Sâu răng hôi miệng phải làm sao?

Có rất nhiều nguyên nhân gây hôi miệng nhưng thường gặp nhất là hôi miệng do sâu răng. Sâu răng gây hôi miệng khiến nhiều người tự ti hơn trong giao tiếp hằng ngày. Vậy người bị sâu răng hôi miệng phải làm sao để nhanh chóng thoát khỏi tình trạng này?

1. Sâu răng có gây hôi miệng không?

Sâu răng là tình trạng vi khuẩn tấn công vào các cấu trúc răng. Nó gây tổn thương bề mặt răng, làm xuất hiện các lỗ sâu li ti quanh thân răng. Người bị sâu răng thường xuyên cảm thấy đau nhức, khó chịu ở răng. Và nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng sâu răng có thể dẫn tới tình trạng hôi miệng hoặc nhiễm trùng khoang miệng.

Hôi miệng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như vệ sinh răng miệng không đúng cách, do các bệnh lý răng miệng, do bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh viêm xoang,... Và sâu răng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây tình trạng hôi miệng.

Cơ chế sâu răng gây hôi miệng là: Sâu răng là tình trạng vi khuẩn xâm nhập, tấn công vào các cấu trúc của răng, tạo thành những ổ sâu với kích thước khác nhau. Những ổ vi khuẩn này là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hôi miệng. Cụ thể, mùi hôi xuất phát từ chất thải của các loại vi khuẩn khi chúng phân hủy thức ăn thừa hay các chất có trong nước bọt ở khoang miệng. Bên cạnh đó, các lỗ hổng trên răng do vi khuẩn gây ra cũng dễ mắc lại thức ăn. Điều đó càng làm tình trạng hôi miệng trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Người bị sâu răng hôi miệng phải làm sao?

Vậy sâu răng gây hôi miệng chữa thế nào? Sau đây là các biện pháp giúp điều trị hiệu quả cho tình trạng này:

2.1 Can thiệp điều trị từ nguyên nhân

Muốn điều trị dứt điểm, người bệnh cần được giải quyết nguyên nhân gây hôi miệng. Theo đó, bệnh nhân nên chủ động tới cơ sở y tế để kiểm tra răng miệng và tình trạng sâu răng của bản thân. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ sâu răng của bệnh nhân và có phương án điều trị phù hợp nhất.

Người bệnh sẽ được vệ sinh răng miệng sạch sẽ, lấy sạch cao răng và mảng bám trên răng. Với tình trạng sâu răng nhẹ, vết sâu sẽ được bác sĩ làm sạch các mảng bám đen, trám lại bằng cao răng nhân tạo. Với trường hợp sâu răng nặng, ăn vào tủy, người bệnh sẽ được điều trị tủy, trám đầy răng để bảo toàn thân răng. Còn trong những trường hợp sâu răng quá nặng, bệnh nhân có thể phải nhổ bỏ răng, được trồng răng giả thay thế.

Khi tình trạng sâu viêm được giải quyết, mùi hôi miệng sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều trị sâu răng xong không có nghĩa là bạn không có nguy cơ bị sâu răng tái lại. Vì vậy, bạn cần tiếp tục duy trì thói quen vệ sinh răng miệng hằng ngày và có chế độ sinh hoạt phù hợp.

2.2 Chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng cách

Một số lời khuyên giúp giảm mùi hôi miệng trước, trong và sau khi điều trị sâu răng là:

  • Giữ cho miệng đủ ẩm: Nước bọt có chứa lysozyme - chất có tác dụng diệt khuẩn, bảo vệ răng miệng. Vì vậy, để giảm mùi hôi miệng, bạn có thể nhai kẹo cao su không đường để kích thích khoang miệng tăng tiết nước bọt. Đồng thời, bạn nên uống đủ nước mỗi ngày, uống đều đặn suốt cả ngày, không đợi tới khi khát nước mới uống,..;
  • Súc miệng với nước muối loãng: Nước muối loãng có công dụng diệt khuẩn, vệ sinh răng miệng tuyệt vời. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý tại tiệm thuốc hoặc tự pha muối trắng với nước tinh khiết để làm nước súc miệng đều được. Ngoài ra, bạn có thể thêm vài giọt nước chanh vào nước súc miệng để tăng cường hiệu quả diệt khuẩn cho răng miệng;
  • Ưu tiên những thực phẩm có khả năng diệt khuẩn, khử mùi: Lá bạc hà có mùi thơm dễ chịu và giúp diệt khuẩn rất tốt. Quả táo đỏ cũng chứa nhiều polyphenol tự nhiên, giúp làm sạch miệng và tiêu diệt vi khuẩn có mùi. Bạn có thể uống trà bạc hà táo đỏ hoặc nhai lá bạc nhà, táo đỏ mỗi ngày để có hơi thở thơm tho hơn;
  • Duy trì vệ sinh răng miệng: Bạn nên duy trì những thói quen tích cực như súc miệng và làm sạch mảng bám bằng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn; đánh răng ít nhất 2 lần/ngày bằng kem đánh răng có hương thơm và công dụng phù hợp với răng. Khi đánh răng, bạn nên đánh từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới;
  • Lưu ý khác: Để hạn chế sâu răng và hôi miệng, bạn nên duy trì thói quen ăn đúng bữa, không nên ăn vặt nhiều, không sử dụng đồ ăn vặt nhiều tinh bột hoặc đồ ngọt. Đồng thời, bạn hãy hạn chế uống cà phê, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia,... Hãy uống nhiều nước trước khi đi ngủ để tránh bị khô miệng khi ngủ dậy.

Vừa rồi là những lời khuyên cho câu hỏi sâu răng hôi miệng phải làm sao? Để ngăn chặn tình trạng này, bạn nên chủ động chăm sóc sức khỏe răng miệng, nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ khi có các bệnh lý răng miệng để tìm ra nguyên nhân và có phương án điều trị triệt để. Đồng thời, bạn nên thăm khám răng miệng tối thiểu 6 tháng/lần để có hàm răng trắng sáng, hơi thở thơm tho.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan