Tìm hiểu về siêu âm tim stress

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Siêu âm tim stress là phương pháp chẩn đoán bệnh trong trường hợp người bệnh không có khả năng gắng sức thể lực hoặc điện tâm đồ khi nghỉ bất thường, giúp đánh giá được EF cũng như rối loạn vận động vùng mới ở bệnh nhân tiền sử nhồi máu cơ tim. Phương pháp siêu âm tim stress có thể phối hợp với siêu âm tim cản âm đánh giá tình trạng tưới máu cơ tim và siêu âm Doppler mô.

1. Siêu âm tim stress là gì?

Siêu âm tim stress hay còn gọi là siêu âm tim gắng sức, là một thăm dò không chảy máu, phương pháp này dùng để khảo sát vận động thành thất trong các thời kỳ nghỉ và khi gây stress đối với cơ tim, mục đích là để đánh giá chức năng tưới máu của động mạch vành hoặc sức co của cơ thất trái.

Hiện có 3 cách tiến hành siêu âm tim stress như sau:

  • Siêu âm bằng gắng sức thể lực: Nếu sử dụng phương pháp này sẽ không phải dùng thuốc nên không bị tác dụng phụ, vì thế khá an toàn. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này, việc đánh giá khó khăn hơn vì thường không theo dõi siêu âm tim được liên tục, bởi chỉ thực hiện được ở giai đoạn đầu của gắng sức và giai đoạn hồi phục.
  • Siêu âm gắng sức bằng thuốc: Thông thường, thuốc thường được chỉ định trong siêu âm gắng sức bằng thuốc là Dobutamin, Dipyridamole, Adenosine... Đây là phương pháp thường được sử dụng nhất vì thuận tiện cho việc siêu âm và bác sĩ có thể chủ động trong quá trình kiểm tra.
  • Kích thích nhĩ qua thực quản, hoặc tạo nhịp: Phương pháp này hiện ít dùng trong lâm sàng.
Siêu âm tim gắng sức tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Siêu âm tim gắng sức tại bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec

2. Chỉ định và chống chỉ định trong siêu âm tim stress

Chỉ định siêu âm tim stress trong trường hợp:

  • Bao gồm các chỉ định chung cho siêu âm tim stress như siêu âm tim gắng sức bằng thể lực, siêu âm Dobutamine. Nhưng siêu âm Dobutamine được chỉ định khi người bệnh không có khả năng dùng thể lực.
  • Người bệnh bị đau thắt ngực dùng phương pháp siêu âm tim stress chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ
  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ, thiếu máu cơ tim thầm lặng
  • Sau nhồi máu cơ tim > 7 ngày nhằm xác định được tình trạng cơ tim như sẹo nhồi máu, thiếu máu cơ tim, nguy cơ tái phát bệnh.
  • Theo dõi ở người bệnh sau nong hoặc làm cầu nối động mạch vành
  • Theo dõi hiệu quả điều trị nội khoa và khả năng tái thích nghi, lao động
  • Sử dụng phương pháp siêu âm tim stress để đánh giá chức năng thất trái trong bệnh cơ tim
  • Đánh giá mức độ của bệnh và chức năng cơ tim trong bệnh van tim

Chống chỉ định siêu âm tim stress trong trường hợp:

  • Nhồi máu cơ tim < 7 ngày
  • Đau thắt ngực trong 24 giờ qua và thuộc thể không ổn định
  • Hẹp thân chính của động mạch vành trái, viêm màng tim cấp, viêm cơ tim
  • Loạn nhịp nhanh gồm nhĩ và thất, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn
  • Ngoại tâm thu thất nhiều ổ hoặc chùm, Block nhĩ thất cấp độ II và cấp độ III, nhịp tim chậm < 45/phút khi nghỉ ngơi.
  • Suy tim theo chức năng của Hội Tim mạch New York (NYHA) 4
  • Hẹp chủ khi có tiền sử ngất xỉu
  • Tăng huyết áp nặng khi nghỉ: huyết áp tâm thu > 200 và huyết áp tăng trương > 110 mmn
  • Người bệnh mang máy tạo nhịp, có bệnh thực thể nặng (như nhiễm khuẩn, thiếu máu...) và ngộ độc thuốc.

Ưu điểm của phương pháp này là giúp chẩn đoán bệnh khi người bệnh không có khả năng gắng sức bằng thể lực và người bệnh có điện tâm đồ khi nghỉ bất thường, đánh giá được EF và rối loạn vận động vùng mới ở bệnh nhân tiền sử nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, siêu âm tim stress có thể phối hợp với siêu âm tim cản âm đánh giá tình trạng tưới máu cơ tim và siêu âm Doppler mô.

Cơ tim
Siêu âm tim stress có thể phối hợp với kỹ thuật siêu âm khác để đánh giá tình trạng tưới máu cơ tim

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là hoàn toàn phụ thuộc kinh nghiệm của người làm cũng như giá trị chẩn đoán phụ thuộc chất lượng hình ảnh số hoá; hạn chế nếu bệnh nhân có rối loạn vận động vùng rộng ở siêu âm tim khi nghỉ và người bệnh nhiều thân động mạch vành; các thuốc giãn mạch chống chỉ định và bị ị ảnh hưởng bởi thuốc bệnh nhân đang điều trị.

3. Các bước tiến hành siêu âm tim stress

Bước 1: Chuẩn bị máy siêu âm có chương trình vi tính chuyên dụng cho siêu âm tim stress và ghi hình trên đĩa quang từ - MOD; máy ghi điện tâm đồ 6 chuyển đạo và các thiết bị cấp cứu tim - phổi, oxy

Bước 2: Chuẩn bị các thuốc: Dobutamine, Atropine, dịch đẳng trương, Nitroglycerine spray, thuốc chẹn beta tiêm tĩnh mạch, thuốc chẹn calci tiêm tĩnh mạch (Diltiazem, verapamil)

Bước 3: Yêu cầu người bệnh ngừng thuốc chẹn beta trong 24h trước khi làm thủ thuật nếu lâm sàng cho phép và đảm bảo. Đối với người bệnh đái tháo đường thì không dùng insulin bình thường mà chỉ dùng insulin chậm và giảm 1/2 liều. Đồng thời, không ăn trong 2 giờ trước khi siêu âm tim stress.

Bước 4: Đo huyết áp cho người bệnh, ghi điện tâm đồ 12 chuyển đạo và xác định liều Dobutamine, tần số tim cần đạt.

Bước 5: Làm siêu âm khi nghỉ theo quy trình 4 thiết đồ cơ bản. Đặt đường truyền tĩnh mạch qua kim luồn và bắt đầu truyền Dobutamine với liều 10 mg/kg/phút nếu siêu âm khi nghỉ là bình thường, 5 mg/kg/phút nếu siêu âm khi nghỉ bất thường. Trong 3 phút lại tăng liều truyền lên 1 mức.

Bước 6: Đầu phút thứ 3 ở mỗi mức liều, bác sĩ siêu âm sẽ cần phải ghi hình ảnh siêu âm theo quy trình 4 thiết đồ, đo huyết áp và điện tâm đồ 12 chuyển đạo.

Bước 7: Tiêm tĩnh mạch 0,25 - 0,5 mg Atropine trong trường hợp không có chống chỉ định khi tần số tim còn cách tần số đích > 20 ck/ phút hoặc cho người bệnh dùng 2 tay bóp 2 quả bóng nhỏ để cường giao cảm, tăng nhịp tim. Khi đạt được tần số đích thì ghi Siêu âm, điện tâm đồ, huyết áp và ngừng truyền Dopamine.

Điện tim đồ gắng sức
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ trước khi tiến hành siêu âm tim stress cho người bệnh

Bước 8: Ở giai đoạn bình phục, đo huyết áp, ghi điện tâm đồ 12 chuyển đạo 2 phút/lần. Sau đó, cần phải ghi hình ảnh siêu âm theo quy trình 3 phút/lần cho đến khi nhịp tim của người bệnh gần trở về mức khi nghỉ và khi những thay đổi trên điện tâm đồ và siêu âm chưa trở lại như khi nghỉ.

Bước 9: Bác sĩ sẽ đánh giá các hình ảnh siêu âm và kết luận về những rối loạn vận động thành tim.

Trong quá trình siêu âm tim gắng sức, khi thấy người bệnh đau thắt ngực rõ, không thể tiếp tục do khó thở, mệt hoặc có cảm giác sẽ ngất, có dấu hiệu co thắt mạch, tụt huyết áp, đau ngực, thay đổi điện tâm đồ hoặc hạ huyết áp, xuất hiện rung nhĩ hoặc cơn nhịp nhanh trên thất, block dẫn truyền, nhồi máu cơ tim,... thì ngưng thủ thuật.

Tóm lại, siêu âm tim là cách giúp phát hiện và chẩn đoán một số bệnh lý ở tim nhanh chóng, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

320 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan