Dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị tăng kali máu

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phương Nam - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tăng kali máu là thuật ngữ y tế mô tả nồng độ kali trong máu của bạn cao hơn bình thường. Kali là một hóa chất rất quan trọng đối với chức năng của các tế bào thần kinh và cơ, bao gồm cả cơ tim. Nồng độ kali trong máu của bạn thường là từ 3,6 đến 5,2 milimol mỗi lít (mmol / L). Nếu nồng độ kali trong máu cao hơn 6.0 mmol / L có thể gây nguy hiểm và thường phải điều trị ngay lập tức.

1. Dấu hiệu tăng kali máu

  • Tăng kali mức độ nhẹ đến vừa thường không có biểu hiện lâm sàng.
  • Các triệu chứng thường biểu hiện khi kali máu cao trên 7.0 mmol/L:
    • Yếu cơ tăng dần và liệt cơ bắt đầu từ chân tiến đến thân và cánh tay. Ngoài ra biểu hiện trước khi yếu cơ thường mơ hồ như cảm giác tê đầu các ngón tay, ngón chân, giảm cảm giác.
    • Tim mạch: Tim đập nhanh, hồi hộp, có thể ngất, ngừng tuần hoàn.
    • Tăng kali có thể gây tiêu cơ vân hoặc xuất huyết tiêu hóa, hoặc nằm trong bệnh cảnh lâm sàng: chấn thương đụng dập phần mềm, bỏng, ly giải khối u, đa hồng cầu, suy thận cấp hoặc suy thận mạn tính...

2. Những nguyên nhân gây tăng kali máu

  • Suy thận cấp hoặc suy thận mạn.
  • Tiểu đường do thiếu Insulin
  • Bệnh lý tim mạch: Đang điều trị các nhóm thuốc tim mạch, thuốc lợi tiểu
  • Mất nước cấp: Tập thể dục quá mức, mất nước do tăng thân nhiệt.
  • Hủy cơ hoặc tán huyết nghiêm trọng
  • Truyền máu khối lượng lớn, thay máu.

3. Các xét nghiệm chẩn đoán tăng kali máu

Ưu tiên thứ nhất:

  • Làm ECG ngay để đánh giá mức độ nguy hiểm của tăng kali máu. Một vài sóng ECG thay đổi cần phải điều trị theo kinh nghiêm ngay lập tức.
  • Xét nghiệm lại kali máu để khẳng định tăng kali máu nếu nó không phù hợp với các dấu hiệu lâm sàng.

Ưu tiên thứ 2:

  • Thực hiện thêm các xét nghiệm kiểm tra tình trạng suy thận bao gồm ure máu, creatinine, điện giải đồ ( natri, bicarbonate, canxi, clo), pH, đường máu, CK. Cũng như cân nhắc làm thêm điện giải niệu, soi nước tiểu để chẩn đoán suy thận.
  • Siêu âm Doppler thận để đánh giá tưới máu thận có bình thường không.

Các ưu tiên tiếp theo:

Theo dõi tình trạng huyết động, theo dõi nồng độ kali máu, theo dõi lượng nước tiểu.

ECG điện tim điện tâm đồ
Người bệnh được chỉ định làm ECG giúp chẩn đoán tăng kali máu

4. Điều trị tăng kali máu

Điều trị bằng thuốc:

  • Trong trường hợp có biến đổi trên ECG và hoặc rối loạn nhịp tim
  • Tiêm Calcium: Chất đối kháng tác dụng của tăng kali do làm ổn định màng tế bào, đề phòng những rối loạn nhịp tim nguy hiểm. Calcium gluconate hoặc Calcium chlorid có thể sử dụng, nhưng Calcium gluconate an toàn hơn. Thời gian tác dụng có hiệu quả của liệu pháp calci thường ngắn và không giải quyết được vấn đề gốc của tăng kali máu.
  • Truyền Glucose và Insulin, khí dung các thuốc ức chế beta 2 adrenergic, truyền natribicarbonat sẽ làm kali tăng vận chuyển vào trong tế bào. Những điều trị này cũng không giải quyết triệt để được vấn đề tăng kali nhưng tạm thời cho đến khi Kali được đào thải ra khỏi cơ thể.
  • Lợi tiểu và lọc máu (trong trường hợp suy thận vô niệu ) sẽ đào thải được kali ra khỏi cơ thể.
  • Sử dụng các nhựa (resonium) trao đổi ion (Natri polystyren sulfonate) Bản chất thuốc là các hạt nhựa gắn natri, khi vào niêm mạc ruột đặc biệt là tại đại tràng, sẽ nhả các ion natri và gắn không hồi phục với kali và thải ra ngoài qua phân dưới dạng kali polystyren sulfonat. Hiệu quả tác dụng của phương pháp này khó dự đoán được.
  • Xác định được nguyên nhân và điều trị nguyên nhân gây tăng kali máu.
  • Dừng bổ sung kali hoặc các thuốc gây tăng kali máu.

Quản lý sau khi tình trạng ổn định:

Theo dõi điều trị:

  • Xét nghiệm lại nồng độ kali mỗi 4-6 giờ cho đến khi ổn định và/hoặc các nguyên nhân và bệnh lý nền được giải quyết.
  • Tăng Kali máu kéo dài mặc dù dùng lợi tiểu có thể gợi ý tới hoại tử mô ở đâu đó.
  • Đối với các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ tăng kali máu, nên kiểm tra định kì kali máu để kịp thời điều chỉnh.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện và phòng khám thuộc hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Website để được phục vụ tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan