Trị cảm lạnh: Cái gì hiệu quả, cái gì không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh cảm lạnh thông thường, tuy nhiên bạn có thể rút ngắn thời gian mắc bệnh bằng cách bổ sung thêm một số chất và chăm sóc tốt bản thân. Một số biện pháp có thể giúp giảm bớt các triệu chứng do cảm lạnh gây ra và giảm sự khó chịu ở người bệnh. Dưới đây là một số biện pháp khắc phục bệnh cảm lạnh thông thường.

1. Vitamin C

Uống bổ sung vitamin C không có khả năng ngăn ngừa cảm lạnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy nó có thể làm giảm thời gian bị cảm lạnh. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013 cho thấy việc bổ sung thường xuyên (1 đến 2 gram vitamin C mỗi ngày) giúp giảm 8% thời gian bị cảm lạnh ở người lớn và 14% ở trẻ em. Vitamin C cũng làm giảm mức độ nghiêm trọng do cảm lạnh nói chung.

Liều lượng khuyến cáo hàng ngày của vitamin C là 90 mg cho nam giới và 75 mg cho phụ nữ không mang thai. Nếu vượt mức giới hạn trên (2000 mg) có thể gây ra một số tác dụng phụ.

2. Bổ sung kẽm

Gần 3 thập kỷ nghiên cứu về cảm lạnh và các chuyên gia đã thấy rằng kẽm có tác dụng với cảm lạnh. Sử dụng viên ngậm kẽm có thể giúp bạn vượt qua cảm lạnh nhanh hơn so với việc không dùng kẽm. Trung bình, thời gian mắc cảm lạnh kéo dài đã giảm xuống 33%.

Điều quan trọng, bạn cần lưu ý là liều lượng trong các nghiên cứu này chỉ ra rằng, có thể bổ sung kẽm từ 80 đến 92 mg mỗi ngày, cao hơn nhiều so với mức tối đa hàng ngày được đề xuất bởi Viện y tế quốc gia. Đánh giá năm 2017 chỉ ra rằng, việc bổ sung liều lượng lên tới 150 mg kẽm mỗi ngày được thực hiện thường xuyên trong nhiều tháng trong một số điều kiện nhất định sẽ gây ra một số tác dụng ngoài ý muốn.

3. Thảo dược

thuốc thảo dược  echinacea
Thảo dược echinacea có thể ngăn ngừa cảm lạnh

Đánh giá của các nghiên cứu trong năm 2014 và 2018, dùng echinacea có thể ngăn ngừa hoặc rút ngắn cảm lạnh.

Một nghiên cứu được thực hiện vào 2012 cho thấy lợi ích tích cực của echinacea đối với cảm lạnh, những người tham gia dùng 2400 mg mỗi ngày trong bốn tháng. Một số người dùng echinacea báo cáo có một số tác dụng phụ xảy ra, chẳng hạn như buồn nôn và tiêu chảy. Trước khi dùng thảo dược echinacea bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

4. Cơm cháy đen Elderberry

Cơm cháy đen là một phương thuốc truyền thống được sử dụng để chống cảm lạnh ở nhiều nơi trên thế giới. Nó có khả năng rút ngắn thời gian bị cảm lạnh.

Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2016 cho thấy, trong số 312 khách du lịch máy bay, những người dùng thực phẩm bổ sung Elderberry đã giảm đáng kể thời gian cảm lạnh và mức độ nghiêm trọng so với những người dùng giả dược.

5. Nước ép củ cải đường

Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2019, theo dõi 76 học sinh có nguy cơ bị cảm lạnh trong kỳ thi cuối kỳ căng thẳng. Những người uống một lượng nhỏ nước ép củ cải 7 lần/ ngày cho thấy các triệu chứng cảm lạnh ít hơn so với những người không uống. Phương thuốc này đặc biệt hữu ích cho những học sinh mắc bệnh hen suyễn.

Bởi vì nước ép củ cải đường có nhiều nitrat trong chế độ ăn uống, nó làm tăng sản xuất oxit nitric của cơ thể, có thể giúp bảo vệ bạn chống lại nhiễm trùng đường hô hấp.

6. Đồ uống Probiotic

Mặc dù các nghiên cứu về men vi sinh và cảm lạnh còn hạn chế, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng một loại đồ uống có chứa Lactobacillus, L. casei 431, có thể làm giảm thời gian bị cảm lạnh, đặc biệt là liên quan đến các triệu chứng hô hấp.

Vi khuẩn Probiotic thay đổi từ sản phẩm này sang sản phẩm khác, vì vậy hãy kiểm tra nhãn để biết bạn đang dùng loại nào.

7. Nghỉ ngơi

Nằm nghỉ ngơi
Hãy nghỉ ngơi trong vài ngày khi bị cảm lạnh

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khuyên bạn nên nghỉ ngơi thêm khi bị cảm lạnh.

Bạn có thể tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách tập thể dục, tuy nhiên nếu bị cảm lạnh, tốt nhất bạn nên nghỉ ngơi trong vài ngày. Thực tế, nếu bạn không ngủ đủ giấc mỗi ngày, bạn có nhiều nguy cơ mắc cảm lạnh hơn.

8. Xì mũi thường xuyên và đúng cách

Điều quan trọng là bạn cần xì mũi thường xuyên khi bị cảm lạnh. Nhưng khi bạn xì mũi mạnh, áp lực có thể gây đau tai. Cách tốt nhất để xì mũi: Nhấn một ngón tay lên một lỗ mũi trong khi bạn xì nhẹ để làm sạch mũi kia. Rửa tay sau khi xì mũi.

9. Súc miệng

Súc miệng có thể làm ẩm vùng họng bị đau và mang lại sự giảm đau tạm thời. Bạn nên thử một muỗng cà phê muối hòa tan trong nước ấm khoảng 4 lần mỗi ngày. Để giảm đau họng, nên súc miệng, chẳng hạn như trà có chứa tanin hoặc ngâm một muỗng nước cốt chanh vào hai cốc nước nóng và trộn vào một muỗng cà phê mật ong. Sau đó để hỗn hợp nguội đến nhiệt độ phòng trước khi súc miệng. Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi.

10. Uống nước ấm

Uống nước
Uống nhiều nước khi bị cảm giúp ngăn ngừa mất nước,đặc biệt là uống nước ấm để giảm nghẹt mũi

11. Chườm nóng hoặc chườm lạnh ở vùng xoang bị tắc nghẽn

Nhiệt độ có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Bạn có thể mua túi chườm nóng hoặc lạnh có thể tái sử dụng tại nhà thuốc. Hoặc lấy khăn ướt và làm nóng trong 20 giây mỗi lần trong lò vi sóng (kiểm tra nhiệt độ trước để đảm bảo nó không quá nóng). Hoặc lấy một túi nhỏ đậu Hà Lan đông lạnh để dùng chườm lạnh.

12. Khi ngủ kê thêm một chiếc gối phụ dưới đầu

Điều này sẽ giúp giảm nghẹt mũi.

13. Không nên đi máy bay ngoại trừ trường hợp cần thiết

Thay đổi áp suất khiến hệ hô hấp của bạn bị ảnh hưởng. Nếu bạn bay với tình trạng tắc nghẽn do cảm lạnh hoặc cúm có thể làm tổn thương màng nhĩ của bạn do thay đổi áp suất trong quá trình cất cánh và hạ cánh. Nếu bạn phải bay, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng thuốc thông mũi và mang theo thuốc xịt mũi để sử dụng ngay trước khi cất cánh và hạ cánh. Nhai kẹo cao su và nuốt thường xuyên cũng có thể giúp giảm áp lực.

14. Thuốc chống nghẹt mũi

Thuốc nhỏ mũi
Sử dụng thuốc xịt mũi có thể giảm nghẹt mũi

Thuốc nhỏ mũithuốc xịt mũi có thể giúp giảm nghẹt mũi. Ở trẻ sơ sinh, các chuyên gia khuyên bạn nên nhỏ vài giọt nước muối vào một lỗ mũi, sau đó nhẹ nhàng hút lỗ mũi đó bằng dụng cụ chuyên dụng. Thuốc xịt mũi nước muối có thể được sử dụng ở trẻ lớn.

15. Giảm đau

Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống, chỉ cho dùng acetaminophen. Đối với trẻ lớn hơn 6 tháng, cho uống acetaminophen hoặc ibuprofen. Tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng chính xác, phù hợp với tuổi và cân nặng của con bạn. Người lớn có thể dùng acetaminophen (Tylenol, những người khác), ibuprofen (Advil, Motrin IB, những người khác) hoặc aspirin.

Cần thận trọng khi dùng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Mặc dù có thể dùng aspirin cho trẻ lớn hơn 3 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau khi bị thủy đậu hoặc các triệu chứng giống như cúm không bao giờ nên dùng aspirin. Bởi aspirin có liên quan đến hội chứng Reye, một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa đến tính mạng ở trẻ.

16. Tăng độ ẩm

Máy phun sương hoặc máy tạo độ ẩm mát có thể bổ sung độ ẩm cho ngôi nhà của bạn, điều này giúp bạn dễ chịu hơn khi bị cảm lạnh. Thay nước hàng ngày và vệ sinh thiết bị theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

17. Thuốc cảm và thuốc ho

Đối với người lớn và trẻ em trên 5 tuổi, thuốc thông mũi OTC, thuốc chống dị ứng và thuốc giảm đau có thể giúp giảm triệu chứng. Tuy nhiên, chúng sẽ không ngăn ngừa cảm lạnh hoặc rút ngắn thời gian mắc bệnh và hầu hết đều gây ra một số tác dụng phụ.

Các chuyên gia đồng ý rằng những loại thuốc này không nên dùng cho trẻ nhỏ. Việc lạm dụng các loại thuốc này có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn. Một số phương thuốc trị cảm lạnh có chứa nhiều thành phần, chẳng hạn như thuốc thông mũi cộng với thuốc giảm đau, vì vậy cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để đảm bảo không dùng quá liều.

Cảm lạnh khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn cần nghỉ ngơi và chăm sóc tốt bản thân nhằm rút ngắn thời gian mắc bệnh cũng như giảm các triệu chứng do cảm lạnh gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org, Healthline.com, Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan