Siêu âm, chụp CT trong đánh giá các cục máu đông

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm với hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Đông máu là một tình trạng bình thường xảy ra khi bị chấn thương. Tuy nhiên, đôi khi đông máu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm do hình thành bên trong mạch máu, có thể là động mạch hoặc tĩnh mạch. Theo đó, các cục máu đông có thể được hình thành ngay cả khi không có chấn thương. Sau khi vết thương đã lành, các cục máu đông có thể không tan ra. Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau đây sẽ được sử dụng để đánh giá các cục máu đông.

1. Cục máu đông là gì?

Cục máu đông là các khối huyết. Thông thường, máu chảy tự do qua các tĩnh mạch và động mạch. Trong một số trường hợp, cục máu đông hay sự đông máu là điều cần thiết và bình thường. Nếu bạn bị chấn thương hoặc vết cắt thì quá trình đông máu giúp cầm máu. Tuy nhiên, khi quá nhiều cục máu đông xảy ra, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Khi cục máu đông hình thành, nó có thể tích tụ lại (được gọi là huyết khối) và chặn lưu lượng máu hoặc vỡ ra (gọi là tắc mạch) và di chuyển đến các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Có hai loại cục máu đông khác nhau:

  • Các cục máu đông được hình thành trong các động mạch. Một khi các cục máu đông hình thành, chúng sẽ gây ra các triệu chứng ngay lập tức. Bởi vì loại cục máu đông này ngăn oxy đến các cơ quan quan trọng, điều này dẫn đến một loạt các biến chứng như đột quỵ, đau tim, tê liệt và đau dữ dội.
  • Các cục máu đông là những cục hình thành trong các tĩnh mạch. Các cục máu đông thường hình thành từ từ trong một khoảng thời gian. Các triệu chứng do cục máu đông gây ra ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Đau thắt ngực là triệu chứng của bệnh trái tim tan vỡ
Cục máu đông là nguyên nhân gây nên những cơn đau tim

Các cục máu đông có thể được hình thành ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể, mỗi cơ quan lại xuất hiện các triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như:

  • Chân và cánh tay: Các triệu chứng của cục máu đông ở chân và cánh tay khác nhau, có thể bao gồm đau hoặc chuột rút, sưng, đau, ấn khi chạm vào và da có màu hơi xanh hoặc đỏ. Các cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch lớn hơn được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Các cục máu đông cũng có thể xảy ra trong các tĩnh mạch nhỏ hơn, gần da hơn.
  • Tim: Các triệu chứng thường gặp khi xuất hiện cục máu đông trong tim bao gồm đau ở ngực và cánh tay trái, đổ mồ hôi và khó thở.
  • Phổi: Các triệu chứng phổ biến nhất khi xuất hiện cục máu đông ở phổi, bao gồm khó thở, đau ngực và ho. Một số biểu hiện ít gặp hơn, bao gồm đổ mồ hôi, da đổi màu, sưng ở chân, nhịp tim không đều và chóng mặt.
  • Não: Bệnh nhân bị cục máu đông trong não có thể gặp vấn đề với thị lực hoặc lời nói, co giật và tình trạng suy yếu nói chung.
  • Bụng: Các triệu chứng của cục máu đông ở bụng có thể bao gồm đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn và tiêu chảy hoặc phân có máu.

Tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng, cục máu đông thậm chí có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

2. Biến chứng nguy hiểm của cục máu đông

Một cục máu đông có thể được hình thành trong bất kỳ mạch máu nào trong cơ thể bạn. Tình trạng này có thể kết thúc ở phổi, tim, não hoặc các khu vực khác nếu nó vỡ ra và đi qua máu. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng vì cục máu đông làm gián đoạn dòng chảy của máu đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Đây chính là nguyên nhân đến đau tim và đột quỵ. Một số biến chứng nguy hiểm khác có thể xảy ra khi hình thành cục máu đông, bao gồm:

  • Thuyên tắc phổi: Đây là tình trạng cục máu đông nằm trong động mạch phổi. Thuyên tắc phổi có thể dẫn đến nồng độ oxy trong máu thấp và gây tổn thương cho phổi, tim và các cơ quan khác.
  • Suy thận: Thận có thể bị tổn thương, cuối cùng là suy thận khi cục máu đông được hình thành ở cơ quan này. Một số biến chứng nguy hiểm khác bao gồm huyết áp cao cũng có thể xảy ra khi chất lỏng và chất thải tích tụ.
Cần thận trọng khi dùng thuốc đối quang đối với bệnh nhân mắc suy thận nặng
Một trong những biến chứng nguy hiểm của cục máu đông là gây suy thận
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT): Cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu ở cánh tay hoặc chân được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu(DVT). Chúng có thể gây ra các triệu chứng tại chỗ, tuy nhiên nếu cục máu đông vỡ ra và di chuyển đến phổi cũng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.
  • Biến chứng thai kỳ: Cục máu đông hình thành trong thai kỳ thường xuất hiện trong các tĩnh mạch chậu hoặc chi dưới. Điều này dẫn đến các nguy cơ về bệnh phổi và các biến chứng liên quan cũng như chuyển dạ sớm, sảy thai và tử vong cho người mẹ.

3. Chẩn đoán và đánh giá các cục máu đông thông qua siêu âm và chụp CT

Đánh giá mức độ tổn thương do cục máu đông gây ra tùy thuộc vào vị trí và loại cục máu đông mà bạn gặp phải. Bác sĩ thường sẽ bắt đầu bằng thu thập bệnh sử của bạn, vì điều này có thể cung cấp thông tin về các yếu tố gây ra cục máu đông, đồng thời bạn cũng được chỉ định thực hiện kiểm tra thể chất tổng quát. Trong tình huống khẩn cấp mà bệnh nhân có thể không mô tả được các triệu chứng gặp phải, các bác sĩ có thể gửi bệnh nhân đi xét nghiệm ngay sau khi kiểm tra thể chất.

Siêu âm và chụp CT là 2 phương pháp phổ biến thường được sử dụng trong chẩn đoán và đánh giá các cục máu đông:

3.1 Siêu âm trong đánh giá các cục máu đông

Để kiểm tra, đánh giá hệ thống tuần hoàn của cơ thể, xác định tình trạng tắc nghẽn và phát hiện vị trí của các cục máu đông nếu có, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện siêu âm. Đây là phương pháp sử dụng sóng siêu âm, không sử dụng bức xạ ion hóa, cung cấp hình ảnh chi tiết về các mô mềm không thể hiển thị trên ảnh chụp x-quang. Phương pháp siêu âm này không gây ra bất cứ ảnh hưởng xấu nào tới sức khỏe người bệnh.

Siêu âm cục máu đông
Siêu âm giúp đánh giá tình trạng các cục máu đông

Khi siêu âm chúng ta có thể quan sát được cấu trúc, kích thước của động mạch, tĩnh mạch cũng như dòng máu lưu thông bên trong có ổn định hay có gì bất thường không bởi siêu âm mô phỏng lại hình ảnh cũng như mọi hoạt động của động mạch và tĩnh mạch..

Xét nghiệm này thường là bước đầu tiên để xác nhận cục máu đông tĩnh mạch. Sóng âm thanh được sử dụng để tạo ra một cái nhìn của tĩnh mạch của bạn. Siêu âm Doppler có thể được sử dụng để giúp hình dung lưu lượng máu qua tĩnh mạch của bạn. Nếu kết quả siêu âm là không kết luận, có thể sử dụng chụp tĩnh mạch hoặc chụp MRI.

3.2 Chụp CT trong đánh giá các cục máu đông

Chụp CT là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chất lượng cao hiện nay. Để tạo ra hình ảnh cắt ngang hai chiều hoặc ba chiều của bộ phận cần quan sát, kỹ thuật này sử dụng kết hợp giữa máy tính và nhiều tia X-quang chiếu lên một khu vực nào đó trên cơ thể.

  • Chụp X-quang ngực: Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị thuyên tắc phổi, bạn có thể được chỉ định tiến hành chụp X-quang CT. Nguyên nhân phổ biến nhất của tắc mạch phổi là một mảnh vỡ từ một cục máu ở chân hoặc xương chậu đã vỡ ra và đi qua các tĩnh mạch đến phổi. Bạn có thể được chỉ định chụp X-quang nếu bác sĩ tin rằng bạn có thể gặp phải một tình trạng khác ngoài cục máu đông.
  • Chụp CT vùng bụng và xương chậu: Loại CT scan này có thể được sử dụng nếu bác sĩ nghi ngờ có cục máu đông ở đâu đó trong bụng hoặc xương chậu của bạn. Nó cũng có thể được sử dụng để loại trừ các tình trạng khác gây ra các triệu chứng tương tự như cục máu đông.
Chụp CT toàn thân ra đời có ý nghĩa quan trọng với y khoa
Chụp CT cho phép chẩn đoán hình ảnh chính xác về cục máu đông
  • Chụp CT đầu và cổ: Nếu bạn xuất hiện các biểu hiện của các triệu chứng đột quỵ, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp CT khẩn cấp ở đầu để xác nhận sự hiện diện của cục máu đông. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra chụp động mạch não. Siêu âm động mạch cảnh cũng có thể được thực hiện để xem liệu mảnh vỡ từ cục máu đông ở cổ đã di chuyển đến não hay chưa.

Các cục máu đông có thể gây ra các triệu chứng tương tự các bệnh hoặc tình trạng y tế khác. Để chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để loại trừ các vấn đề mà bạn có thể gặp phải.

4. Ngăn ngừa cục máu đông

Có thể sử dụng thuốc làm loãng máu để điều trị cục máu đông. Tuy nhiên, vì các biến chứng có thể nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm, vì vậy tốt hơn hết nên thực hiện các bước để ngăn ngừa cục máu đông hình thành.

Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển cục máu đông thông qua việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như:

  • Bạn cần giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì
  • Không hút thuốc
  • Nói chuyện với bác sĩ nếu gia đình có tiền sử bị đông máu

Để giảm các yếu tố nguy cơ, điều quan trọng nhất là bạn cần phải điều trị và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Áp dụng chế độ ăn giàu rau quả và trái cây, những loại thực phẩm giàu omega-3, thực phẩm giàu vitamin E.

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao: ít vận động là yếu tố chính có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, đặc biệt là ở chân. Nếu bạn phải ngồi làm việc trong khoảng thời gian dài, bạn nên đứng dậy và đi dạo xung quanh. Bạn cần theo dõi các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ bị cục máu đông và tham khảo ý kiến của bác sĩ để giảm rủi ro khi các cục máu đông hình thành.

Giảm cân giúp làm giảm đáng kể tình trạng ngủ ngáy
Giảm cân giúp ngăn ngừa cục máu đông

Các cục máu đông có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh, tuy nhiên chúng cũng có thể được phòng ngừa nếu bạn hiểu được các yếu tố nguy cơ. Cần chú ý đến các triệu chứng do cục máu đông gây ra. Việc chẩn đoán sớm cục máu đông đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan