Rối loạn cảm xúc lưỡng cực có cần điều trị?

Bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một bệnh lý rối loạn tâm thần xảy ra với tỷ lệ gần bằng 1% trên dân số toàn cầu. Tỷ lệ mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực ở cả nam và nữ là ngang nhau. Mọi lứa tuổi đều có thể gặp phải, tuy nhiên phổ biến nhất là độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.

1. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là gì?

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một rối loạn tâm thần xảy ra tại não bộ, đặc trưng là sự biến đổi cảm xúc không ổn định, chuyển từ cảm xúc hưng phấn (giai đoạn hưng cảm) sang cảm xúc ức chế (giai đoạn trầm cảm), mang tính chất chu kỳ và xen kẽ lẫn nhau.

Trên thực tế lâm sàng ghi nhận, phụ nữ thường có giai đoạn trầm cảm kéo dài hơn so với nam giới, và ngược lại giai đoạn hưng cảm của nam giới thường kéo dài hơn so với nữ giới. Bên cạnh đó ở phụ nữ, việc lặp đi lặp lại giữa các giai đoạn xảy ra thường xuyên hơn so với nam giới.

Giai đoạn hưng cảm có thể khiến người bệnh tự gây tổn hại cho bản thân mình hoặc cho người khác, gây trở ngại đến khả năng lao động, học tập và các mối quan hệ trong gia đình - xã hội.


rên thực tế lâm sàng ghi nhận, phụ nữ thường có giai đoạn trầm cảm kéo dài hơn so với nam giới
rên thực tế lâm sàng ghi nhận, phụ nữ thường có giai đoạn trầm cảm kéo dài hơn so với nam giới

2. Phân loại rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực được phân chia thành các loại như sau:

  • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực tuýp I: Phân loại này được xác định bởi sự có mặt của ít nhất 1 giai đoạn hưng cảm đầy đủ. Bệnh nhân trải qua những đợt trầm cảm và hưng cảm xen kẽ, mỗi đợt có thể kéo dài hàng tuần cho đến hàng tháng. Một số trường hợp người bệnh có thể trải qua toàn đợt trầm cảm hoặc toàn đợt hưng cảm, phân cách nhau bởi giai đoạn bình thường. Một số trường hợp còn có thể gặp cơn trầm cảm và cơn hưng cảm chỉ trong 1 ngày.
  • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực tuýp II: Phân loại này được xác định bởi sự hiện diện chủ yếu của các giai đoạn trầm cảm kèm theo ít nhất 1 giai đoạn hưng cảm nhẹ nhưng không có giai đoạn hưng cảm đầy đủ.
  • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực không biệt định: Đây là các rối loạn với các đặc tính lưỡng cực rõ ràng tuy nhiên lại không đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể nào cho các dạng rối loạn lưỡng cực khác.

Theo thống kê, có khoảng 1-1.5% người trưởng thành sẽ trải qua tình trạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực vào bất cứ lúc nào trong đời. Loại rối loạn cảm xúc lưỡng cực phổ biến nhất là rối loạn lưỡng cực tuýp I (nghiên cứu của Bebbington và Ramana năm 1995) và mức độ phổ biến là không khác nhau giữa các nhóm kinh tế - xã hội và dân tộc.

Có hơn 1/2 bệnh nhân khởi phát bệnh rối loạn cảm xúc bằng một pha trầm cảm và có ít nhất 80% bệnh nhân khởi phát bệnh bằng một đợt hưng cảm sẽ có khả năng tái phát bệnh nhiều hơn.

3. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Nguyên nhân chính xác gây bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, sự mất cân bằng sinh hóa trong não bộ, đặc biệt là rối loạn hệ Norepinephrine, Serotonin và các chất khác cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Lượng norepinephrine tăng cao được cho là có liên quan đến sự hưng phấn khí sắc và trạng thái hưng cảm, ngược lại khi lượng chất này thấp sẽ dẫn đến trạng thái trầm cảm.

Ngoài ra, các yếu tố tâm lý xã hội, hiện tượng căng thẳng kéo dài trong cuộc sống có thể là yếu tố liên quan dẫn đến sự phát triển ban đầu của các triệu chứng bệnh. Một số loại thuốc cũng có thể là nguyên nhân gây khởi phát bệnh trầm trọng ở các bệnh nhân rối loạn lưỡng cực như:


Có hơn 1/2 bệnh nhân khởi phát bệnh rối loạn cảm xúc bằng một pha trầm cảm
Có hơn 1/2 bệnh nhân khởi phát bệnh rối loạn cảm xúc bằng một pha trầm cảm

4. Biểu hiện rối loạn cảm xúc lưỡng cực

4.1. Hưng cảm

Giai đoạn hưng cảm được định nghĩa là ≥ 1 tuần bệnh nhân có hiện tượng khí sắc tăng, dễ bị kích thích liên tục và tăng hoạt động có mục đích hoặc tăng năng lượng kèm theo ≥ 3 triệu chứng sau:

  • Tăng tính tự trọng hoặc phóng đại
  • Giảm ngủ
  • Nói chuyện nhiều hơn so với bình thường
  • Tư duy phi tán hoặc tư duy dồn dập
  • Dễ bị phân tán sự tập trung, tuy nhiên họ tin rằng họ đang ở trạng thái tinh thần tốt nhất.
  • Tham gia quá nhiều hoạt động rủi ro cao (mua sắm quá mức, lạm dụng rượu và ma tuý, quan hệ tình dục bừa bãi, đánh bạc, thể thao nguy hiểm, phô trương tình dục).
  • Ăn mặc màu mè, rực rỡ, nói với tốc độ nhanh, không thể dừng.
  • Thiếu sự thấu hiểu và tăng khả năng hoạt động thường dẫn đến hành vi xâm phạm. Sự bất hòa có thể khiến bệnh nhân cảm thấy họ bị ngược đãi, bất công. Vì vậy, bệnh nhân sẽ trở nên nguy hiểm với bản thân hoặc người khác.

4.2. Hưng cảm nhẹ

Biến thể ít nặng nề hơn của hưng cảm, là một giai đoạn kéo dài ≥ 4 ngày với hành vi khác rõ rệt với bệnh nhân lúc bình thường, bao gồm ≥ 3 trong số các triệu chứng:

  • Khí sắc tươi sáng
  • Nhu cầu ngủ giảm
  • Tâm thần vận động tăng nhanh
  • Tạo ra nhiều năng lượng, tăng tính sáng tạo, tự tin
  • Sự phân tán, dễ cáu gắt, khí sắc bất ổn

4.3. Trầm cảm

Bao gồm ≥ 5 trong số những điều sau đây trong cùng khoảng thời gian 2 tuần, một trong số đó phải có khí sắc trầm hoặc có hiện tượng mất quan tâm/thích thú:

  • Khí sắc trầm
  • Giảm đáng kể sự quan tâm hoặc thích thú trong tất cả các hoạt động
  • Tăng hoặc giảm cân đáng kể > 5%, giảm hoặc tăng khẩu vị
  • Mất ngủ hoặc ngủ nhiều
  • Sự kích động hoặc chậm chạp tâm thần vận động được người khác quan sát
  • Mệt mỏi, mất năng lượng
  • Cảm giác vô dụng, tội lỗi quá mức
  • Suy giảm khả năng suy nghĩ, tập trung, do dự, thiếu quyết đoán
  • Suy nghĩ liên tục về cái chết, tự sát, nỗ lực tự sát hay có kế hoạch tự sát cụ thể.

4.4. Hỗn hợp

Một giai đoạn hưng cảm/hưng cảm nhẹ được xác định có đặc điểm hỗn hợp nếu có thêm ≥ 3 triệu chứng trầm cảm trong hầu hết các ngày của giai đoạn. Tình trạng này thường rất khó chẩn đoán, tiên lượng thường xấu hơn so với trạng thái hưng cảm/hưng cảm nhẹ. Nguy cơ tự sát ở giai đoạn hỗn hợp đặc biệt cao.


Biểu hiện rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Biểu hiện rối loạn cảm xúc lưỡng cực

5. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực có cần điều trị?

Mặc dù hầu hết các bệnh nhân đang có biểu hiện hưng cảm nhẹ có thể được điều trị ngoại trú, nhưng với tình trạng hưng cảm nghiêm trọng hoặc trạng thái trầm cảm thì cần được quản lý nội trú.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tuy nhiên các triệu chứng bệnh có thể kiểm soát được bằng cách kết hợp thuốc men và các trị liệu tâm lý.

Thuốc được các bác sĩ chỉ định tuỳ vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và khả năng đáp ứng của bệnh nhân. Sau giai đoạn cấp tính của bệnh, bệnh nhân vẫn phải uống thuốc để duy trì ổn định, chống tái phát. Cụ thể hơn, việc điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường được chia làm 3 pha:

  • Cấp tính: Nhằm ổn định và kiểm soát bệnh và những tình trạng nghiêm trọng, cắt cơn rối loạn cảm xúc.
  • Tiếp tục: Nhằm đạt được sự thuyên giảm hoàn toàn
  • Duy trì/dự phòng: Giữ ổn định trạng thái thuyên giảm.

Điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực phụ thuộc vào biểu hiện và mức độ nghiêm trọng, thường sử dụng thuốc điều chỉnh khí sắc (lithium, valproat, carbamazepin, lamotrigin) và/hoặc thuốc chống loạn thần thế hệ 2 (aripiprazole, lurasidone, olanzapine, quetiapine, risperidone, ziprasidone).

6. Trường hợp nào bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực cần phải nhập viện?

  • Bệnh nhân có ý định và hành vi tự sát (gặp trong cơn trầm cảm, cơn rối loạn cảm xúc hỗn hợp)
  • Bệnh nhân có hành vi nguy hiểm đối với mọi người xung quanh (gặp trong cơn hưng cảm)
  • Bệnh nhân rối loạn cảm xúc mức độ nặng
  • Chống đối điều trị, phải cưỡng bức vào viện
  • Rối loạn cảm xúc kháng thuốc (vào viện để thực hiện sốc điện)
  • Bệnh nhân gặp phải nhiều tác dụng phụ của thuốc
  • Bệnh nhân có nhiều bệnh nền cơ thể nặng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe