Phân tích nước tiểu (Phần 4)

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Về nguyên tắc, nước tiểu trong lòng bàng quang là vô trùng. Điều này có nghĩa là nước tiểu không chứa bất kỳ vi khuẩn hoặc các sinh vật nào khác. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể xâm nhập vào niệu đạo theo ngược dòng và gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

4. Trụ hình trong nước tiểu

Trụ hình trong nước tiểu là các cấu trúc hình trụ thấy trong nước tiểu. Bản chất của trụ là mucoprotein, là một loại protein do tế bào ống thận bị tổn thương tiết ra (còn được gọi là protein Tam-Horsfall), và protein từ huyết tương được lọc qua cầu thận. Trong điều kiện được cô đặc và ở môi trường nước tiểu acid, các protein này đông đặc và được đúc khuôn trong ống lượn xa, khi bong ra các trụ này trôi theo nước tiểu.

Trụ niệu là biểu hiện có tổn thương thực thể ở thận, hoặc ở cầu thận hoặc ở ống thận. Nếu có các tế bào gắn trong trụ gọi là trụ tế bào, nếu có các giọt mỡ gọi là trụ mỡ, có các loại trụ sau:

+ Trụ trong hay trụ hyalin: không có tế bào

+ Trụ hạt: chứa xác các tế bào biểu mô ống thận, hay gặp trong viêm cầu thận mạn

+Trụ hồng cầu: chứa hồng cầu từ cầu thận xuống, trụ hồng cầu là biểu hiện tổn thương ở cầu thận, hay gặp trong viêm cầu thận cấp.

+ Trụ bạch cầu: chứa các các tế bào bạch cầu, hay gặp trong viêm bể thận – thận cấp hoặc mạn

+ Trụ mỡ: chứa các giọt mỡ, hay gặp trong hội chứng thận hư.

Khi đường kính của trụ lớn hơn hai lần đường kính của một bạch cầu đa nhân được gọi là trụ có kích thước to, do trụ được tạo thành từ các ống lượng xa bị giãn. Nếu trong nước tiểu có 2/3 số lượng trụ là trụ to, thì đây là một chỉ điểm có giá trị để chẩn đoán suy thận mạn. Phân biệt với suy thận cấp không có trụ niệu to mà thường có trụ hạt màu nâu bẩn.

Loại trụ có giá trị gợi ý nguyên nhân bệnh, nhưng không có giá trị chẩn đoán quyết định. Số lượng trụ nhiều hay ít trong nước tiểu không có giá trị đánh giá mức độ bệnh nặng hay nhẹ.

Nước tiểu
Trụ hình trong nước tiểu không có giá trị chẩn đoán quyết định bệnh

5. Các tinh thể trong nước tiểu

Các thành phần vô cơ trong nước tiểu có thể kết tinh để tạo thành các

Tinh thể tùy theo nồng độ của chất vô cơ hoà tan, độ pH nước tiểu, và tỉ lệ thành phần các chất trong nước tiểu. Có thể gặp các loại tinh thể niệu sau:

  • Tính thể phosphat calci
  • Tinh thể oxalat calci.
  • Tinh thể urat

Các loại tinh thể có mặt trong nước tiểu ít có ý nghĩa bệnh lý, và ít liên quan với sỏi thận, tiết niệu. Nếu có mặt với số lượng nhiều một loại tinh thể nào đó và trong những điều kiện nhất định chúng có thể dễ tạo sỏi. Chẳng hạn, sỏi urat hình thành trong điều kiện pH nước tiểu toàn, sỏi phosphat dễ bình thành trong điều kiện pH nước tiểu kiềm, ngoài ra việc hình thành sỏi còn phụ thuộc vào thành phần các chất có trong nước tiểu và sự có mặt của các chất ức chế hay kích thích sự kết tinh của các tinh thể.

6. Vi khuẩn niệu

Tìm thấy vi khuẩn trong nước tiểu là một yếu tố rất có giá trị để chẩn đoán các bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Ở người bình thường, trong nước tiểu cũng có thể có một số vi khuẩn (trừ trực khuẩn lao), như tụ cầu trắng, proteus, nhưng số lượng ít trong một giới hạn nhất định. Khi số lượng vi khuẩn vượt quá giới hạn bình thường, là có nhiễm khuẩn tiết niệu. Ngược lại nếu nước tiểu hoàn toàn không có vi khuẩn, chưa hẳn là không có bệnh lý vì giai đoạn đầu của lao thận, lao đường tiết niệu, nước tiểu thường không có tạp khuẩn.

vi khuẩn
Vi khuẩn trong nước tiểu vượt quá bình thường là dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu

Kỹ thuật lấy nước tiểu để xét nghiệm vi khuẩn rất quan trọng, phải tuyệt đối vô khuẩn để tránh nhiễm tạp khuẩn vào. Thông thường có ba cách lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm vi khuẩn.

+ Chọc kim qua da vào bàng quang phía trên gương mu để lấy nước tiểu, kỹ thuật phải tuân theo đúng quy trình vô khuẩn, Phương pháp này đảm bảo vô khuẩn nhất, nhưng có thể gây chảy máu, gây thấm nước tiểu ra ngoài bàng quang, nên hầu như không được sử dụng trong lâm sàng.

+ Lấy nước tiểu bằng thông bàng quang qua niệu đạo: vệ sinh bộ phận sinh dục bằng xà phòng và nước sạch 2 lần, sát khuẩn bằng thuốc sát trùng vùng sinh dục và lỗ niệu đạo, rồi dùng thông vô khuẩn thông bàng quang qua niệu đạo để lấy nước tiểu, Phương pháp này vẫn có thể đẩy vi khuẩn từ niệu đạo vào nước tiểu, đồng thời thông tiểu nhiều lần có nguy cơ gây viêm bàng quang, niệu đạo cho bệnh nhân, nên cũng ít được sử dụng trong lâm sàng.

+ Lấy nước tiểu giữa dòng: tối hôm trước, vệ sinh sạch bộ phận sinh dục bằng xà phòng và nước sạch, sáng hôm sau trước khi lấy nước tiểu vệ sinh lại vùng sinh dục bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát khuẩn lỗ niệu đạo và sinh dục. Cho bệnh nhân đi tiểu, loại bỏ phần đầu của bài nước tiểu, dùng ống nghiệm vô khuẩn hứng lấy phần nước tiểu giữa bãi, đậy bằng nút bông vô khuẩn, và gửi lên phòng xét nghiệm để cấy tìm vi khuẩn. Nếu chưa cấy được nước tiểu ngay phải bảo quản nước tiểu ở 4 C. Phương pháp này đơn giản và không có hại cho bệnh nhân, nên thường được sử dụng trong lâm sàng. Tuy nhiên có khoảng 10% số mẫu bị lẫn tạp khuẩn ở niệu đạo vào, chỉ đạt độ chính xác khoảng 90%.

nước tiểu đục
Kỹ thuật lấy nước tiểu xét nghiệm vi khuẩn rất quan trọng

Nước tiểu có thể đem quay ly tâm lấy cặn soi tươi tìm vi khuẩn, có thể nuôi cấy trong môi trường canh thang để tâm vi khuẩn thường, hoặc nuôi cấy trong môi trường Lowenstein Jensen (môi trường trứng canh thang) hoặc tiêm vào phúc mạc động vật để tìm trực khuẩn lao.

Nếu do nhiễm tạp khuẩn lúc lấy bệnh phẩm, khi nuôi cấy vi khuẩn chỉ mọc trong phạm vi 1000-2000 vị khuẩn/ ml nước tiểu. Nếu là nhiễm khuẩn đường tiết niệu thực sự, vi khuẩn thường phát triển nhanh và nhiều trong nước tiểu ở bàng quang, do đó số lượng thường nhiều hơn 105 vi khuẩn/ml nước tiểu. Số lượng vi khuẩn từ 103 đến dưới 105 vi khuẩn/ml nước tiểu thì nghi ngờ có nhiễm khuẩn, cần xét nghiệm lại vài lần. Khi số lượng vi khuẩn dưới 103 vi khuẩn/ml nước tiểu, vẫn là nhiễm khuẩn nước tiểu thực sự nếu phương pháp lấy nước tiểu đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn như phương pháp chọc hút bàng quang trên xương mu.

Nhiễm khuẩn tiết niệu thường chỉ do một chủng vi khuẩn, phần lớn là chủng Gram âm như Escherichia coli, Proteus, Krepsienlla, Pseudomonas, Enterobactes. Cũng có thể do chủng Mycobacterium Tuberculosis, trực khuẩn này thường đi theo đường máu gây tổn thương nhu mô thận trước rồi mới tới bể thận và bàng quang. Nếu nhiễm tạp khuẩn do quá trình lấy nước tiểu, thường thấy nhiều vi khuẩn cùng mọc, và số lượng của mỗi loại vi khuẩn thường dưới 103 vi khuẩn / ml nước tiểu.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan