Răng thừa có cần nhổ bỏ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Tình trạng răng mọc dư thừa khá phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Vậy răng thừa có nên nhổ không và nếu nhổ răng thừa có nguy hiểm không?

Răng bình thường sẽ phát triển qua hai giai đoạn là răng sữa (20 chiếc) và thay răng vĩnh viễn (32 chiếc). Nếu số răng lớn hơn số lượng trên thì đó là những chiếc răng mọc thừa. Thông thường những chiếc răng mọc thừa sẽ không có chức năng cung hàm và tùy từng tình trạng ảnh hưởng đến khuôn hàm mà bác sĩ sẽ là người tư vấn có nên nhổ hay không.

1. Nguyên nhân răng mọc dư thừa?

Răng thừa có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên cung hàm trên và dưới, chen lấn với các răng khác, hình thành các khe rãnh nơi mà thức ăn dễ mắc vào. Đây là nguyên nhân vi khuẩn phát triển ở răng hàm, gây sâu răng, các bệnh lý về nướu, lợi, các bệnh lý răng miệng nói chung.

Răng thừa phổ biến mọc ở gần vị trí răng vĩnh viễn và răng cửa trước hàm trên. Răng khôn cũng được cho là răng mọc thừa.

Tình trạng răng mọc thừa chưa có lý giải nguyên nhân chính xác nhưng trong quá trình khám, điều trị của các bác sĩ nha khoa, có thể đúc kết ra một số nguyên nhân mọc thừa răng như:

  • Mầm răng phân đôi tạo điều kiện cho răng thừa mọc lên.
  • Do sự hiếu động quá khích của ngà răng.
  • Do di truyền từ thế hệ bố mẹ cũng là một nguyên nhân của việc răng mọc thừa.

2. Răng thừa có nên nhổ không?

Việc có nhổ bỏ răng thừa hay không cần căn cứ vào hệ thống răng trên cung hàm cụ thể ở từng trường hợp. Không nhất thiết răng thừa nào cũng cần nhổ bỏ. Với răng thừa nhưng không tạo thế 3 răng, không gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai thì không cần nhổ. Trong trường hợp nếu nhổ răng thừa nhưng có nguy cơ gây phương hại đến sức khỏe răng miệng nói riêng và sức khỏe nói chung thì cũng không khuyến khích nhổ bỏ.

Một số trường hợp cần nhổ răng thừa theo bác sĩ nha khoa là:

  • Răng mọc thừa, lệch lạc quá độ ra khỏi cung hàm, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai của răng miệng.
  • Răng thừa mọc lệch khiến thức ăn mắc kẽ giữa các răng, tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển gây ra bệnh lý về răng miệng.
  • Răng thừa chèn răng chính ngay trên cung hàm, để lâu dẫn đến tình trạng lệch khớp cắn, thay đổi cấu trúc hàm răng.
  • Nhổ răng thừa để hỗ trợ niềng răng, tạo ra khoảng trống cho các răng khác có không gian xê dịch vào đúng vị trí và đều hơn.
  • Răng thừa phát sinh nhiều bệnh lý răng miệng cần nhổ để ngừa bệnh răng miệng phát triển.
Răng thừa
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận có nên nhổ răng thừa hay không

3. Nhổ răng thừa có nguy hiểm không?

Nhiều người cho rằng nhổ răng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống dây thần kinh, gây đau đầu, hoặc ảnh hưởng tới các chân răng khác. Tuy nhiên, bạn không phải quá lo lắng bởi kết cấu tổ chức răng của chúng ta khá vững chắc. Các dây thần kinh nằm sâu bên trong dưới xương hàm nên khi nhổ răng sẽ không gây nguy hiểm cho các mạch máu của hệ thần kinh trung ương.

Quá trình nhổ răng thừa diễn ra trong 10 - 20 phút, tùy vào độ khó của răng, bạn sẽ được tiêm thuốc gây tê, không đau trong khi nhổ. Nhưng khi hết thuốc tê tầm 30 phút - 1 giờ sau khi nhổ cơn đau sẽ trở lại và tình trạng đau nhẹ âm ỉ có thể kéo dài 1-2 ngày.

Trên đây là những thông tin quan trọng giải đáp về trường hợp nhổ bỏ răng thừa. Tốt nhất khi có răng thừa, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ, nha sĩ tiến hành chụp chiếu, kiểm tra tình trạng răng để từ đó có những chỉ định phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan