Tập luyện tại nhà đối với người bệnh rối loạn ngôn ngữ do tai biến mạch máu não

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch máu não là một di chứng làm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người bệnh. Sau khi bị tai biến mạch máu não, có nhiều kiểu rối loạn ngôn ngữ tùy thuộc vào mức độ tổn thương các vùng não bộ khác nhau. Tuy nhiên, khả năng ngôn ngữ của người bệnh có thể hồi phục nếu kiên trì và luyện tập đúng cách dựa trên sự nỗ lực của bản thân cùng với với sự hỗ trợ của thầy thuốc và gia đình.

1. Các thể rối loạn ngôn ngữ do di chứng sau tai biến mạch máu não

Rối loạn ngôn ngữ là một di chứng rất thường gặp, chiếm đến 40% các trường hợp người bệnh tai biến mạch máu não. Rối loạn ngôn ngữ do tổn thương não làm giọng nói người bệnh bị méo tiếng, khi phát âm như bị mất nguyên âm cuối từ, nói lắp, nói bập bẹ. Người bệnh bị chuyển giọng, nhịp điệu tiếng nói và âm điệu ngôn ngữ bị thay đổi.

Dựa vào vị trí não bị tổn thương, có thể chia rối loạn ngôn ngữ sau tai biến mạch não thành các trường hợp sau:

  • Tổn thương vùng sinh ra ngôn ngữ (tổn thương vùng Broca): Đây là trường hợp thường gặp nhất; người bệnh hiểu được những gì mình muốn nói và những điều người khác nói với mình nhưng lại không nói ra được, hoặc chỉ nói được một vài từ, nói kiểu nhát gừng. Nếu bị tổn thương ở mức độ nhẹ, người bệnh nói được nhưng khả năng nói kém, khó khăn trong việc lặp lại câu nói của người khác hoặc của chính mình.
  • Tổn thương vùng hiểu ngôn ngữ (tổn thương vùng Wernicke): Người bệnh có thể nói được, nói một cách lưu loát nhưng không hiểu hoặc chỉ hiểu một phần rất ít những gì người khác nói với mình, các câu nói của người bệnh thường vô nghĩa và khả năng lặp lại câu nói của người khác kém.
  • Tổn thương đường dẫn truyền kết nối giữa vùng sinh ngôn ngữ (vùng Broca) và vùng hiểu ngôn ngữ (vùng Wernicke) liên quan tới chức năng lời nói: Người bệnh có khả năng nói và hiểu tốt nhưng lặp lại câu nói người khác hoặc của chính mình kém. Những người bệnh thất ngôn dẫn truyền vẫn nhận biết được thiếu sót của mình và cố gắng tự sửa.
  • Tổn thương toàn thể tất cả các vùng chức năng ngôn ngữ: Người bệnh không nói được hoặc nói rất kém, không lưu loát, khả năng hiểu và lặp lại kém.

2. Hậu quả của rối loạn ngôn ngữ do tai biến mạch máu não

Hậu quả rối loạn ngôn ngữ của tai biến mạch máu não khiến người bệnh khó khăn trong việc giao tiếp với người khác, từ đó dẫn đến khó khăn trong các sinh hoạt hàng ngày cần có sự trợ giúp. Điều này sẽ khiến cho người bệnh sống khép kín, tự ti, trầm cảm, sức khỏe bị suy giảm.

Kiên trì tập luyện giúp người bệnh hồi phục khả năng ngôn ngữ, các vùng não khác sẽ phát huy khả năng tối đa để bù trừ cho vùng não điều khiển ngôn ngữ bị tổn thương. Tất cả các thể thương tổn sau quá trình tập luyện đều được cải thiện trong đó thể tổn thương vùng sinh ngôn ngữ (vùng Broca) được phục hồi tốt nhất.

Sự hình thành bệnh trầm cảm
Rối loạn ngôn ngữ có thể khiến bệnh nhân trở nên khép kín, tự ti do khó khăn trong giao tiếp với người khác

3. Bài tập tại nhà cho người bệnh rối loạn ngôn ngữ do tai biến mạch máu não

3.1 Mục tiêu

  • Giúp người bệnh sửa chữa các khiếm khuyết, rối loạn về ngôn ngữ và lời nói để có ngôn ngữ và lời nói càng gần như người bình thường càng tốt.
  • Phát huy mọi khả năng, mọi hình thức giao tiếp cả bằng lời nói và ngôn ngữ không lời, cả việc sử dụng các dụng cụ trợ giúp thay thế như máy trợ âm hoặc các ký hiệu giao tiếp để người bệnh có thể giao tiếp được tốt nhất.

3.2 Phương pháp tập luyện tại nhà

3.2.1 Trường hợp nếu người bệnh hiểu tốt, nhưng chưa nói được nhiều từ

  • Người thân sẽ sử dụng tranh ảnh, hình vẽ hoặc các đồ vật hàng ngày để hướng dẫn, giới thiệu tên từng vật rồi yêu cầu người bệnh nhắc lại.
  • Sau đó cất các đồ vật đi, rồi đưa từng vật ra để hỏi và yêu cầu người bệnh nhắc lại.
  • Người thân giúp mô tả một vật để người bệnh tìm tên phù hợp. (Ví dụ: Cái gì dùng để chải đầu– người bệnh có thể tìm được từ là “cái lược”; Cái gì dùng để uống nước– người bệnh có thể tìm được từ là “cái cốc”....).
  • Nếu người bệnh nói tên đồ vật khó, hướng dẫn người bệnh dùng cử chỉ, dấu hiệu để diễn đạt.
  • Hướng dẫn người bệnh vừa nói vừa dùng dấu hiệu để giao tiếp
  • Ưu tiên tập nói tên một số đồ vật gần gũi xung quanh như cốc, chén, bát, đũa, bàn, ghế, tủ, màu sắc, số đếm, ngày tháng, chữ cái,...

3.2.2 Trường hợp nếu người bệnh nói được các từ đơn

  • Hướng dẫn người bệnh ghép các từ đơn thành một câu ngắn, rồi câu dài hơn.
  • Ưu tiên hướng dẫn người bệnh nói những câu từ đơn giản như: Uống nước, ăn cơm, đi tiểu, đói bụng, đau bụng, đau đầu,... để người bệnh có thể nhờ người thân hỗ trợ các nhu cầu cơ bản trong ngày.
  • Người thân sử dụng tranh ảnh để người bệnh mô tả theo tranh (Ví dụ: Cho người bệnh xem các hình ảnh về các chủ đề thân thuộc như các thành viên trong gia đình rồi yêu cầu người bệnh mô tả hình ảnh bằng cách trả lời các câu hỏi như: Người đó là ai? Bao nhiêu tuổi? Đang làm gì?...).
  • Chơi các trò chơi như tìm từ đối nghĩa: xa- gần, nóng- lạnh, trên- dưới, trò chơi mô tả đồ vật, con người, khuyến khích người bệnh liệt kê càng nhiều càng tốt danh mục các đồ vật như trái cây, động vật hay các loại hoa.
  • Việc tập nói cần diễn ra liên tục và kiên trì hàng ngày. Người thân thường xuyên trò chuyện, tương tác với người bệnh.
  • Khuyến khích người bệnh kể lại các câu truyện ngắn vừa nghe
  • Cho người bệnh tập đọc một số từ, từ ngắn đến dài dần. Khi khả năng đọc được cải thiện có thể cho người bệnh đọc sách, báo.
  • Nếu người bệnh có thể, khuyến khích hát một số bài hát yêu thích, kể cả hát Karaoke
Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư
Khả năng ngôn ngữ của người bệnh có thể hồi phục nếu kiên trì và luyện tập đúng cách dựa trên sự nỗ lực của bản thân cùng với với sự hỗ trợ của thầy thuốc và gia đình

3.2.3 Trường hợp nếu người bệnh hiểu kém

  • Người thân sử dụng dấu hiệu, cử chỉ kết hợp với lời nói để gọi tên các đồ vật, hành động.
  • Đặt hai đến ba đồ vật ra trước mặt, yêu cầu người bệnh chỉ từng đồ vật khi nghe tên vật. Nếu người bệnh chỉ sai, dùng dấu hiệu, cử chỉ để mô tả vật cho đến khi người bệnh chỉ đúng.

Khi người bệnh hiểu nhiều, hướng dẫn người bệnh nói từng từ đơn rồi câu ngắn.

4. Một số điểm chú ý khi tập luyện

  • Khuyến khích người bệnh, các thành viên gia đình sử dụng nhiều cách thức giao tiếp khác nhau, như cử chỉ, vẻ mặt, nói, đọc, viết và vẽ.
  • Người thân khi hướng dẫn cho người bệnh nên lưu ý nói chậm lại, không gián đoạn, sử dụng công cụ trợ giúp giao tiếp, cử chỉ, vẽ nếu cần.
  • Luyện tập càng sớm càng có lợi, nên bắt đầu từ dễ đến khó, tạo môi trường vui vẻ, luôn khuyến khích, cổ vũ, động viên khi luyện tập tránh cho người bệnh có cảm giác như một đứa trẻ.
  • Nên chia việc luyện tập thành nhiều thời điểm trong ngày, tránh luyện tập quá nhiều cùng một lúc để không gây mệt mỏi cho người bệnh.
  • Thường xuyên thay đổi cách tập, địa điểm tập, các thành viên trong gia đình nên thay phiên nhau hỗ trợ người bệnh, khi tập nên động viên người bệnh nói to nhất có thể.
  • Điều quan trọng nhất là giúp người bệnh lạc quan, kiên trì trong luyện tập, không được để người bệnh chán nản, bỏ cuộc. Nếu chán nản, bỏ cuộc thì việc điều trị sẽ thất bại.

Để có cơ hội cải thiện và đẩy lùi di chứng rối loạn ngôn ngữ, cần sự kiên trì và quyết tâm cao của cả bệnh nhân và người chăm sóc. Thông thường, các vấn đề về giao tiếp được cải thiện dần qua nhiều tuần và nhiều tháng nếu người bệnh được tập luyện sớm, kiên trì, đúng cách.

Bộ não con người thường có thể thích nghi và tiếp thu các kỹ năng mới để bù đắp phần nào những gì nó đã mất. Tuy nhiên, một số người bệnh có thể có vấn đề về giao tiếp lâu dài. Vì vậy, người bệnh cùng với sự hỗ trợ của người thân, có thể cần học những cách mới để kết nối với những người thân yêu của mình. Khi mọi người làm việc cùng nhau và thử các kỹ thuật khác nhau, có thể giúp cho người bệnh tiếp tục cải thiện cách giao tiếp và tìm ra ngôn ngữ chung để người bệnh có thể chia sẻ.

Nếu cố gắng, người bệnh hoàn toàn có cơ hội tìm lại được khả năng giao tiếp của mình và tái hòa nhập với cộng đồng.

Di chứng tai biến mạch máu não
Nếu cố gắng, người bệnh tai biến mạch máu não hoàn toàn có cơ hội tìm lại được khả năng giao tiếp của mình và tái hòa nhập với cộng đồng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan