Răng hàm lung lay đau nhức có nên nhổ?

Răng hàm là những chiếc răng đóng vai trò quan trọng trong việc nghiền nát thức ăn, hỗ trợ cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng tối ưu. Khi răng hàm lung lay đau nhức, người bệnh cần đi khám để xác định rõ nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp: Điều trị bảo tồn hoặc nhổ răng.

1. Vì sao răng hàm lung lay đau nhức?

Có nhiều nguyên nhân khiến răng bị lung lay đau nhức. Đó có thể là những tác động từ bên ngoài không đáng lo ngại hoặc những bệnh lý bên trong nguy hiểm. Cụ thể:

  • Bị va đập mạnh vào khung hàm: Đau nhức răng hàm có thể bắt nguồn từ những lực tác động mạnh từ bên ngoài vào răng như cắn vật quá cứng, bị va đập,... Việc này khiến răng bị yếu, dễ lung lay;
  • Mắc bệnh viêm nha chu: Đây là tác nhân phổ biến khiến răng hàm bị lung lay. Khi bị viêm nha chu, nướu có thể bị kéo ra khỏi răng, tạo điều kiện hình thành các túi vi khuẩn, gây nhiễm trùng. Nếu không phát hiện và xử trí ngay thì nhiễm trùng sẽ làm mất mô liên kết và xương, khiến răng bị lung lay. Người bệnh thường có biểu hiện là tấy đỏ nướu, tụt nướu, sưng đau nướu, chảy máu nướu, tiêu xương ổ răng,...;
  • Bị sâu răng: Sâu răng khiến tổn thương lan xuống tủy xương, gây viêm nhiễm mô tủy và áp xe chân răng. Tình trạng răng hàm bị sâu đau nhức cũng rất thường gặp ở người trưởng thành;
  • Bị tiêu xương răng: Bệnh tiêu xương răng dễ khiến nướu bị tụt, gây hệ quả là chiều cao và độ rộng của thành xương bị giảm xuống, không có khả năng nâng đỡ nướu răng. Khi đó, nướu sẽ bị tụt thấp, dần dần tách khỏi chân răng, khiến răng bị lung lay;
  • Mắc tật nghiến răng: Việc nghiến răng thường xuyên khiến 2 hàm răng siết chặt vào nhau, dễ khiến thân răng và men răng bị hư hại. Đồng thời, việc này còn vô tình tạo áp lực lên răng, theo thời gian khiến răng hàm lung lay đau nhức, các mô nâng đỡ lân cận bị hỏng;
  • Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, hàm lượng estrogen và progesterone tăng lên, có thể ảnh hưởng tới một số mô chuyên biệt như nha chu và các mô, xương bao quanh nâng đỡ răng. Không chỉ vậy, nướu răng cũng trở nên nhạy cảm hơn trong giai đoạn mang thai, dễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho nhiễm trùng. Kết quả là răng hàm dễ bị lung lay;
  • Bị loãng xương: Loãng xương là tình trạng xương xốp hơn, có nhiều lỗ hơn, dễ bị gãy hơn. Loãng xương có thể gây hại cho xương hàm - phần xương giữ răng ở đúng vị trí trong ổ răng. Khi mật độ xương của 2 hàm giảm đáng kể thì phần nâng đỡ răng sẽ bị lỏng, răng dễ bị đau nhức, lung lay và thậm chí là bị rụng.

2. Răng hàm lung lay đau nhức nên nhổ hay điều trị bảo tồn?

Răng bị lung lay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, nếu muốn xử trí dứt điểm tình trạng này thì điều quan trọng là cần tìm nguyên nhân gây ra nó. Muốn vậy, người bệnh nên đi khám tại bác sĩ nha khoa. Bác sĩ sẽ căn cứ trên mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này và nguyên nhân gây lung lay răng hàm để tư vấn xử trí phù hợp.

Các lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Răng hàm lung lay do tác động ngoại lực: Nếu răng vẫn khỏe mạnh, không có bệnh lý nha khoa thì bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dụng để nẹp cố định răng lung lay vào xương ổ răng. Về sau, răng sẽ ổn định, trở lại trạng thái ban đầu và không cần phải nhổ răng;
  • Răng hàm lung lay đau nhức do viêm nha chu: Để xử trí hiệu quả, bác sĩ sẽ cạo vôi răng để làm sạch, loại bỏ cao răng và vi khuẩn. Đồng thời, bác sĩ xử lý làm nhẵn bề mặt chân răng để nướu được gắn lại với răng. Răng sẽ ổn định dần và không cần nhổ bỏ răng. Nếu mắc bệnh nướu răng, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật loại bỏ mô nướu bị viêm nhiễm cũng như phần xương bị hư hại. Bác sĩ sẽ rạch nướu, kéo lại mô nướu cho bệnh nhân, không cần phải nhổ răng;
  • Răng hàm lung lay do tiêu hoặc thoái hóa xương: Bác sĩ sẽ lấy các mảnh xương từ vùng khác trên cơ thể bệnh nhân hoặc sử dụng 1 loại vật liệu ghép xương đặc biệt để có thể sửa lại phần xương bị bệnh. Đây cũng là lựa chọn điều trị bảo tồn, không cần nhổ răng;
  • Răng hàm đau nhức lung lay do nghiến răng quá nhiều: Bác sĩ sẽ chỉnh lại khớp cắn cho bệnh nhân trong trường hợp này. Theo đó, bác sĩ định hình lại bề mặt cắn của răng bằng cách loại bỏ bớt một ít men răng, giúp làm giảm áp lực lên răng. Từ đó, răng sớm phục hồi về trạng thái bình thường mà không cần phải nhổ bỏ.

Như vậy, khi răng hàm bị lung lay thì phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn răng. Chỉ thực hiện nhổ răng hàm khi có chỉ định của bác sĩ uy tín trong những trường hợp răng hàm bị lung lay nặng, sâu hơn, viêm nhiễm,... mà không thể phục hồi bằng các phương pháp trên.

Sau khi nhổ răng hàm, người bệnh được phục hình răng bằng cầu răng sứ hoặc cấy ghép implant. Dù mất thêm một khoản chi phí nhưng lựa chọn này sẽ phòng ngừa được nhiều biến chứng do mất răng gây ra. Đồng thời, việc này cũng khôi phục chức năng ăn nhai của toàn hàm và giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

3. Cách phòng tránh nguy cơ răng hàm lung lay đau nhức

Nếu muốn không phải lo lắng tìm cách xử trí khi răng hàm bị đau nhức, lung lay, mỗi người hãy chủ động phòng ngừa tình trạng này bằng cách:

  • Mỗi ngày nên súc miệng nước muối, đánh răng đúng cách, nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm, tối thiểu 2 lần;
  • Làm sạch thức ăn thừa bám vào chân răng bằng chỉ nha khoa và nước súc miệng;
  • Xây dựng một chế độ ăn uống giàu vitamin C và canxi để hỗ trợ xương và răng thêm chắc khỏe;
  • Người đang mắc chứng nghiến răng khi ngủ nên dùng máng chống nghiến;
  • Hạn chế hút thuốc lá và đồ uống có cồn để giúp răng miệng khỏe mạnh, đảm bảo sức khỏe toàn cơ thể;
  • Cẩn thận khi sử dụng thuốc tây, thuốc kháng sinh,... vì chúng có những tác dụng phụ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe răng miệng;
  • Uống đủ nước mỗi ngày để tránh tình trạng khô khoang miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây hại cho nướu răng;
  • Định kỳ kiểm tra răng miệng mỗi 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm các bệnh lý về răng. Việc điều trị sớm, lấy cao răng định kỳ sẽ giúp ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm của các bệnh răng miệng.

Răng hàm lung lay đau nhức là tình trạng không quá hiếm gặp. Khi gặp hiện tượng này, bệnh nhân nên đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và có phương án điều trị tích cực, hiệu quả nhất. Nhổ răng chỉ là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp điều trị bảo tồn không có nhiều hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan