Trạng thái bồn chồn bất an do thuốc hướng thần

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thuốc hướng thần là các thuốc để điều trị chứng rối loạn tâm thần và tâm lý. Trạng thái bồn chồn, bất an do thuốc hướng thần là tình trạng bứt rứt, khó chịu xuất hiện trong quá trình điều trị bệnh. Xử trí trạng thái này bằng cách giảm liều thuốc hướng thần hoặc đổi sang loại thuốc điều trị khác.

1. Các loại thuốc hướng thần

Thuốc hướng thần là thuốc dùng để điều trị các chứng rối loạn tâm thần và tâm lý. Có nhiều loại thuốc hướng thần như:

  • Thuốc chống rối loạn thần kinh: Điều trị nhiều loại rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, hưng cảm, trầm cảm và rối loạn tâm thần do ma tuý gây ra.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin,...
  • Thuốc ổn định trạng thái tinh thần để giảm sự hung hăng, cáu kỉnh; chẳng hạn như Carbamazepine, Sodium Valproate.
  • Anxiolytics như Benzodiazepines dùng để điều trị ngắn hạn chứng mất ngủ, chứng hồi hộp và kích động.
  • Các thuốc khác như thuốc kháng cholinergic (benztropine, benzhexol và biperiden) dùng để trị các phản ứng phụ do thuốc chống rối loạn tâm thần, chủ yếu là run và cứng cơ. Thuốc ức chế Beta có thể được dùng để giảm bồn chồn, run, hồi hộp, huyết áp và làm chậm nhịp tim.

2. Khái niệm về trạng thái bồn chồn bất an do thuốc hướng thần

Trạng thái bồn chồn bất an do thuốc hướng thần là tình trạng bứt rứt, khó chịu, lo lắng có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong quá trình điều trị, khiến người bệnh có nguy cơ hành vi tự sát. Uống thuốc hướng thần gây ra trạng thái bồn chồn, bất an thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên.

Các yếu tố thuận lợi gây ra tình trạng bồn chồn bất an như:

  • Dùng thuốc an thần có nguy cơ cao gây hội chứng ngoại tháp
  • Xuất hiện triệu chứng một vài ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc an thần với liều cao
  • Giảm thuốc chống ngoại tháp đột ngột
  • Tăng liều thuốc an thần quá nhanh, nhất là đường tiêm
  • Dùng sai nguyên tắc phối hợp nhiều loại thuốc hướng thần.
Bồn chồn là một trạng thái bứt rứt, khó chịu khiến con người có hành vi tiêu cực
Bồn chồn là một trạng thái bứt rứt, khó chịu khiến con người có hành vi tiêu cực

3. Biểu hiện lâm sàng của trạng thái bồn chồn bất an do thuốc hướng thần

  • Bồn chồn, lo lắng và khó chịu về tinh thần
  • Cảm giác chủ quan, bứt rứt khó chịu thường gặp ở hai chân khiến bệnh nhân thường xuyên cử động, không thể đứng yên hoặc ngồi yên một chỗ
  • Người bệnh đi lại liên tục và không thể tự khống chế được hành vi đó
  • Thể hiện sự bất an và sợ hãi.

4. Tiêu chuẩn chẩn đoán trạng thái bồn chồn bất an do thuốc hướng thần

  • Xuất hiện các triệu chứng chủ quan như sự bồn chồn, bất an, lo lắng sau khi dùng thuốc hướng thần.
  • Xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng khách quan như bồn chồn, chân tay lúc lắc liên tục, đi lại nhiều hơn để giảm bớt bồn chồn, không thể đứng yên hoặc ngồi yên một chỗ.
  • Các triệu chứng khởi phát trong vòng 4 tuần khi uống thuốc hướng thần
  • Các triệu chứng không do rối loạn tâm thần khác gây ra như tâm thần phân liệt, hội chứng cai nghiện, rối loạn tăng động và giảm chú ý,...
  • Các triệu chứng không do thuốc khác, bệnh thần kinh hoặc bệnh cơ thể gây ra.

5. Điều trị trạng thái bồn chồn bất an do thuốc hướng thần

Nguyên tắc xử trí trạng thái bồn chồn bất an do thuốc hướng thần là giảm liều thuốc hướng thần đang sử dụng, điều trị thử bằng các thuốc thích đáng và xem xét đổi sang thuốc hướng thần khác.

Bệnh nhân nên được điều trị ở nơi thông thoáng, dễ theo dõi.

Các thuốc và liều thuốc thường dùng như:

  • Propranolol dùng 40 - 80 mg/ ngày.
  • Diazepam dùng 5 – 10 mg/ngày, có thể dùng đường uống hoặc đường tĩnh mạch nếu trong trường hợp nặng.
  • Benztropine dùng 1 - 3 mg/ngày.

Tóm lại, trạng thái bồn chồn, bất an do thuốc hướng thần là tình trạng bứt rứt, khó chịu xuất hiện trong quá trình điều trị bệnh. Xử trí trạng thái này bằng cách giảm liều thuốc hướng thần hoặc đổi sang loại thuốc điều trị khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan