cường bổ sung các thực phẩm chứa vitamin B, E giúp tái tạo mô mới và làm vết thương nhanh lành.
    • Kẽm là một nguyên tố vi lượng giúp cơ thể sử dụng các chất béo, tổng hợp protein và tạo collagen mới để kích thích quá trình làm lành vết thương. Lượng kẽm được khuyên dùng là 15-50mg/ ngày. Kẽm có trong các loại hạt, ngũ cốc, thịt đỏ, thịt gà và hải sản...

Bên cạnh đó, cần bổ sung thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, acid folic,... như trứng, sữa, gan và các loại rau xanh đậm...để giúp đẩy nhanh quá trình tạo máu. Máu sẽ giúp vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng đến mô đang bị tổn thương, mang tế bào bạch cầu và đại thực bào đến tiêu diệt các vi khuẩn, đồng thời dọn dẹp các xác vi trùng và tế bào đã chết.

3. Vết thương loét lâu lành thì nên kiêng gì?

  • Không nên vận động quá mạnh vì có thể gây rách miệng vết thương, làm vết thương nặng và lâu lành hơn.
  • Tránh để vết thương bị ngâm nước lâu do có nguy cơ mưng mủ và nhiễm khuẩn lâu lành.
  • Không dùng tay bẩn sờ vào vết thương hở vì vi khuẩn có thể xâm nhập vào vết thương.
  • Khi vết thương bắt đầu kết vảy không nên bóc lớp vảy này, tránh làm vết thương chảy máu, lâu lành và để lại sẹo.
  • Trong thời kỳ lên da non không nên ăn đồ nếp, thịt gà vì có thể gây ngứa, mưng mủ và để lại sẹo lồi.
  • Không nên ăn rau muống do gây sẹo lồi.
  • Không nên ăn thịt bò vì có thể để lại sẹo thâm.
  • Hạn chế ăn hải sản vì có thể gây dị ứng.
  • Không tự điều chế các loại thuốc dân gian để đắp lên vết thương hở vì có thể gây nhiễm trùng vết thương, khiến tình trạng nặng hơn và khó kiểm soát.

Bài viết đã giải đáp thắc mắc “vết thương lâu lành phải làm sao?” và “vết thương lâu lành là thiếu chất gì?”. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến vấn đề vết thương loét lâu lành thì bạn hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan