Phân biệt bệnh tâm thần và chậm phát triển trí tuệ

Tâm thần và chậm phát triển trí tuệ đều là các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nguyên nhân sinh bệnh hoàn toàn khác biệt. Bệnh tâm thần do tổn thương thực thể hoặc chức năng thần kinh. Trong khi đó, bệnh chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não bộ.

1. Bệnh tâm thần là gì?

Bệnh tâm thần là bệnh do rối loạn hoạt động của não bộ gây nên những thay đổi bất thường về lời nói, ý thức, hành vi, cảm xúc, tác phong,... ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Các bệnh tâm thần điển hình thường gặp như trầm cảm, các rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống tâm thần và hành vi gây nghiện.

Bệnh tâm thần có thể xuất hiện đột ngột hay từ từ sau nhiều tháng. Người bị bệnh tâm thần sẽ có biểu hiện bất thường về lời nói, hành động, nhân cách so với những người bình thường nhưng họ thường không nhận thức được sự bất thường của bản thân. Bệnh nhân tâm thần sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và giảm sút trong công việc.

2. Bệnh chậm phát triển trí tuệ là gì?

Bệnh chậm phát triển trí tuệ là tình trạng rối loạn phát triển thần kinh, có liên quan đến các rối loạn chức năng như giảm khả năng nhận thức, diễn đạt ngôn ngữ, chú ý, trí nhớ cũng như giải quyết vấn đề trong cuộc sống và mất tương tác xã hội.

Bệnh chậm phát triển trí tuệ là các vấn đề thần kinh xuất hiện sớm trong thời thơ ấu, điển hình là trước khi đi học làm giảm sự phát triển của cá nhân và các mối quan hệ xã hội. Bệnh chậm phát triển trí tuệ đặc trưng bởi giảm đáng kể các hoạt động trí tuệ (thường chỉ số IQ dưới 70 -75) kết hợp với những hạn chế của ít nhất 3 trong số những điều sau đây: tự định hướng, tự chăm sóc bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tạo và duy trì các mối quan hệ xã hội, duy trì an toàn cá nhân và sử dụng các nguồn giao tiếp.

Các rối loạn phối hợp với bệnh chậm phát triển trí tuệ thường gặp như hội chứng tăng động giảm chú ý, tự kỷ và rối loạn học tập ví dụ như chứng khó đọc.

bệnh tâm thần
Bệnh chậm phát triển trí tuệ là tình trạng rối loạn phát triển thần kinh

3. Phân biệt bệnh tâm thần và chậm phát triển trí tuệ

Mặc dù biểu hiện trên lâm sàng có nhiều điểm giống nhau như giảm nhận thức, bất thường hành vi, khó diễn đạt ngôn ngữ, giảm sự phát triển các nhân, giảm hiệu quả học tập, làm việc cũng như các tương tác xã hội. Tuy nhiên, bản chất của tâm thần và chậm phát triển trí tuệ hoàn toàn khác nhau.

Đặc điểm để nhận diện bệnh tâm thần như sau:

  • Trí tuệ: bình thường hoặc rất thông minh
  • Nguyên nhân: do chấn thương tâm lý từ công việc, trong cuộc sống gia đình, xã hội; rối loạn chức năng thần kinh trung ương như tâm thần tuổi già, bệnh di truyền; hoặc bệnh não thực thể do sang chấn não, chấn thương sọ não, bệnh lý nhiễm trùng của não như viêm não.
  • Khả năng học hành giảm sút do hành vi bất thường
  • Chẩn đoán bệnh tâm thần dựa trên các triệu chứng lâm sàng
  • Luôn sử dụng thuốc để điều trị bệnh
  • Cải thiện khả năng học hành và làm việc bằng điều trị thuốc, lao động trị liệu, điều trị tâm lý và tư vấn.

Đặc điểm để nhận diện dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ như sau:

  • Trí tuệ: giảm hoặc kém phát triển
  • Nguyên nhân: do não bị tổn thương trước khi sinh ví dụ như nhiễm trùng bẩm sinh (bệnh rubella, bệnh do CMV, Toxoplasma,...), bất thường nhiễm sắc thể và rối loạn chuyển hóa di truyền, tiếp xúc với thuốc và độc chất. Nguyên nhân tổn thương não trong khi sinh như sinh non, ngạt chu sinh, xuất huyết não, sinh forcep, đa thai, nhau tiền đạo và tiền sản giật. Nguyên nhân tổn thương não sau khi sinh như suy dinh dưỡng, viêm não, viêm màng não, ngộ độc chì, thuỷ ngân.
  • Khả năng học hành giảm sút do chậm phát triển trí tuệ
  • Chẩn đoán bệnh chậm phát triển trí tuệ dựa trên biểu hiện lâm sàng, đánh giá về phát triển và trí tuệ thông qua các test sàng lọc, đánh giá hình ảnh học của hệ thần kinh trung ương và các xét nghiệm về di truyền.
  • Không có thuốc để điều trị bệnh. Điều trị hỗ trợ và tư vấn gia đình là điều cốt lõi; phối hợp đa chuyên ngành như nhi khoa, thần kinh học, vật lý trị liệu, ngữ âm liệu pháp, dinh dưỡng...
  • Cải thiện khả năng học hành và làm việc bằng các phương pháp giáo dục đặc biệt, giáo dục hoà nhập

Tâm thần và chậm phát triển trí tuệ đều là các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Tùy thuộc nguyên nhân sẽ có các phương pháp điều trị phù hợp. Vì thế, khi có dấu hiệu các bệnh lý thần kinh, người bệnh nên sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan