Những điều lưu ý khi chụp mạch số hóa xóa nền

Bài được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quốc Thành - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chụp mạch số hóa xóa nền (Digital Subtraction Angiography - DSA) là một hệ thống máy chụp hình mạch máu bằng tia X với sự kết hợp giữa kỹ thuật chụp hình mạch máu thông thường theo kỹ thuật Seldinger với kỹ thuật xử lý hình ảnh bằng máy vi tính.

1. Hệ thống cấu tạo DSA là gì?

Một hệ thống DSA thường bao gồm các thành phần như bộ phát tia X (đầu đèn), bộ phận thu nhận hình ảnh, bộ phận xử lý hình ảnh số và bộ phận hiển thị...

Bộ phận trung tâm của hệ thống đó là bộ xử lý hình ảnh số (digital image processing system). Nó sẽ thu thập hình ảnh từ video camera và tạo ra tín hiệu điều khiển xung theo thời gian cho cả bộ phận phát tia X và hệ thống thu nhận hình ảnh nhằm mục đích điều khiển được việc thu và phát tín hiệu giữa 2 hệ thống này.


Các thành phần cơ bản của hệ thống DSA:

  • Bầu tăng quang (Image Intensifier): Mục đích chính sử dụng bầu tăng quang đó là giảm liều chiếu cho bệnh nhân và bảo đảm chất lượng hình ảnh thu được.
  • Hệ thống ống kính thu nhận ánh sáng (Light Aperture) Tương tự như hệ thống ống kính của máy chụp hình, nó được đặt ngay tại ngõ ra của bầu tăng quang nhằm thay đổi số lượng ánh sáng đi vào video camera cho từng liều chiếu cụ thể.
Chỉ định chụp DSA mạch não
Hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)

  • Video Camera: là một trong những bộ phận then chốt của hệ thống X-quang kỹ thuật số nói chung và DSA nói riêng. Nó có chức năng chính là tạo ra tín hiệu điện tử analog tỉ lệ với số lượng ánh sáng thu nhận được thông qua hệ thống ống kính (light aperture).
  • Bộ xử lý hình ảnh số: Bộ xử lý hình ảnh số là bộ phận trung tâm của hệ thống DSA. Nó thực hiện các chức năng chính như:
    • Thu nhận và số hóa hình ảnh video.
    • Lưu trữ hình ảnh số vào bộ nhớ.
    • Thực hiện các thuật toán trên hình ảnh lưu trữ.
    • Hiển thị hình ảnh trên màn hình theo dõi.
    • Lưu trữ hình ảnh và dữ liệu trong đĩa cứng hoặc đĩa quang từ.

Bộ xử lý hình ảnh thường bao gồm một vi xử lý hoặc một hệ thống điều khiển bằng máy tính để điều khiển và kiểm soát hoạt động của quá trình phát tia X, quá trình xử lý dữ liệu.

2. Nguyên lý của máy chụp mạch số hóa xóa nền

Trước khi tiến hành chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), các Bác sĩ (kỹ thuật viên) sẽ đặt một ống thông vào mạch máu thăm khám theo phương pháp Seldinger, sau đó bơm các chất cản quang qua ống thông có tác dụng làm sáng mạch máu, chất cản quang này hoàn toàn vô hại và sẽ thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu của bệnh nhân.

Khi tia X được phát ra, đi xuyên qua cơ thể người bệnh và được thu nhận bằng bầu tăng sáng (Image Intensifier). Một ống kính được đặt giữa bầu tăng sáng và video camera nhằm giới hạn cường độ ánh sáng truyền đến camera. Trước khi thực hiện thuật toán xóa nền, máy chụp hình ảnh ban đầu khi chưa tiêm thuốc cản quang. Sau đó, chất cản quang sẽ được tiêm vào mạch máu cần chụp qua ống thông luồn vào động mạch đùi qua da. Tiếp theo là quá trình thu nhận ảnh động khi chất cản quang đi vào cơ thể trong 1 đơn vị thời gian được cài đặt sẵn. Bộ phận xử lý hình ảnh sẽ lấy ảnh thu nhận được khi chưa có chất cản quang làm ảnh nền (ảnh mask) và tiến hành loại trừ ảnh nền với ảnh thu được khi có chất cản quang đó là những cấu trúc giải phẫu tĩnh giống nhau giữa 2 ảnh.

DAS
Nguyên lý của máy chụp mạch số hóa xóa nền

Như vậy nguyên lý cơ bản của hệ thống chụp DSA là dùng ánh sáng huỳnh quang và tia X chụp hình mạch máu ở những vị trí cần kiểm tra khi chưa bơm thuốc cản quang và sau khi đã bơm thuốc cản quang vào mạch máu cần chụp. Máy tính sẽ xóa mờ hình ảnh nền để làm rõ hệ thống mạch máu.

3. Khi chụp mạch số hóa xóa nền bệnh nhân cần chuẩn bị gì?

Trước khi chụp mạch số hóa xóa nền DSA, bệnh nhân phải được chuẩn bị kỹ: xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, ghi điện tâm đồ và nhịn ăn sáng.

Kỹ thuật chụp DSA là kỹ thuật chụp xâm lấn và có nguy cơ tai biến khi chụp nên phải được chỉ định chặt chẽ và được bệnh nhân hiểu quy trình kỹ thuật, đồng ý làm thủ thuật can thiệp.

Bệnh nhân được đưa một ống thông vào lòng mạch máu từ động mạch đùi (hoặc động mạch cánh tay, động mạch quay) vào đến động mạch cần đánh giá để bơm thuốc cản quang. Bệnh nhân cần phối hợp, nằm yên trong quá trình can thiệp.

Sau khi chụp, bệnh nhân sẽ được băng bó vùng bẹn, cố định bất động chân có vị trí chọc động mạch từ 8-10h.

4. Chụp mạch máu kỹ thuật số hóa xóa nền có nguy hiểm không?


Quá trình DSA thường không gây đau, lúc đầu bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu khi tiêm thuốc. Nếu bạn quá căng thẳng, các bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc an thần nhưng điều này thường không cần thiết.

Can thiệp tim mạch vành
Chụp mạch máu kỹ thuật số hóa xóa nền không gây đau đớn cho người bệnh

Một số biến chứng có khả năng xảy ra sau khi thực hiện DSA được phân loại thành biến chứng tại chỗ và toàn thân, bao gồm:

Biến chứng tại chỗ (tại vị trí tiêm):

  • Hình thành cục máu đông
  • Tổn thương mô lân cận
  • Giả phình mạch
  • Rò động tĩnh mạch

Biến chứng toàn thân:

  • Dị ứng thuốc cản quang
  • Tắc mạch do huyết khối
  • Tắc mạch do khí
  • Bóc tách mạch máu (vessel dissection)
  • Giảm chức năng, suy thận

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

854 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan