Siêu âm tim Doppler màu đánh giá thông liên nhĩ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Siêu âm tim Doppler màu đánh giá thông liên nhĩ nhằm mục đích xác định vị trí, số lượng, kích thước thông liên nhĩ và chiều luồng thông qua lỗ thông liên nhĩ, cũng như tìm tổn thương phối hợp khác.

1. Siêu âm Doppler màu là gì?

Siêu âm Doppler màu là loại siêu âm có độ chính xác cao nhất và hình ảnh siêu âm màu nên dễ dàng quan sát các chi tiết. Siêu âm Doppler màu được chia 2 loại như sau:

  • Doppler liên tục: Đây có nghĩa là loại siêu âm gồm 2 tinh thể ở một đầu dò với hai chức năng khác biệt. Một tinh thể có chức năng phát sóng âm, tinh thể còn lại làm nhiệm vụ thu sóng âm. Ưu điểm siêu âm Doppler liên tục là có thể kiểm tra ở các vận tốc nhanh, tuy nhiên lại không thể kiểm tra được vị trí của điểm thu về.
  • Doppler xung: Siêu âm Doppler xung là siêu âm chỉ có một tinh thể ở đầu nên nó vừa có khả năng phát sóng âm vừa thu sóng âm. Bên cạnh đó, siêu âm Doppler xung có khả năng điều chỉnh kích thước của các vùng cần kiểm tra nhưng lại không thể thu được toàn bộ sóng âm mà chỉ thu về được tại vị trí kiểm tra.

Siêu âm Doppler màu là một hình thức siêu âm hiện đại nên nó được sử dụng rộng rãi và ứng dụng trong nhiều trường hợp cụ thể. Những trường hợp sau đây thường được chỉ định siêu âm Doppler:

  • Dùng để kiểm tra chức năng hoạt động của tim và chuyển động của các tĩnh mạch trên cơ thể.
  • Siêu âm Doppler màu khi kiểm tra và phát hiện các bệnh tại vùng thận, bụng trên cơ thể.
Doppler tim
Siêu âm doppler màu là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại có độ chính xác cao nhất

  • Là hình thức thăm khám để phát hiện ra một số bệnh mà những hình thức khác không thể đáp ứng như: Phát hiện tình trạng phình mạch máu (phình động mạch chủ ở bụng); kiểm tra và phát hiện các vấn đề ở tim (khuyết van tim, hở van tim,...); dùng để phát hiện ở những người có khả năng bị tắc mạch máu.

2. Siêu âm tim Doppler màu đánh giá thông liên nhĩ

2.1. Thông liên nhĩ là gì?

Tim bình thường sẽ có 4 buồng, vách liên nhĩ sẽ ngăn cách 2 tâm nhĩ, vách liên thất sẽ ngăn cách 2 tâm thất, 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất ngăn cách nhau bởi hai vòng van nhĩ thất. Vì trong thời kỳ bào thai, vách liên nhĩ chưa đóng kín để cho một phần máu giàu oxy từ nhĩ phải sang nhĩ trái, vì vậy sau khi sinh, sức cản của phổi bị giảm xuống, máu lên phổi sẽ trở về nhĩ trái nên áp lực nhĩ trái và phải cân bằng dẫn tới đóng vách liên nhĩ.

Trong trường hợp vách liên nhĩ không tự đóng được thì sẽ gây ra bệnh thông liên nhĩ. Thông liên nhĩ gồm có 4 thể:

  • Bệnh thông liên nhĩ lỗ thứ nhất (lỗ tiên phát)
  • Bệnh thông liên nhĩ lỗ thứ hai (lỗ thứ phát)
  • Bệnh thông liên nhĩ thể xoang vành.
  • Bệnh thông liên nhĩ kiểu xoang tĩnh mạch

Trường hợp thông liên nhĩ lỗ thứ hai có đường kính nhỏ hơn 8mm thì sẽ tự đóng trong 2-5 năm đầu, còn các thể thông liên nhĩ khác sẽ không thể tự đóng được. Khi bị thông liên nhĩ, máu sẽ từ nhĩ trái qua nhĩ phải và xuống thất phải. Thất phải nhận thêm một lượng máu nên từ từ bị giãn ra và gây nên suy thất phải. Khi người bệnh bị suy thất phải, buồng bên phải sẽ mất đi khả năng bơm, khiến tim không thể chứa đầy máu và máu chảy ngược vào tĩnh mạch, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do vậy, cần nhận biết triệu chứng và đánh giá thông liên nhĩ qua siêu âm tim Doppler màu để nhận biết dấu hiệu bệnh, từ đó có phương pháp điều trị thông liên nhĩ thích hợp.

Thông liên nhĩ thứ phát
Vách liên nhĩ không tự đóng được thì sẽ gây ra bệnh thông liên nhĩ

Thông thường bệnh thông liên nhĩ sẽ không có triệu chứng cho đến tuổi trưởng thành hoặc xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Khó thở, đặc biệt là trường hợp khi gắng sức; nghe tim thấy tiếng thổi vì tăng lưu lượng máu từ thất phải lên ở phổi.
  • Người bệnh bị phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi do suy tim phải. Có thể bị rối loạn nhịp tim, tim đập không đều, đập rất nhanh, có cảm giác hồi hộp
  • Có triệu chứng của bệnh đau đầu Migraine
  • Đột quỵ não do tắc mạch nghịch thường, nguyên nhân là do khi shunt là phải-trái, các huyết khối ở chi dưới, vùng chậu, mảnh sùi van tim bên phải... có thể theo dòng shunt từ phải sang trái nên gây tắc mạch não, từ đó dẫn đến hiện tượng đột quỵ.
  • Tím tái có thể là triệu chứng gặp phải khi bị thông liên nhĩ, nguyên nhân là do dòng máu đảo chiều đi từ phải sang trái. Nếu tăng áp lực phổi cố định thì bệnh sẽ trở thành hội chứng Eissenmenger trên lâm sàng.

2.2. Siêu âm tim Doppler màu đánh giá thông liên nhĩ

Siêu âm tim Doppler màu đánh giá hình ảnh thông liên nhĩ nhằm mục đích:

  • Xác định vị trí, số lượng, kích thước thông liên nhĩ
  • Chiều luồng thông qua lỗ thông liên nhĩ
  • Tính áp lực động mạch phổi, lưu lượng shunt
  • Tìm tổn thương phối hợp

Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp siêu âm tim Doppler màu đánh giá hình ảnh thông liên nhĩ thì cần lưu ý như sau:

  • Shunt qua thông là trái phải trên Doppler màu, vì vậy để tối ưu hóa dòng chảy tốc độ thấp thì cần phải điều chỉnh thang vận tốc 20-40cm/s.
  • Shunt có thể phải trái hoặc 2 chiều trong trường hợp có tăng áp phổi nặng hoặc khi thất phải giảm đi khả năng giãn nở.
  • Cũng có thể sử dụng phương pháp Doppler xung để phát hiện shunt 2 chiều bổ sung khi siêu âm tim Doppler màu.
Siêu âm doppler tim
Siêu âm tim Doppler màu có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá và điều trị thông liên nhĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

509 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan