Tác dụng phụ khi gây tê ngoài màng cứng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp gây tê được thực hiện bằng cách đưa một lượng thuốc tê thích hợp vào khoang ngoài màng cứng. Bên cạnh các ưu điểm, người bệnh cũng có nguy cơ gặp các tác dụng phụ gây tê ngoài màng cứng.

1.Phương pháp gây tê ngoài màng cứng là gì?

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp gây tê vùng, được thực hiện bằng cách đưa một lượng thuốc tê thích hợp vào khoang ngoài màng cứng của ống tủy. Sự phân bổ của các dây thần kinh tại khoang ngoài màng cứng chi phối cảm giác từng vùng nhất định trong ổ bụng và trên bề mặt da. Do đó, gây tê ngoài màng cứng chỉ làm mất cảm giác ở một số vùng do dây thần kinh bị thuốc tê phong bế. So với gây mê toàn thân, gây tê ngoài màng cứng có nhiều ưu điểm như:

  • Hạn chế các tác dụng phụ của gây mê toàn thân có đặt ống nội khí quản: tác động bất lợi lên hệ hô hấp, tim mạch. Đặc biệt khi gây mê toàn thân bằng đặt nội khí quản có thể dẫn đến cơn co thắt thanh – khí - phế quản, nguy cơ này tăng cao đối với người bị hen phế quản hoặc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Giúp giảm đau sau phẫu thuật: tác dụng của gây tê ngoài màng cứng có thể kéo dài thêm nhiều giờ sau phẫu thuật bằng cách truyền liên tục thuốc tê thông qua catheter được đặt vào khoang ngoài màng cứng. Trong khi đối với gây mê toàn thân, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy đau và khó chịu ngay sau khi tỉnh dậy.
phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh nhân bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính khi gây mê toàn thân bằng đặt nội khí quản có nguy cơ cao dẫn đến cơn co thắt thanh – khí - phế quản
  • Người bệnh tỉnh táo lúc thực hiện phẫu thuật giúp bác sĩ thuận lợi trong theo dõi tình trạng người bệnh. Khi người bệnh cảm thấy có các triệu chứng bất thường trong cơ thể, có thể báo ngay với bác sĩ và được xử trí kịp thời.

2.Tác dụng phụ khi gây tê ngoài màng cứng

Gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật hiệu quả, an toàn và có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các thủ thuật y khoa khác, phương pháp này có một số tác dụng phụ nhất định. Một số người bệnh khi được thực hiện gây tê ngoài màng cứng sẽ gặp một số hiện tượng như:

2.1. Hạ huyết áp

Đây là tác dụng phụ khi gây tê ngoài màng cứng thường gặp nhất. Thuốc tê làm ảnh hưởng đến các dây thần kinh chi phối mạch máu, làm giãn nở các mạch máu dẫn đến hạ huyết áp. Các triệu chứng của hạ huyết áp người bệnh có thể gặp như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, choáng váng,... Để đề phòng nguy cơ hạ huyết áp, người bệnh sẽ được theo dõi huyết áp chặt chẽ suốt quá trình phẫu thuật bằng Monitor. Nếu hạ huyết áp xảy ra, bác sĩ sẽ chỉ định truyền thuốc qua tĩnh mạch để bệnh nhân ổn định huyết áp.

Hạ huyết áp là một trong những tai biến có thể gặp phải sau khi gây mê nội khí quản
Hạ huyết áp là tác dụng phụ thường gặp sau khi gây tê ngoài màng cứng

2.2. Xuất hiện các khối tụ máu ngoài màng cứng

Khoang ngoài màng cứng được lấp đầy bởi mạng lưới các đám rối tĩnh mạch. nếu tiêm vào những mạch máu này, máu sẽ chảy ra khoang ngoài màng cứng, hình thành khối máu tụ, gây chèn ép tủy sống của người bệnh. Tình trạng này có thể gây tổn thương thần kinh, làm liệt chi dưới. Đây là một biến chứng tuy hiếm gặp nhưng là một thảm họa của gây tê ngoài màng cứng. Vì lý do này, bệnh nhân rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông là chống chỉ định tuyệt đối của gây tê ngoài màng cứng.

2.3. Nhiễm trùng

Nếu không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình thực hiện, vi khuẩn có thể xâm nhập vào khoang ngoài màng cứng gây nhiễm khuẩn áp xe khoang ngoài màng cứng. Viêm màng não, viêm não đã được mô tả khi bị áp xe khoang ngoài màng cứng. Ngoài ra, áp xe ngoài màng cứng có thể gây chèn ép tủy sống, làm tổn thương thần kinh dẫn đến mất hoàn toàn khả năng vận động của nửa dưới cơ thể (liệt chi dưới).

2.4. Biến chứng do chọc thủng màng cứng

Biến chứng này xảy ra với tỷ lệ 1-2% số ca gây tê ngoài màng cứng. Thường dễ nhận ra vì có dịch não tủy chảy ra đầu kim. Chọc thủng màng cứng gây đau đầu dữ dội sau phẫu thuật do thoát dịch não tủy qua lỗ thủng ra khoang ngoài màng cứng. Đặc trưng của loại đau đầu này là đau vùng chẩm gáy, trước trán, nặng lên khi vận động đứng lên, ngồi xuống, người bệnh buồn nôn và nôn. Người bệnh được điều trị bằng nghỉ ngơi tại giường, thuốc giảm đau, bù dịch. Nếu không đáp ứng, bác sĩ có thể cân nhắc vá màng cứng bằng phương pháp bơm máu tự của chính bệnh nhân để điều trị (blood patch). Khoảng 10 – 15ML máu tự thân sẽ được tiêm vào khoang ngoài màng cứng ngay tại vị trí đã chọc thủng màng cứng giúp bịt kín lỗ thủng lên ngoài màng cứng. Phương pháp này có hiệu quả trên 90% các trường hợp.

