Sử dụng dung dịch lau nhà sát khuẩn an toàn

Sử dụng dung dịch lau nhà sát khuẩn đúng cách sẽ giúp phòng ngừa nguy cơ lây lan nhiều bệnh lý nguy hiểm, bảo vệ tối ưu cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, một số loại dung dịch sát khuẩn nhà cửa có chứa nhiều hóa chất không tốt nên cần sử dụng với lượng vừa đủ, không nên lạm dụng.

1. Những công việc vệ sinh, sát khuẩn nhà cửa quan trọng nhất

  • Thực hiện vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hàng tuần cho các vật dụng, đồ chơi và khu vực sinh hoạt, vui chơi của trẻ;
  • Nên lau nhà, mặt bàn, kệ tủ,... mà trẻ thường tiếp xúc bằng xà phòng và các dung dịch nước lau sàn nhà chuyên dụng. Có thể sử dụng nước javel (nước tẩy trắng) với nồng độ thấp để vệ sinh hằng ngày;
  • Nên khử khuẩn hằng tuần vào một ngày nhất định trong tuần để tạo thành một thói quen tốt. Việc khử khuẩn bao gồm: Ngâm đồ chơi của trẻ vào các dung dịch sát khuẩn, lau sàn nhà, kệ tủ nơi trẻ hay tiếp xúc bằng chất diệt khuẩn chuyên dụng. Một số chất sát khuẩn thường được sử dụng gồm: bột cloramin B 25%, nước javel tẩy trắng.
Lau sạch và khử trùng các bề mặt hoặc vật liệu thường xuyên tiếp xúc bằng chất diệt khuẩn
Vệ sinh bề mặt hằng ngày

2. Ảnh hưởng tiêu cực khi lạm dụng nước lau sàn nhà

Lau sàn nhà định kỳ là thói quen tốt để loại bỏ vi khuẩn, mầm bệnh gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng các dung dịch lau nhà sát khuẩn thì có thể gây ra một số hệ lụy không mong muốn như:

  • Ảnh hưởng tới gan, thận: Hầu hết các loại nước lau nhà hiện nay đều có chứa chất formaldehyde - chất độc hại cho sức khỏe, đặc biệt là chức năng gan, thận. Khi lau nhà, các hóa chất này sẽ phát tán ra môi trường xung quanh, nếu tiếp xúc nhiều sẽ ngấm vào da, qua máu, túy lũy trong mô mỡ, gây ảnh hưởng tới gan, thận, thậm chí gây nhiễm độc máu;
  • Gây dị ứng: Nhiều sản phẩm tẩy rửa sàn nhà có chứa axit, các thành phần thuộc nhóm chất bay hơi VOC. Đây là nhóm chất có thể gây kích ứng cho trẻ nhỏ và những người cơ địa nhạy cảm. Vì vậy, nếu mua và sử dụng loại nước lau nhà diệt khuẩn kém chất lượng, người dùng dễ bị viêm da kích ứng hoặc dị ứng với các biểu hiện như ngứa, đỏ da, sưng tấy, khó thở, hắt hơi liên tục,...;

  • Gây ung thư: Hầu hết các sản phẩm vệ sinh trên thị trường đều có chứa hóa chất tẩy rửa gốc nonyl phenol, chlorine, benzyl, sodium hypochlorite,... Đây là các loại hóa chất có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, làm tăng nguy cơ ung thư nếu tiếp xúc thường xuyên;
  • Ảnh hưởng tới hệ hô hấp: Nhiều sản phẩm chất tẩy rửa, dung dịch lau nhà sát khuẩn có chứa axit HCl. Ở mức độ đậm đặc, HCl có thể tạo ra khói mù gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp. Ngoài ra, các chất tạo mùi trong nước lau nhà cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp ở những người có hệ miễn dịch kém, đặc biệt là trẻ em.

Video liên quan:

Sát khuẩn tay đúng cách - giảm nguy cơ nhiễm virus Corona 2019

3. Cách sử dụng dung dịch lau nhà sát khuẩn an toàn

3.1 Hướng dẫn pha dung dịch lau nhà khử khuẩn

Các dung dịch sát khuẩn lau nhà có thể sử dụng tại gia đình là cloramin B và nước javel. Về liều lượng sử dụng, đối với bột cloramin B, nên pha 1 muỗng cà phê với 1 lít nước tạo thành dung dịch sát khuẩn cloramin B để khử khuẩn mỗi tuần 1 lần (nếu nhà không có bệnh nhân). Nếu trong nhà có bệnh nhân, nên pha theo hướng dẫn của nhân viên y tế, thường là 5 muỗng cà phê bột cloramin B pha với 1 lít nước. Tuy nhiên, việc sử dụng bột cloramin B khá phiền toái vì gây mùi khó chịu, phải bảo quản kỹ, đậy nắp kín, không để tiếp xúc với ánh sáng để tránh mất tác dụng, nhớ đúng công thức pha chế,...

Về để khắc phục những phiền toái khi sử dụng bột cloramin B, các hộ gia đình có thể sử dụng nước tẩy trắng quần áo (nước javel) để khử khuẩn trong gia đình. Bản chất của sản phẩm là dung dịch natri hypoclorit - loại hóa chất có tính năng khử khuẩn được khuyên dùng. Ưu điểm của javel so với bột cloramin B là một số sản phẩm nước javel được thêm hương liệu làm mất mùi khó chịu của clo nên giúp người dùng cảm thấy dễ chịu hơn. Cách pha nước javel: Nếu sử dụng với mục đích khử khuẩn nhà hằng tuần, nên pha nước javel vào nước với tỷ lệ gấp đôi so với mục đích tẩy trắng quần áo.

Bột cloramin B
Bột cloramin B được sử dụng pha dung dịch lau nhà khử khuẩn

3.2 Hướng dẫn sử dụng dung dịch lau nhà khử khuẩn

  • Rửa sạch đồ chơi của trẻ trước khi ngâm vào dung dịch khử khuẩn. Sau khi ngâm trong dung dịch khoảng 30 phút nên vớt ra, rửa lại bằng nước sạch, phơi khô rồi mới cho bé chơi;
  • Nên lau nhà trước bằng nước và xà phòng để làm sạch bụi bẩn trước khi lau lại bằng dung dịch lau nhà sát khuẩn;
  • Dùng 2 xô: 1 xô chứa dung dịch sát khuẩn và 1 xô chứa nước sạch. Đầu tiên nhúng ướt khăn lau trong dung dịch khử khuẩn để lau nhà. Sau khi thấy khăn bị dơ thì xả lại bằng nước sạch trước khi tiếp tục nhúng vào dung dịch diệt khuẩn, lặp lại cho tới khi lau sạch toàn bộ nhà. Cuối cùng lại lại nhà bằng nước sạch.

3.3 Lưu ý khi sử dụng dung dịch sát khuẩn nhà cửa

  • Hạn chế cho trẻ nhỏ tiếp xúc với nước lau sàn nhà vì cơ thể trẻ có sức đề kháng kém, khó có thể loại bỏ được tất cả các chất độc ra khỏi cơ thể. Đặc biệt, nhiều trẻ không ý thức được sự nguy hiểm của chất tẩy rửa, nếu uống nhầm thì có thể gây hậu quả khó lường. Vì vậy, cần để dung dịch lau sàn tránh xa tầm tay của trẻ;
  • Người mắc các bệnh liên quan đến viêm da cơ địa không nên tiếp xúc với các loại nước tẩy rửa sàn nhà. Nguyên nhân vì phần lớn các chất tẩy rửa đều có hàm lượng chất tẩy cao, có thể gây tổn hại da, khiến da bị bong, làm cho bệnh viêm da trở nên nghiêm trọng hơn;
  • Để đảm bảo nồng độ chất khử khuẩn lau nhà, nên chọn mua sản phẩm của thương hiệu uy tín, do nhà máy lớn sản xuất, đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm chất lượng;
  • Chỉ nước tẩy trắng quần áo mới được sử dụng để khử khuẩn trong nhà. Không được sử dụng nước tẩy quần áo màu để lau nhà khử khuẩn vì sản phẩm không có thành phần natri hypoclorit;
  • Trong khi sử dụng chất diệt khuẩn, nên đeo khẩu trang, mang găng tay trong lúc pha, lau chùi và ngâm rửa để tránh bị kích ứng da tay. Sau khi sử dụng chất diệt khuẩn nên rửa lại nhiều lần bằng nước sạch;
  • Tránh bị nước tẩy rửa nhà bắn vào mắt. Trong trường hợp bị chất sát khuẩn văng vào mắt, cần rửa mắt nhiều lần bằng nước sạch và đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu cần thiết;
  • Có thể sử dụng giấm hoặc nước cốt chanh hòa cùng với nước sạch để lau nhà vì đây là 2 nguyên liệu có khả năng diệt khuẩn khá tốt;
  • Khi dùng nước lau sàn nên bật quạt và mở cửa sổ để làm thông thoáng không khí trong gian phòng, đẩy khí độc ra bên ngoài;
  • Chỉ sử dụng một lượng nước lau nhà sát khuẩn nhất định, không nên lạm dụng;
  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm tẩy rửa có chứa axit, đặc biệt khi thời tiết có độ ẩm cao vì axit bay hơi không thoát được lên cao sẽ đọng lại trong phòng, gây nhiễm độc cho các thành viên trong gia đình;
  • Khi bảo quản, nên đậy nắp lọ đựng dung dịch, để riêng khu vực chất diệt khuẩn với các dụng cụ vệ sinh, không để lẫn lộn với đồ ăn thức uống.
Lau nhà
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý

Thực hiện đúng theo hướng dẫn sử dụng dung dịch lau nhà sát khuẩn an toàn sẽ giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm cho cả gia đình.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.8K

Dịch vụ từ Vinmec