Nhiễm trùng đường tiết niệu trên bệnh nhân đái tháo đường

Bài được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phan Phi Tuấn - Trưởng khoa và Bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Ở bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, vi khuẩn có thể xâm nhập bằng nhiều con đường khác nhau như đường ngược dòng từ niệu đạo, đường bạch huyết, đường máu và đôi khi do chính thủ thuật y khoa gây nên. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta cũng có nhiều cơ chế chống đỡ với tình trạng này. Khi bị đái tháo đường lâu ngày, các cơ chế đề kháng chống nhiễm trùng cũng suy giảm như giảm trương lực bài tiết, rối loạn thần kinh ở bàng quang gây ứ đọng nước tiểu.... và khi nhiễm trùng đường huyết lại tăng lên, làm nặng thêm bệnh lý đái tháo đường trước đó.

1. Biến chứng của đái tháo đường lên nhiễm trùng đường tiết niệu

Biến chứng đáng sợ của nhiễm trùng đường tiết niệu trên bệnh nhân đái tháo đường là hoại tử gai thận do tắc nghẽn động mạch nuôi thận làm thiếu máu cục bộ gai thận, gây ra hoại tử gai thận. Những nhu mô hoại tử trên có thể được đào thải theo đường tiết niệu nhưng đôi khi cũng bị chặn lại, gây ứ nước làm nặng thêm cả quá trình nhiễm trùng và hoại tử gai thận.

Bệnh cảnh hoại tử gai thận thường gặp có một số triệu chứng như: thiểu niệu hay vô niệu do bế tắc đường bài tiết trong thận, nhiễm trùng huyết, viêm thận bể thận nặng. Đôi khi biểu hiện nhẹ nhàng hơn với đau thắt lưng, đái máu nhẹ và từ từ suy giảm chức năng thận.

Bệnh cảnh hoại tử gai thận
Bệnh cảnh hoại tử gai thận

Một dạng đáng sợ khác là viêm thận bể thận sinh hơi. Khoảng 90 – 95% số bệnh nhân có tình trạng đái tháo đường (đặc biệt bệnh nhân chưa kiểm soát được đường huyết). Các vi khuẩn lên men đường tạo ra hơi và gây viêm hoại tử mô thận rất nhanh, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn thân. Bệnh diễn tiến âm thầm nhưng chuyển nặng rất nhanh (giai đoạn III, IV), có nguy cơ tử vong rất cao (khoảng 60 – 70%), đặc biệt nếu không phẫu thuật cắt thận cấp cứu và hồi sức tích cực kịp thời.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dạng lâm sàng nhẹ hơn, tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu trên bệnh nhân bình thường với biểu hiện:

  • Cảm giác buồn tiểu thường xuyên.
  • Đau rát bàng quang hoặc niệu đạo khi đi tiểu.
  • Nước tiểu có màu đục hoặc hơi đỏ.
  • Phụ nữ cảm thấy áp lực ở phía trên xương mu.
  • Nam giới cảm thấy đầy ở trực tràng.

Tuy nhiên, diễn tiến trở nặng rất nhanh nếu ta không cảnh giác. Vì vậy, khi có các biểu hiện nhiễm trùng đường tiết niệu như trên ở bệnh nhân bị đái tháo đường cần nhanh chóng đi khám bệnh và có hướng điều trị hợp lý.

Đau bụng dưới
Người bệnh xuất hiện triệu chứng đau rát bàng quang

2. Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu trên bệnh nhân đái tháo đường

Dạng nhiễm trùng đường tiết niệu thông thường có thể được điều trị bằng kháng sinh và hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi sau vài ngày điều trị. Đối với những trường hợp nặng hơn như nhiễm trùng đường tiết niệu trên, việc điều trị bằng kháng sinh có thể kéo dài đến vài tuần. Đối với những bệnh cảnh như viêm thận – bể thận sinh hơi nặng nề, cần cân nhắc khả năng cắt thận để cứu sống bệnh nhân.

Các thuốc giảm đau khớp gối thường dùng
Sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

3. Phương pháp dự phòng

Kiểm soát đường huyết ổn định rất cần thiết để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu. Bên cạnh đó, một số lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày như uống nhiều nước hơn, đi tiểu bất cứ khi nào muốn đi, đi tiểu sau khi quan hệ tình dục, tập thể dục, giảm cân nếu béo phì... cũng là những cách phòng ngừa hiệu quả.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan