Thông khí, sạch đờm ở người bệnh mắc phổi tắc nghẽn mãn tính COPD

Các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD thường gặp tình trạng tắc nghẽn các đường dẫn khí và ứ đọng nhiều đờm nhớt trong phổi gây cản trở hô hấp. Thông khí, làm sạch đờm cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ giúp kiểm soát được các triệu chứng này.

1. Sơ lược về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease - COPD) là căn bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính niêm mạc phế quản, dẫn tới tắc nghẽn đường thở từ từ, không hồi phục được. Quá trình này liên quan tới tình trạng viêm của phổi do các chất khói, khí hoặc các hạt độc hại,...

Ban đầu, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chỉ tổn thương ở các nhánh phế quản nhỏ và nhu mô phổi. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn nặng, bệnh không chỉ gây tổn thương ở phổi mà còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trên cơ thể như tim, xương, cơ, tâm thần, gây rối loạn chuyển hóa,...

Triệu chứng của bệnh ở giai đoạn sớm là ho, khạc đờm kéo dài. Về sau, người bệnh có biểu hiện khó thở. Ban đầu chỉ khó thở khi gắng sức. Sau này, khó thở xuất hiện thường xuyên. Tới giai đoạn cuối của bệnh, bệnh nhân bị khó thở kể cả khi nghỉ ngơi tại giường.

Có 2 loại yếu tố nguy cơ gây bệnh COPD là: Yếu tố nội tại (thiếu hụt về gen như thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin) và yếu tố môi trường (khói thuốc, khí thải, khí độc công nghiệp, ô nhiễm môi trường,...). Đặc biệt, vì chưa có bất cứ phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn COPD nên việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh bằng cách loại trừ nguyên nhân gây bệnh (bỏ thuốc lá, cải thiện môi trường sống, sử dụng thuốc điều trị triệu chứng, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý đi kèm ở đường hô hấp,...) sẽ giúp kiểm soát bệnh hữu hiệu.

Khói thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính
Khói thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính

2. Các phương pháp thông khí, sạch đờm cho bệnh nhân COPD

2.1 Các phương pháp thông khí

Ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tình trạng tắc nghẽn các đường dẫn khí do viêm nhiễm mạn tính và ứ khí trong lồng ngực (do các phế nang bị hư hỏng, giảm khả năng co giãn) thường xảy ra. Hậu quả là không khí bị nhốt lại trong phổi, kém lưu thông, dẫn tới thiếu oxy cho nhu cầu của cơ thể.

Các phương pháp thông khí chính là các kỹ thuật khắc phục tình trạng ứ khí trong phổi, tăng cường cử động hô hấp của lồng ngực. 2 kỹ thuật thông khí cơ bản thường được áp dụng là:

Thở cơ hoành

Ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, do ứ khí trong phổi nên lồng ngực bị căng phồng, làm hạn chế hoạt động của cơ hoành. Trong khi đó, cơ hoành là cơ hô hấp chính. Nếu cơ hoành hoạt động kém thì sẽ làm giảm thông khí ở phổi, buộc các cơ hô hấp phụ phải tăng cường hoạt động.

Việc tập thở cơ hoành là rất cần thiết để tăng cường hiệu quả của động tác hô hấp, đồng thời tiết kiệm năng lượng cho bệnh nhân. Kỹ thuật được thực hiện như sau:

  • Bệnh nhân ngồi ở tư thế thoải mái, thả lỏng vai và cổ;
  • Đặt 1 bàn tay lên bụng, đặt bàn tay còn lại lên ngực;
  • Hít vào thật chậm qua mũi sao cho bàn tay đặt trên bụng có cảm giác bụng phình lên nhưng giữ lồng ngực không di chuyển;
  • Hóp bụng lại, thở ra chậm qua miệng với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào, bàn tay đặt trên bụng có cảm giác bụng lõm xuống.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên tập thở cơ hoành nhiều lần trong ngày cho tới khi trở thành thói quen. Khi đã nhuần nhuyễn kỹ thuật thở cơ hoành ở tư thế ngồi hoặc nằm, bệnh nhân nên tập thở cơ hoành ở các tư thế khác như khi đứng, đi bộ, làm việc,...

Thở chúm môi

Đây là phương pháp giúp cho đường thở không bị xẹp lại khi thở ra, cho phép khí thoát ra ngoài dễ dàng hơn, bệnh nhân có thể hít thở được không khí trong lành. Với phương pháp này, bệnh nhân có thể giảm bớt tình trạng ứ khí trong lồng ngực, giảm khó thở và rất dễ tập luyện.

Quy trình thực hiện kỹ thuật như sau:

  • Tư thế bệnh nhân ngồi thoải mái, thả lỏng vùng cổ và vai, hít vào chậm qua mũi;
  • Môi chúm lại như đang huýt sáo, thở ra bằng miệng thật chậm sao cho thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.

Khi bị khó thở như khi đi cầu thang, tập thể dục, tắm rửa,... người bệnh nên lặp đi lặp lại động tác thở chúm môi nhiều lần cho tới khi hết khó thở. Tập luyện nhiều lần cho nhuần nhuyễn, trở thành thói quen sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát được triệu chứng bệnh một cách tốt hơn.

Các bài tập thở giúp thông khí trong phổi
Các bài tập thở giúp thông khí trong phổi

2.2 Các phương pháp thông đờm, làm sạch đờm

Đờm nhớt bám trên thành phế quản có những tác động xấu tới hệ hô hấp vì nó làm cản trở luồng khí ra vào phổi. Đồng thời, đờm nhớt ứ đọng trong phổi cũng dễ gây nhiễm khuẩn, dẫn tới nhiễm trùng đường hô hấp. Các kỹ thuật thông đờm được áp dụng khi bệnh nhân có nhiều đờm nhớt trong phổi, làm cản trở hô hấp hoặc bệnh nhân gặp khó khăn khi khạc đờm.

  • Có 2 kỹ thuật thông đờm cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là:

Kỹ thuật ho có kiểm soát

Khi phế quản bám đầy đờm nhớt, bệnh nhân thường ho theo phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống đờm ra ngoài. Tuy nhiên, cơn ho do phản xạ thường khiến bệnh nhân bị mệt mỏi, khó thở nhưng lại không đẩy được đờm nhớt ra ngoài. Vì vậy, bệnh nhân nên áp dụng kỹ thuật ho có kiểm soát để tống đờm ra ngoài, làm sạch đường thở mà không gây mệt mỏi, khó chịu.

Quy trình hướng dẫn ho có kiểm soát như sau:

  • Bệnh nhân ngồi trên ghế thoải mái, hít vào chậm và sâu;
  • Nín thở trong vài giây;
  • Ho mạnh 2 lần. Lần đầu giúp long đờm và lần 2 giúp đẩy đờm ra ngoài. Khạc đờm vào lọ (để mang đi xét nghiệm) hoặc khăn giấy (bỏ vào thùng rác);
  • Hít vào chậm, nhẹ nhàng, thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác ho nếu cảm giác vẫn còn đờm;
  • Tùy lực ho mà có thể phải lặp lại nhiều lần các bước trên để đẩy đờm ra ngoài.

Mục đích của ho có kiểm soát không phải để giảm ho mà là lợi dụng động tác ho có hiệu quả để làm sạch đờm, làm sạch các phế quản. Mỗi khi có cảm giác muốn ho, bệnh nhân không nên nín ho mà nên thực hiện theo kỹ thuật này.

Kỹ thuật thở ra mạnh

Một số bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính có lực ho yếu sẽ bị mệt ngay cả khi áp dụng kỹ thuật ho có kiểm soát. Với các trường hợp này, người bệnh có thể thực hiện kỹ thuật thở ra mạnh (thay cho ho có kiểm soát nếu không đủ lực ho). Kỹ thuật này gồm có 4 bước như sau:

  • Hít vào chậm và sâu;
  • Nín thở trong vài giây;
  • Thở ra mạnh, kéo dài sao cho âm thanh nghe được như tiếng “khà”;
  • Hít vào nhẹ nhàng và hít thở đều vài lần trước khi lặp lại các động tác trên.

Bên cạnh 2 kỹ thuật ho có kiểm soát và thở ra mạnh, bệnh nhân cũng nên thực hiện thêm biện pháp hỗ trợ cho việc thông đờm là: Uống đủ nước mỗi ngày (tối thiểu 1.5L nước) để làm loãng đờm, giúp khạc đờm dễ hơn. Ngoài ra, khi dùng thuốc ho, người bệnh cần phải có chỉ định của bác sĩ: Chỉ nên dùng thuốc ho long đờm, không dùng thuốc có tác dụng ức chế phản xạ ho.

Uống nhiều nước mỗi ngày giúp làm loãng đờm
Uống nhiều nước mỗi ngày giúp làm loãng đờm

Thông khí, làm sạch đờm ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD là phương pháp hỗ trợ hô hấp cần thiết giúp bệnh nhân thở dễ hơn, giảm khó thở, giảm ứ khí trong lồng ngực và có thể tống đờm ra ngoài hiệu quả. Khi thực hiện các kỹ thuật trên, bệnh nhân nên làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để thu được hiệu quả tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Frazine
    Công dụng thuốc Frazine

    Thuốc Frazine được dùng bằng đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, nhằm điều trị cho các trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp, da và đường tiểu,...Đồng thời giúp dự phòng nhiễm khuẩn hậu phẫu. Để dùng thuốc ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp cho người tổn thương gan do sử dụng bia rượu

    Kanzou Ukon mang lại nhiều công dụng nhờ sự kết hợp của 4 thành phần độc đáo như Mầm súp lơ, nghệ vàng,...

    Đọc thêm
  • Cessnari
    Công dụng thuốc Cessnari

    Thuốc Cessnari được sử dụng chủ yếu theo đường tiêm truyền tĩnh mạch nhằm điều trị cho các trường hợp nhiễm trùng do chủng vi khuẩn nhạy cảm. Để thuốc Cessnari phát huy được toàn bộ tác dụng điều trị, ...

    Đọc thêm
  • gentastad 80mg
    Công dụng thuốc Gentastad 80mg

    Gentastad là thuốc gì, có phải thuốc kháng sinh không? Thực tế, Gentastad 80mg là thuốc kháng sinh thuộc nhóm Aminoglycosid, chứa thành phần chính Gentamicin, được dùng trong điều trị một số tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.

    Đọc thêm
  • unicefphaloz
    Công dụng thuốc Unicefphaloz

    Thuốc Unicefphaloz thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm, có tác dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng hô hấp, tai-mũi-họng, thận-tiết niệu sinh dục, nhiễm trùng máu. Thuốc Unicefphaloz là loại thuốc ...

    Đọc thêm
  • hobacflox
    Công dụng thuốc Hobacflox

    Thuốc Hobacflox chứa thành phần chính là Ofloxacin cùng với các loại tá dược. Thuốc không phù hợp để sử dụng cho trẻ dưới 18 tuổi hoặc đang mắc một số loại bệnh khác. Thuốc thường được sử dụng để ...

    Đọc thêm