THUỐC GIẢM ĐAU
Thuốc giảm đau để điều trị trong trường hợp bệnh nhân bị chọc thủng màng cứng

2.5. Tê tủy sống toàn bộ

Xảy ra khi một liều thuốc tê 10-20ml được tiêm trực tiếp vào khoang dưới nhện – nơi có chứa dịch não tủy khi tiến kim từ khoang ngoài màng cứng vào mà người thực hiện không nhận biết được. Tủy sống bị gây tê toàn bộ làm huyết áp giảm rất sâu, người bệnh ngừng thở, mất ý thức, đồng tử giãn. Đây là một tác dụng phụ khi gây tê màng cứng rất hiếm gặp. Việc điều trị gây tê tủy sống toàn bộ được thực hiện bằng đảm bảo thông thoáng đường thở, thông khí qua mask hoặc ống nội khí quản, kiểm soát tuần hoàn bằng bù dịch và thuốc co mạch,...Để phòng ngừa tai biến này, bác sĩ sẽ tiêm liều test để đánh giá đáp ứng của người bệnh.

2.6. Mất kiểm soát bàng quang

Sau khi gây tê màng cứng, do thuốc tê tác động đến các dây thần kinh xung quanh, người bệnh sẽ không có cảm giác buồn tiểu khi bàng quang căng đầy nước tiểu. Ê-kíp mổ sẽ đặt ống thông tiểu vào bàng quang của bệnh nhân để giúp dẫn lưu nước tiểu. Ngay khi hết tác dụng của thuốc tê, khả năng kiểm soát bàng quang của người bệnh sẽ trở lại bình thường.

2.7. Ngứa da

Một số bệnh nhân sau khi được gây tê màng cứng có thể bị ngứa da. Tình trạng này thường tự hết mà không cần điều trị hoặc có thể điều trị bằng các loại thuốc bôi rất dễ dàng.

Ondansetron là thuốc chống nôn sau khi phẫu thuật
Ondansetron là thuốc chống nôn sau khi phẫu thuật

2.8. Buồn nôn

Buồn nôn là một tác dụng phụ khi gây tê màng cứng thường gặp. Nếu huyết áp của người bệnh bình thường, bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống nôn để cải thiện triệu chứng của người bệnh.

2.9. Đau lưng

Nhiều người bệnh sau khi phẫu thuật có phương pháp vô cảm là gây tê màng cứng sẽ có triệu chứng đau lưng, đặc biệt là đối với phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy không có sự gia tăng nguy cơ gây đau lưng kéo dài khi áp dụng phương pháp gây tê màng cứng. Người bệnh sẽ được hướng dẫn tư thế vận động phù hợp để hạn chế đau lưng.

Gây tê màng cứng là kỹ thuật gây tê được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Đây là kỹ thuật có tính an toàn cao, các biến chứng nghiêm trọng sau gây tê màng cứng là rất hiếm. Theo nghiên cứu từ các trường hợp gây tê màng cứng cho sản phụ khi sinh, ước tính tỷ lệ gây tổn thương vĩnh viễn từ phương pháp này chỉ từ 1/80.000 đến 1/320.000 trường hợp. Trước khi thực hiện gây tê, người bệnh và gia đình sẽ được nhân viên y tế giải thích về phương pháp và trao đổi về các tác dụng phụ gây tê màng cứng có thể xảy ra.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành gây mê phẫu thuật an toàn theo các hướng dẫn quốc tế. Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng được tiến hành sau khi đã siêu âm đánh giá cột sống và đánh dấu mốc khe đốt sống cần chọc kim, giúp bác sĩ gây mê tiến hành gây tê một cách dễ dàng. Với một đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng gây mê giàu kinh nghiệm, sử dụng thành thạo siêu âm cùng với các trang thiết bị hiện đại như máy dò thần kinh, máy siêu âm, hệ thống kiểm soát đường thở khó của Karl Storz, hệ thống theo dõi gây mê toàn diện AoA (Adequate of Anesthesia) của GE bao gồm theo dõi độ mê, độ đau và độ giãn cơ sẽ mang lại chất lượng cao và an toàn, giúp bệnh nhân gây mê vừa đủ, không thức tỉnh, không tồn dư thuốc giãn cơ sau mổ. Hệ thống Y tế Vinmec cũng tự hào là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ký kết với Hiệp hội Gây mê Thế giới (WFSA) hướng đến mục tiêu trở thành bệnh viện an toàn nhất về gây mê phẫu tại Đông Nam Á.

Bác sĩ Đức Thông đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Đặc biệt, với quá trình 12 năm làm việc tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện C Đà Nẵng, bác sĩ Thông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức cho người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm, bệnh nặng khi mổ; giúp cho nhiều ca mổ nặng, phức tạp được thành công. Hiện tại, đang là Bác sĩ gây mê Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan