Những điều cần biết về chụp cộng hưởng từ lồng ngực

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, BS.Trần Như Tú - Trưởng khoa và Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Chụp cộng hưởng từ lồng ngực là kỹ thuật ghi hình lồng ngực bằng máy chụp nhằm chẩn đoán những bệnh lý phổi, màng phổi, trung thất, các mạch máu, tim, thành ngực giúp các bác sĩ nắm được kết quả và đưa ra phương hướng điều trị bệnh tốt nhất.

1.Chụp cộng hưởng từ lồng ngực

Chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật hình ảnh có sử dụng sóng radio và từ trường để ghi hình các chi tiết cấu trúc bên trong cơ thể. Cộng hưởng từ không sử dụng bức xạ điện từ như trong chụp X-quang hay chụp CT nên hoàn toàn không gây hại cho cơ thể. Theo đó, chụp cộng hưởng từ cho hình ảnh chất lượng cao có độ phân giải và độ tương phản tốt, giúp cho bác sĩ đánh giá được chi tiết các phần cơ thể và chẩn đoán bệnh lý chính xác tốt hơn so với các kỹ thuật hình ảnh khác như X-quang, siêu âm, và chụp CT.

Chụp cộng hưởng từ lồng ngực là một kỹ thuật ghi lại hình ảnh lồng ngực nhằm chẩn đoán một số bệnh lý phổi, lồng ngực, tim,... Nếu trước đây để chụp hình ảnh đánh giá lồng ngực lồng ngực tương đối khó khăn vì hơi thở và tim luôn chuyển động thì hiện nay, người bệnh chỉ cần nín thở trong một khoảng thời gian ngắn, máy chụp cộng hưởng từ MRI sẽ nhanh chóng chụp được hình ảnh với chất lượng chi tiết và sắc nét, giúp bác sĩ đưa ra phương hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Do đó, sự ra đời của loại máy chụp MRI đã mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, ví dụ như:

  • Không ảnh hưởng bởi tia xạ và ảnh hưởng về mặt sinh học
  • Thu được hình ảnh chụp đa mặt phẳng: dọc, nghiêng, hay ngang
  • Hiển thị hình ảnh sắc nét
  • Mô mềm có độ phân giải cao
  • Kỹ thuật chụp không xâm lấn
  • Ít nhất xảy ra tác dụng do chất tương phản
  • Khảo sát mạch máu mà không cần dùng chất đối quang
chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ rất an toàn cho sức khỏe

2. Chỉ định và chống chỉ định chụp cộng hưởng từ lồng ngực

Là một phương pháp chẩn đoán bệnh hiện đại, đem lại nhiều lợi ích nhưng phương pháp này cũng sẽ được bác sĩ chỉ định và chống chỉ định với các trường hợp sau đây:

2.1 Chỉ định chụp cộng hưởng từ lồng ngực

Một số trường hợp chỉ định chụp cộng hưởng từ lồng ngực bao gồm:

  • Trường hợp nghi ngờ các tổn thương thành ngực, tim, phổi, trung thất...
  • Chẩn đoán khối u lồng ngực
  • Đánh giá một cách chính xác giai đoạn phát triển của khối u
  • Đánh giá phình động mạch chủ, dòng chảy
  • Đánh giá khối hạch trung thất
  • Nghi ngờ tổn thương ở thành ngực trung thất, phổi, tim

2.2 Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ lồng ngực

  • Người có mang trong mình các thiết bị điện tử hoặc có kim loại
  • Người mắc bệnh không thể thiếu bị hồi sức ở bên cạnh
  • Đang sử dụng kẹp phẫu thuật bằng kim loại
  • Sợ bóng tối, lồng kính, cô độc cần động viên hoặc dùng an thần.

3. Các bước tiến hành chụp cộng hưởng từ lồng ngực

Chuẩn bị tư thế người bệnh

  • Người bệnh được nằm ngửa trên bàn chụp
  • Lựa chọn và định vị cuộn thu tín hiệu
  • Di chuyển bàn chụp vào khoang máy và định vị vùng chụp
  • Điều chỉnh bộ điều khiển để chụp theo nhịp thở, giảm nhiễu ảnh, nếu tổn thương ở thành ngực có thể người bệnh nghiêng về bên tổn thương để tránh nhiễu ảnh do thở.

Kỹ thuật thực hiện

  • Chụp định vị lấy toàn bộ lồng ngực từ nền cổ đến hết cơ hoành theo 3 hướng.
  • Chụp chuỗi xung T2W đứng ngang và cắt ngang: từ đỉnh phổi đến góc sườn hoành, lớp cắt 6 -8mm, khoảng cách 10 -20% lớp cắt, FOV 380 -400, có thể chắn từ nếu cần, pha chênh từ LR (trái – phải).
  • Chụp chuỗi xung T1W cắt ngang tương tự như T2W cắt ngang.
  • In phim hoặc chuyển ảnh sang trạm làm việc của bác sỹ.
  • Bác sĩ phân tích hình ảnh và chẩn đoán.

Chụp cộng hưởng từ lồng ngực sẽ thấy rõ các cấu trúc giải phẫu của lồng ngực và các cơ quan trong lồng ngực, đồng thời phát hiện các tổn thương, các bệnh lý về phổi nếu có.

Nếu bệnh nhân kích thích hay lo lắng khi chụp, các bác sĩ cũng như kỹ thuật viên thực hiện cần động viên, an ủi người bệnh hoặc có thể cho thuốc an thần với sự theo dõi của bác sĩ gây mê.

Khác với quan niệm chỉ dùng X quang và CT scanner cho các thăm khám vùng lồng ngực, phương pháp chụp cộng hưởng từ lồng ngực ngày càng được sử dụng rộng rãi trong thăm khám lồng ngực nhằm chẩn đoán những bệnh lý phổi, thành ngực, trung thất, mạch máu để chẩn đoán và có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Phổi là một cơ quan quan trọng bậc nhất của con người, vì thế việc thăm khám sớm sẽ phát hiện được bệnh lý (nếu có), từ đó các phương thức điều trị cũng trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn so với giai đoạn muộn.

Chụp cộng hưởng từ có hại không
Chụp cộng hưởng từ ở Vinmec an toàn bậc nhất hiện nay bởi sự chính xác, không xâm lấn và không dùng tia X.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan