Tác nhân gây đau thần kinh liên sườn

Đau dây thần kinh liên sườn là một bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân gây nên như: vận động sai tư thế, chấn thương, nhiễm khuẩn, nhiễm độc,... Đôi khi, đau dây thần kinh liên sườn không rõ nguyên nhân được gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.

1. Đau dây thần kinh liên sườn

Đau dây thần kinh liên sườn là một hội chứng bệnh lý thường gặp hiện nay, do nhiều nguyên nhân gây ra.

Thần kinh liên sườn bao gồm các dây thần kinh xuất phát từ đoạn tủy ngực D1-D12. Rễ thần kinh tủy ngực sau khi qua lỗ ghép chia thành hai nhánh:

  • Nhánh trước: hay còn gọi là nhánh bụng chi phối cho da, cơ phía trước bụng và ngực.
  • Nhanh sau: còn gọi là nhánh lưng chi phối cho da và cơ lưng.

Dây thần kinh liên sườn cùng với mao mạch tạo thành bó, thần kinh gian sườn nằm ở dưới bờ sườn của mỗi xương sườn, sau khi tách khỏi rễ chung. Do đó, khi có tổn thương hay các bệnh lý của tủy sống, xương sườn, cột sống và thành ngực đều ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh liên sườn. Dây thần kinh liên sườn cũng là các dây thần kinh nằm nông nên dễ bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh.

Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn, đau tức ngực, đau mạng sườn. Người bệnh thường chỉ đau một bên, đau từ ngực lan theo mạng sườn ra phía sau ở cạnh cột sống.

Đau thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn như: lao, cúm, thấp khớp, các bệnh phổi, màng phổi, gan, tim,...

đau tức ngực giữa
Đau tức ngực là dấu hiệu của bệnh đau thần kinh liên sườn

2. Nguyên nhân gây đau thần kinh liên sườn

Có nhiều nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn như:

  • Thoái hóa cột sống: Đau ê ẩm, không cấp tính và kèm theo đau âm ỉ cột sống ngực khi vận động và ngay cả lúc nghỉ. Thường gặp ở người cao tuổi, ấn vào điểm cạnh sống hai bên, người bệnh thấy tức nhẹ và dễ chịu.
  • Bệnh lý tủy sống: Đau dây thần kinh liên sườn thường là triệu chứng sớm của u rễ thần kinh và u ngoại tủy. Bệnh nhân có cảm giác đau một bên, khu trú rõ, đau kiểu đánh đai ở một bên sườn
  • Nhiễm khuẩn: Thường gặp ở dây thần kinh liên sườn do zona với biểu hiện qua 2 giai đoạn: giai đoạn cấp thường khởi phát bằng đau rát một mảng sườn. Một hai ngày sau đó, xuất hiện các mụn nước, xu hướng lan rộng. Người bệnh thấy ngứa và đau rát, khó chịu khi cọ xát.
  • Một số nguyên nhân khác như: chấn thương cột sống, nhiễm độc, đái tháo đường, lao cột sống, ung thư cột sống, viêm đa dây thần kinh ít gặp tổn thương dây thần kinh liên sườn,...

Ngoài ra, một số trường hợp không rõ nguyên nhân đau thần kinh liên sườn gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát: bệnh nhân có thể đau một bên hoặc hai bên ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống-bả vai, đau lan theo khoang liên sườn ra phía trước. Tính chất đau âm ỉ, đau khi hít thở sâu và thay đổi tư thế, hắt hơi, ho. Thường được chẩn đoán nhầm với những bệnh lý của phổi.

3. Chẩn đoán đau thần kinh liên sườn

Đau dây thần kinh liên sườn thường chẩn đoán nhầm với những bệnh lý của phổi, tim. Do đó, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng nhằm chẩn đoán phân biệt. Bên cạnh đó, người bệnh cần làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:

  • Chụp X-quang thường quy: đánh giá hình thái cột sống, đốt sống để tìm ra nguyên nhân gây bệnh như thoái hóa cột sống, lao cột sống
  • Chụp cộng hưởng từ: chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh như các bệnh lý cột sống, đĩa đệm và tủy sống như thoái hóa, lồi và thoát vị đĩa đệm, u tủy sống và các bệnh lý tủy sống, chấn thương cột sống, viêm nhiễm như viêm cột sống, đĩa đệm nhiễm trùng, lao cột sống
  • Xét nghiệm cơ bản: xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, xét nghiệm nước tiểu toàn phần.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: ure, creatinin, AST, ALT.
chụp x-quang
Người bệnh có thể được chỉ định chụp X - quang để chẩn đoán bệnh đau thần kinh liên sườn

4. Điều trị đau thần kinh liên sườn

Trước tiên, bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị đau cho người bệnh, sau đó điều trị theo nguyên nhân. Một số nhóm thuốc điều trị đau dây thần kinh như:

  • Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, diclofenac... Đối với người có tiền sử bệnh lý gan, thận cần lưu ý khi sử dụng paracetamol. Đối với người có tiền sử viêm loét dạ dày - tá tràng không sử dụng thuốc diclofelac. Thuốc uống sau bữa ăn, chia làm 2- 3 lần trong ngày.
  • Thuốc điều trị đau thần kinh: Nhóm gabapentin, bản chất là các thuốc chống co giật, nhưng được phát hiện có tác dụng giảm đau trong các trường hợp có tổn thương dây, rễ thần kinh. Vì có tác dụng lên thần kinh trung ương nên trong một số trường hợp bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng sau uống thuốc. Thường dùng liều nhỏ, tăng dần tới khi có tác dụng, nên uống thuốc trước khi đi ngủ hoặc nghỉ trưa, có thể dùng kéo dài vài tháng.
  • Thuốc giãn cơ vân: Myonal, mydocalm... chỉ dùng cho các trường hợp đau nhiều, cảm giác co rút vùng sườn tổn thương, với liều dùng thấp. Dùng sau bữa ăn, thận trọng khi sử dụng cho người có bệnh lý dạ dày - tá tràng, người già và trẻ em do hệ thống cơ vân yếu. Không dùng thuốc giãn cơ vân cho bệnh nhân có bệnh nhược cơ.
  • Vitamin nhóm B: B1, B6, B12 là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị theo nguyên nhân. Người bệnh tránh vận động sai tư thế hoặc quá mạnh. Phòng tránh tai nạn lao động, tai nạn giao thông và sinh hoạt hàng ngày.

Đau thần kinh liên sườn là triệu chứng của nhiều bệnh, cần phát hiện sớm triệu chứng và điều trị tích cực các bệnh. Khi thấy có những biểu hiện đau vùng mạn sườn, hay những dấu hiệu bất thường khác, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

281.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan