Trước khi nhổ răng khôn nên làm gì?

Răng khôn là răng mọc cuối cùng trong đời người và nằm phía trong cùng của hàm răng khi hàm đã ngừng tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên răng khôn thường có xu hướng mọc lệch, mọc ngầm gây đau đớn khiến chỉ định nhổ răng khôn ngày càng phổ biến, bao gồm cả tác dụng chỉnh nha. Vậy trước khi nhổ răng nên làm gì?

1. Vì sao cần phải nhổ răng khôn?

Người Châu Á thường có khung xương hàm nhỏ do đó khi răng khôn mọc sẽ không đủ chỗ để phát triển một cách bình thường mà đa phần là mọc lệch, mọc ngầm hoặc đâm vào các răng khác. Điều này dẫn tới các triệu chứng thường gặp ở người mọc răng khôn như sưng một bên má, đau đớn, sốt, ăn uống khó khăn, thậm chí là sốt cao, đau đầu, sụt cân nghiêm trọng.

Răng khôn thường sẽ được chỉ định nhổ bỏ càng sớm càng tốt. Nếu không nhổ bỏ theo thời gian răng khôn mọc bất thường sẽ gây viêm lợi, viêm nha chu, sâu răng và làm hỏng các răng bên cạnh. Các biến chứng của mọc răng khôn có thể có:

  • Sâu răng: là răng mọc sau cùng và ở vị trí trong cùng của hàm nên việc vệ sinh răng khôn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Răng khôn còn có thể mọc một phần qua nướu tạo ra vạt của mô nướu phủ một phần răng gây nhiễm trùng, sưng đỏ
  • Răng mọc chen chúc: do răng khôn không đủ chỗ lấn sang vị trí các răng khác dễ dẫn tới tiêu xương chân răng, răng yếu dễ lung lay, rụng sớm, chức năng ăn nhai cũng kém hơn.
  • Viêm nướu: là khi răng không được làm sach, vi khuẩn hoạt động gây ra triệu chứng hôi miệng, viêm nướu và làm lây lan tổn thương tới các răng bên cạnh. Nếu viêm nướu không được điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm tới tai, mắt và nguy cơ làm hại tới tính mạng

2. Khi nào có chỉ định nhổ răng khôn?

Hầu hết nha sĩ đều khuyên nhổ răng khôn khi chân răng hình thành từ một đến hai phần ba, đặc biệt là răng khôn có các đặc điểm sau:

  • Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, mọc ngang gây đau, ảnh hưởng tới răng bên cạnh
  • Có khoảng trống giữa răng khôn và răng bên cạnh khiến thức ăn đọng lại khó vệ sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn phá huỷ răng bên cạnh
  • Răng khôn gây ra một số bệnh về răng miệng, gây đọng thức ăn, dễ cắn vào má, lợi trùm lên răng khôn gây sưng lợi, đau nhức
  • Răng khôn bị sâu

3. Trước khi nhổ răng khôn nên làm gì?

Để chuẩn bị trước khi nhổ răng khôn người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Nắm rõ tình trạng sức khỏe bản thân, thông báo với bác sĩ nếu có bệnh lý nền như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, tiền sử dị ứng thuốc hoặc thành phần của thuốc, đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc mới ốm dậy
  • Chuẩn bị sức khỏe và tâm lý thoải mái, nghỉ ngơi sớm, không thức khuya trước khi nhổ răng khôn. Chế độ ăn cũng cần đủ chất, kiêng rượu bia, thuốc lá 1 ngày trước khi nhổ răng để tránh làm giảm hiệu quả thuốc tê, tăng nguy cơ chảy máu
  • Nếu kế hoạch nhổ răng là gây tê thì có thể có bữa ăn nhẹ trước đó vài giờ để giữ lượng đường trong máu ổn định và hơi cao hơn mức bình thường
  • Làm sạch răng miệng trước ở nhà
  • Chọn cơ sở nha khoa uy tín.

Nhìn chung việc nhổ răng số 8 vẫn là tiểu phẫu đơn giản với các phòng khám nha khoa đầy đủ trang thiết bị và nha sĩ tay nghề cao. Do đó việc chuẩn bị tâm lý trước khi nhổ răng khôn vẫn là quan trọng nhất, tiếp theo hãy cố gắng giữ gìn vệ sinh răng miệng trước khi nhổ răng để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan