Thông tin cơ bản về nhiễm trùng vú

Nhiễm trùng vú là tình trạng viêm nhiễm tại các mô tế bào tuyến vú, thường xảy ra cấp tính và do vi khuẩn gây ra. Nhiễm trùng vú nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề hơn, bao gồm áp xe vú với biểu hiện vú chảy mủ.

1. Cấu trúc của tuyến vú

Tuyến vú được tạo thành từ các mô tuyến và ống tuyến kéo dài đến tận đầu núm vú. Các ống tuyến có vai trò dẫn sữa được tiết từ các mô tuyến đến mô dưới da tại núm vú và quầng vú. Những ống tuyến này hoạt động mạnh và chứa nhiều sữa trong giai đoạn cho con bú. Khi một bé gái bước vào giai đoạn dậy thì, sự thay đổi nồng độ các hóc môn sinh dục trong cơ thể kích thích các ống tuyến tăng sinh và lắng đọng nhiều mô mỡ bên trong khiến tuyến vú tăng kích thước một cách rõ ràng. Các mô tuyến tiết sữa nối tiếp với bề mặt của tuyến vú bằng các ống dẫn sữa và có thể lan rộng đến vùng nách.

2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng vú

Nhiễm trùng vú là tình trạng viêm và tạo mủ của các mô tế bào tại tuyến vú, thường xảy ra trong giai đoạn cho con bú, có thể dẫn đến áp xe vú. Tác nhân gây nhiễm trùng vú phổ biến nhất là vi khuẩn, thường có nguồn gốc từ khoang miệng của trẻ, xâm nhập vào các ống tuyến vú thông qua các tổn thương tại núm vú.

Nhiễm trùng vú rất hay xảy ra vào khoảng 1 đến 3 tháng sau sinh nhưng bệnh cũng có thể xuất hiện ở những phụ nữ không có tiền sử sinh nở gần đây và cả những phụ nữ đã mãn kinh. Những nguyên nhân khác của nhiễm trùng vú bao gồm viêm tuyến vú mạn tính và ung thư biểu mô tuyến vú dạng viêm.

Ở những người phụ nữ khỏe mạnh, viêm tuyến vú hiếm khi xảy ra. Ngược lại, những người mắc bệnh đái tháo đường, AIDS hoặc những bệnh lý nội khoa mãn tính khác gây suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc nhiễm trùng vú cao hơn.

Nhiễm trùng vú xuất hiện trong khoảng 1% đến 3% những phụ nữ cho con bú. Sự cương tụ máu tại chỗ và việc làm trống buồng vú không hoàn toàn có thể là những yếu tố nguy cơ làm nặng hơn triệu chứng của bệnh.

Viêm tuyến vú mạn tính xảy ra ở những phụ nữ không cho con bú. Ở những người sau mãn kinh, nhiễm trùng vú có mối liên quan với tình trạng viêm các ống tuyến mãn tính bên dưới núm vú. Sự thay đổi hóc môn trong cơ thể có thể làm tắc nghẽn lòng ống dẫn sữa bởi các mô tế bào hoại từ. Hiện tượng này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ống tuyến vú. Tình trạng nhiễm trùng có xu hướng tái phát nhiều lần sau điều trị đơn thuần với thuốc.

3. Dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng vú

Đau nhức vú
Đau và phù nề tuyến vú là dấu hiệu điển hình để nhận biết nhiễm trùng vú

Nhiễm trùng vú có thể gây đau, sưng đỏ vú kèm theo các triệu chứng sau:

  • Đau và phù nề tuyến vú
  • Sốt và rét run
  • Tổng trạng mệt mỏi, nhức mỏi toàn thân
  • Sung huyết tuyến vú
  • Xuất hiện các khối áp xe: Áp xe vú có thể là một trong những biến chứng của viêm vú. Áp xe vú là các khối lành tính, mật độ mềm, ấn đau nhiều và di động dưới bề mặt da. Bờ của khối áp xe có giới hạn rõ và đều.

Nhiễm trùng tuyến vú nặng nề thường biểu hiện bằng các dấu hiệu chỉ điểm sau:

  • Khối sưng nề ở tuyến vú không thu nhỏ kích thước sau giai đoạn cho con bú. Tuy nhiên, nếu khối áp xe nằm sau dưới mô tuyến vú, người bệnh có thể không nhận ra.
  • Vú chảy mủ từ đầu núm vú.
  • Triệu chứng sốt xuất hiện kéo dài và không cải thiện sau 48 đến 72 giờ điều trị.

Người bệnh nên tìm đến ngay các cơ sở y tế nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ dù có đang cho con bú hay không. Trong trường hợp đau vú xuất hiện đi kèm với các dấu hiệu của một tình trạng nhiễm trùng như sốt, sưng nề và đỏ da vùng tuyến vú, người bệnh nên được đưa đến phòng cấp cứu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một số triệu chứng là dấu hiệu yêu cầu một phương pháp điều trị khẩn cấp bao gồm:

  • Sốt cao liên tục trên 39 độ C
  • Nôn hoặc buồn nôn khiến người bệnh không uống được thuốc.
  • Vú chảy mủ
  • Vùng da sưng nề và đỏ lan đến tay và ngực
  • Chóng mặt, mệt mỏi hoặc lú lẫn.

4. Chẩn đoán nhiễm trùng vú

Siêu âm vú
Siêu âm là phương tiện giúp ích trong việc phân biệt viêm tuyến vú đơn thuần và áp xe vú hoặc phát hiện các khối áp xe nằm sâu bên dưới mô tuyến vú

Chẩn đoán viêm vú và áp xe vú có thể được thiết lập dựa trên việc thăm khám lâm sàng. Nếu thăm khám không phát hiện được một khối áp xe điển hình chứa đầy dịch mủ, bác sĩ có thể chỉ định thêm siêu âm tuyến vú. Siêu âm là phương tiện giúp ích trong việc phân biệt viêm tuyến vú đơn thuần và áp xe vú hoặc phát hiện các khối áp xe nằm sâu bên dưới mô tuyến vú. Đây là một test không xâm lấn cho phép quan sát trực tiếp các tổn thương tại tuyến vú, rẻ tiền và có thể thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi bệnh nhân được chẩn đoán áp xe vú, chiến lược điều trị sẽ bao gồm việc chọc hút hoặc phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe, kết hợp với việc sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch.

Cấy sữa mẹ hoặc các dịch viêm dẫn lưu được từ ổ áp xe có thể được thực hiện để xác định tác nhân gây bệnh, từ đó quyết định được loại kháng sinh đặc hiệu cần sử dụng cho từng người bệnh.

Viêm vú xảy ra ở những phụ nữ không cho con bú hoặc những trường hợp viêm vú đáp ứng kém với việc điều trị nên cần khảo sát chi tiết hơn bằng chụp nhũ ảnh hoặc sinh thiết mô tuyến vú. Ung thư biểu mô tuyến vú thể viêm, một loại ung thư vú hiếm gặp có thể gây ra các biểu hiện tương tự bệnh nhiễm trùng vú.

5. Các phương pháp điều trị nhiễm trùng vú

5.1 Xử trí nhiễm trùng vú tại nhà

Bên cạnh việc thăm khám và tuân thủ điều trị của bác sĩ, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp sau để thúc đẩy quá trình hồi phục của các mô vú viêm, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: acetaminophen hoặc ibuprofen là các thuốc giảm đau thông thường, không cần kê đơn có thể được sử dụng tại nhà. Những thuốc này được chứng minh an toàn cho trẻ trong giai đoạn cho bú. Nếu đau vú không cải thiện với các thuốc này, bác sĩ điều trị sẽ kê đơn cho các thuốc giảm đau đặc hiệu hơn.
  • Ở những trường hợp viêm vú nhẹ, kháng sinh có thể không cần được sử dụng. Tuy nhiên, nếu bác sĩ chỉ định kháng sinh, người bệnh cần hoàn thành đủ liệu trình điều trị dù những ngày sau triệu chứng đã thuyên giảm.
  • Cho bú thường xuyên: Không ngưng cho bú khi nhiễm trùng vú xảy ra, thậm chí cho con bú khiến người bệnh thấy đau nhiều hơn hoặc đang sử dụng kháng sinh. Việc làm trống tuyến vú ngăn ngừa tắc nghẽn ống tuyến và giúp quá trình viêm nhiễm được cải thiện tốt hơn. Nếu cần, sử dụng máy hút sữa để làm giảm áp lực và hỗ trợ cho quá trình làm hai tuyến vú. Việc cho con bú nên được trì hoãn nếu xuất hiện áp xe vú.
  • Chườm ấm vú trước và sau khi cho bú có tác dụng giúp giảm đau. Nếu chườm nóng không hiệu quả có thể thay thế bằng việc sử dụng túi đá lan sau khi cho bú. Không chườm lạnh trước khi bú vì nó khiến các ống dẫn sữa co nhỏ, giảm tiết sữa.
  • Uống nhiều nước, ít nhất 10 ly nước mỗi ngày. Duy trì chế độ ăn cân đối, bổ sung thêm 500 calo mỗi ngày trong suốt thời kỳ cho con bú. Thiếu nước và chế độ ăn nghèo nàn làm giảm nguồn sữa, khiến cơ thể người mẹ trở nên mệt mỏi hơn.

5.2 Thuốc điều trị nhiễm trùng vú

Thuốc kháng sinh điều trị viêm amidan
Đối với những trường hợp viêm vú đơn thuần không kèm các khối áp xe, kháng sinh đường uống là thuốc đầu tay được sử dụng

Đối với những trường hợp viêm vú đơn thuần không kèm các khối áp xe, kháng sinh đường uống là thuốc đầu tay được sử dụng. Cephalexin và dicloxacillin là hai kháng sinh phổ biến trên lâm sàng, nhưng liều lượng và cách dùng cụ thể cần được chỉ định bởi các bác sĩ điều trị. Những kháng sinh này không có chống chỉ định trong thời kỳ cho con bú và an toàn cho trẻ.

Viêm vú mãn tính ở những phụ nữ không cho con bú là trường hợp phức tạp hơn. Bệnh thường tái phát lặp lại nhiều lần. Thông thường, nhiễm trùng vú trong bối cảnh này đáp ứng kém với việc sử dụng kháng sinh vì vậy người bệnh cần được theo dõi sát bởi các bác sĩ điều trị.

Nếu tình trạng nhiễm trùng diễn biến nặng nề hơn hoặc không đáp ứng với kháng sinh đường uống, người bệnh cần được chỉ định sử dụng thuốc bằng đường tĩnh mạch.

5.3 Phẫu thuật loại bỏ khối áp xe vú

Những bệnh nhân nhiễm trùng vú có biến chứng áp xe vú cần được điều trị can thiệp phối hợp với thuốc kháng sinh. Dẫn lưu khối áp xe bằng gây tê tại chỗ đối với những khối u sát bề mặt da tuyến vú là thủ thuật phổ biến nhất. Dịch trong ổ áp xe được hút và dẫn lưu bằng kim nhỏ.

Ngược lại nếu khối áp xe nằm sâu trong mô vú, phẫu thuật dẫn lưu tại phòng mổ là lựa chọn được ưu tiên hơn. Thủ thuật này thường được thực hiện khi bệnh nhân được gây mê để giảm đau.

Nhiễm trùng vú không biến chứng thành bệnh lý ác tính nhưng ung thư vú có thể có những biểu hiện tương tự như nhiễm trùng vú trên lâm sàng. Nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng vú một cách dai dẳng, bác sĩ điều trị có thể khuyến cáo thêm các phương tiện chẩn đoán khác để loại trừ ung thư.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan