Tìm hiểu về tình trạng suy hô hấp cấp giảm oxy (AHRF)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Suy hô hấp cấp giảm oxy là tình trạng thiếu oxy trầm trọng không đáp ứng với thở oxy. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ đi vào tử vong nhanh chóng, tỉ lệ tử vong từ 50-70%

1. Suy hô hấp cấp giảm oxy là gì?

Suy hô hấp cấp giảm oxy (AHRF) là tình trạng thiếu oxy máu động mạch trầm trọng dẫn đến tình trạng thiếu oxy nặng tại các cơ quan, tổ chức mà không đáp ứng với thở oxy.

Tình trạng này gây ra bởi dòng máu nối tắt (shunt) trong phổi do phế nang bị thâm nhiễm hoặc xẹp biểu hiện lâm sàng bằng khó thở và thở nhanh.

Chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng. Cận lâm sàng dựa và kết quả xét nghiệm khí máu có tình trạng giảm oxy và chụp X- quang ngực có hình ảnh 2 phổi mờ lan tỏa.

Suy hô hấp cấp giảm oxy nghiêm trọng là tình trạng nguy kịch, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Hậu quả của tình trạng này nếu không được điều trị đúng cách như sau:

  • Rối loạn ý thức dẫn đến hôn mê do thiếu oxy não.
  • Mạch nhanh dần, huyết áp hạ rồi trụy mạch.
  • Nếu bệnh nhân qua khỏi để lại các biến chứng như xơ phổi, suy hô hấp mạn, tâm phế mạn.
  • Tỷ lệ tử vong chung từ 50 - 70%
Hôn mê
Suy hô hấp cấp giảm oxy nghiêm trọng là tình trạng nguy kịch

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy hô hấp cấp giảm oxy (AHRF)

Các nguyên nhân bao gồm nguyên nhân tại phổi và nguyên nhân ngoài phổi. Cụ thể

Nguyên nhân tại phổi:

  • Viêm phổi nặng. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, viêm phổi phế cầu, liên cầu, Haemophilius Influenzae, virus cúm A H5N1, SARS, corona....
  • Ngạt nước
  • Chấn thương lồng ngực nặng gây đụng dập phổi.
  • Nhồi máu phổi, tắc mạch phổi
  • Trào ngược dịch dạ dày. Dịch dạ dày gây ra tổn thương phổi trên diện rộng kèm xẹp phổi.
  • Tiêm, hít heroin hay sử dụng các loại thuốc ma túy

Nguyên nhân ngoài phổi:

  • Hôn mê đái tháo đường
  • Nhiễm khuẩn nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn.
  • Truyền máu số lượng lớn
  • Viêm tụy cấp nặng.
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi không xác định cần làm gì?
Viêm phổi nặng là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy hô hấp giảm oxy

3. Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng ở bệnh nhân suy hô hấp giảm oxy

3.1. Triệu chứng lâm sàng

Khởi phát cấp tính, thường trong khoảng 4-48 giờ sau một nguyên nhân tại phổi hoặc toàn thân.

AHRF tiến triển theo 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Phổi đã có tổn thương nhưng nghe phổi vẫn chưa có ran và X quang phổi vẫn sáng đều 2 bên.
  • Giai đoạn 2: kéo dài 1-3 ngày, bệnh nhân xuất hiện thở nhanh, lồng ngực còn di dộng tốt.
  • Giai đoạn 3: khó thở và xanh tím, kiểu phù phổi cấp tổn thương. Nhịp thở nhanh kèm theo xanh tím và mồ hôi. Khám phổi: lồng ngực bắt đầu di động kém, ran ẩm và ran nổ rải rác ở hai phổi. Bắt đầu xuất hiện rối loạn ý thức là hậu quả của suy hô hấp cấp.
  • Giai đoạn 4: Khí máu có giảm PaO2, tăng PaCO2 toan chuyển hoá cuối cùng gây ra hôn mê và suy cơ tim do thiếu oxy không hồi phục.

3.2. Triệu chứng cận lâm sàng:

Khí máu động mạch

  • PaO2 giảm nặng thường dưới 60mmHg, tỉ lệ PaO2/ FiO2 ≤ 200.
  • PaCO2 bình thường hoặc hơi giảm, đôi khi tăng cao nếu các tổn thương phổi quá lớn

Chụp X-quang phổi

  • Hai phổi mờ, kiểu phổi trắng, phổi hình cánh bướm, hình mờ rải rác, hai đỉnh và các góc sườn hoành sáng.
  • Có thể thấy hình ảnh các tổn thương phối hợp là nguyên nhân gây suy hô hấp cấp như viêm phổi, viêm phế quản,...
  • Xử trí tình trạng suy hô hấp cấp giảm oxy
X-quang phổi bình thường
Chụp X-quang phổi chẩn đoán suy hô hấp giảm oxy

4. Điều trị

Nguyên tắc điều trị

  • Đảm bảo thông khí bằng các biện pháp xâm nhập đường hô hấp (thở máy)
  • Dùng các thuốc an thần, giãn cơ
  • Kiểm soát dịch vào, ra
  • Kiểm soát dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhiệt độ, huyết áp
  • Kiểm soát tình trạng rối loạn nước điện giải, thăng bằng toan kiềm
  • Dinh dưỡng đường tĩnh mạch
  • Kiểm soát đường máu, phòng chống nhiễm khuẩn
  • Dự phòng tắc mạch
  • Liệu pháp corticoid nếu cần thiết

Đối với thở máy: Tùy từng nguyên nhân, tình trạng bệnh mà đưa ra phương thức thở máy phù hợp. Các mục tiêu cần đạt:

  • Đảm bảo khí máu động mạch có PaO2: 55-80mmHg hoặc
  • Số đo SpO2 đầu ngón tay là 88-95%,
  • pH máu động mạch: 7,25 - 7,45.

Các phương thức thở máy bao gồm:

  • Phương thức thở là PCV: Cài đặt tần số thở 14 - 35 lần/phút sao cho đảm bảo được thông khí phút (6-8 lít/phút). Trong trường hợp các điều chỉnh thở máy mà vẫn không đảm bảo được mục tiêu oxy hóa đặt ra nên tiến hành tim phổi nhân tạo
  • Thông khí nhân tạo với áp lực dương. Phương pháp này tránh được các áp lực cao trong lồng ngực với tần số cao và thông khí phút thấp, bằng cách sử dụng một máy hô hấp nhân tạo đặc biệt tạo nên một tần số thở từ 60 - 100 lần/phút và một thể tích lưu thông nhỏ.
  • Tuần hoàn ngoài cơ thể bằng máy oxy hoá qua màng (ECMO). Dùng bypass tĩnh- động mạch để giảm bớt tuần hoàn phổi và Shunt phải - trái, còn mang oxy hoá máu thì sửa chữa giảm oxy máu động mạch và tăng CO2 máu. Phương pháp này có thể giải quyết trước mắt được tình trạng rất nặng.
  • Thông khí nhân tạo với áp lực dương cả hai thì và tần số thấp kết hợp với máy dùng màng lọc CO2 ra khỏi cơ thể đã được áp dụng thành công ở 1 số bệnh nhân nặng, duy trì được tình trạng PCO2 bình thường.

Tình trạng suy hô hấp cấp giảm oxy (AHRF) là tình trạng nguy kịch cần được các bác sĩ hồi sức cấp cứu xử lý kịp thời nếu không sẽ dẫn đến tình trạng suy hô hấp rồi tử vong.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan