Quy trình chụp cắt lớp vi tính động mạch vành

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành là kỹ thuật chụp động mạch vành bằng máy chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang, cho phép đánh giá toàn bộ cấu trúc hệ thống động mạch vành cũng như buồng tim, van tim.

1. Tổng quan về phương pháp chụp cắt lớp vi tính động mạch vành

Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành (coronary computed tomographic angiography - CCTA) là kỹ thuật chụp động mạch vành bằng máy chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang, cho phép đánh giá toàn bộ cấu trúc hệ thống động mạch vành cũng như buồng tim, van tim.

Hiện nay, chụp cắt lớp vi tính động mạch vành là kỹ thuật hiện đại sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính có độ phân giải cao về mặt không gian và thời gian, yêu cầu tối thiểu là hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính từ 64 dãy đầu dò trở lên.

chụp cắt lớp
Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành giúp đánh giá toàn bộ cấu trúc hệ thống động mạch vành

2. Chỉ định và chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính động mạch vành

Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành được chỉ định trong những trường hợp sau:

● Khám sàng lọc ở những bệnh nhân có nguy cơ thấp và trung bình theo tiêu chuẩn Framingham.

● Người bệnh bị đau ngực không điển hình, đặc biệt là những bệnh nhân đã phẫu thuật đặt stent hoặc cầu nối.

● Chẩn đoán các bệnh lý động mạch vành trong các trường hợp nghi ngờ sau khi thực hiện các xét nghiệm khác, giải phẫu hệ động mạch vành, ...

● Chẩn đoán các bệnh lý tim mạch (như van hai lá, van động mạch chủ, cơ tim phì đại, ...) trên những bệnh nhân có nguy cơ (như tiểu đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, ...)

● Người bệnh sau phẫu thuật cầu nối xác định cầu nối.

Chống chỉ định chụp cắt lớp vi tính động mạch vành với những trường hợp như:

● Không khuyến cáo chụp CT động mạch vành ở những bệnh nhân có hội chứng vành cấp và yếu tố nguy cơ cao theo tiêu chuẩn Framingham.

● Người bệnh bị suy thận, có nhịp tim không đều, bị rung nhĩ, hoặc dị ứng thuốc cản quang, tiền sử mắc bệnh hen phế quản, thai phụ.

● Người bệnh có sử dụng các máy móc, thiết bị hỗ trợ bằng kim loại.

● Người bệnh không hợp tác.

Máy chụp cắt lớp vi tính động mạch vành

Máy chụp cắt lớp vi tính
Máy chụp cắt lớp vi tính động mạch vành

3. Quy trình chụp cắt lớp vi tính động mạch vành

Quy trình chụp cắt lớp vi tính động mạch vành bao gồm các bước sau:

● Bước 1: Người bệnh được đặt ở tư thế nằm ngửa, thiết lập đường truyền tĩnh mạch và nối với bơm tiêm điện. Kỹ thuật viên lắp cổng điện tâm đồ và kiểm tra nhịp tim người bệnh trên màn hình của máy chụp. Người bệnh được hướng dẫn thở theo yêu cầu của kỹ thuật viên.

● Bước 2: Tiến hành chụp định vị động mạch vành trong 2 trường hợp là chụp thông thường và chụp với cầu nối. Chụp thông thường từ phần chạc ba khí phế quản đến hết phần đáy và chụp với cầu nối từ đỉnh phổi đến hết phần đáy.

● Bước 3: Chụp trước tiêm thuốc và tính điểm vôi hóa theo chương trình Calcium Store và tính theo thang điểm Agaston.

● Bước 4: Chụp động mạch vành sau khi tiêm thuốc cản quang iod. Sử dụng các kỹ thuật tiêm nhắm đích (Test bolus hoặc bolus tracking) để xác định thời điểm nồng độ cao nhất mà thuốc đạt được tại vị trí gốc động mạch chủ. Tiêm thuốc cản quang với liều lượng phù hợp (tùy vào loại thuốc sử dụng và thể trạng của người bệnh, thông thường liều dùng là 70 - 100 ml), tốc độ tiêm 4 - 5 ml/s. Có thể kết hợp với nước muối sinh lý để làm giảm tổng liều thuốc, thuốc thẩm thấu vào mạch máu tốt hơn và giúp làm giảm nhiễu ảnh từ tim phải.

● Bước 5: Kỹ thuật viên tiến hành tái tạo hình ảnh động mạch vành với độ dày 0,75/0,4mm hoặc 0,6/0,3mm, tuy nhiên cần lưu ý, độ dày càng giảm thì ảnh càng nhiễu. Với trường hợp nhịp tim thấp nên tái tạo khoảng 65-70% của chu chuyển tim. Kết quả chụp cắt lớp vi tính động mạch vành phải hiển thị rõ cấu trúc vùng chụp và phát hiện tổn thương (nếu có).

● Bước 6: Người bệnh cần theo dõi tại phòng trong vòng 30 phút sau tiêm trước khi ra về để phòng ngừa các biến chứng dị ứng muộn.

Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành
Kết quả chụp cắt lớp vi tính động mạch vành phải hiển thị rõ cấu trúc vùng chụp và phát hiện tổn thương

4. Các tai biến và cách xử lý trong chụp cắt lớp vi tính động mạch vành

Trong quá trình chụp cắt lớp vi tính động mạch vành có thể xảy ra những tai biến và cách xử lý như sau:

● Tụt huyết áp do thuốc hạ nhịp tim: Cho người bệnh nằm nghỉ tại chỗ và truyền dịch bù. Trường hợp huyết áp không tăng lên lên, cần đưa người bệnh cấp cứu để được xử trí theo phác đồ.

● Các tai biến do thuốc cản quang: Xử trí theo phác đồ của tai biến do thuốc cản quang.

Chụp cắt lớp vi tính động mạch vành được dùng để chẩn đoán, xác định, phát hiện các tổn thương, bệnh lý ở hệ mạch vành bằng cách sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy kết hợp tiêm thuốc cản quang.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan