Nhiễm khuẩn tiết niệu do trực khuẩn gram âm sinh men β-lactamase phổ rộng (Enterobacteriaceae ESBL+)

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn đến một số biến chứng rất nguy hiểm như viêm thận, bể thận cấp tính như suy thận, áp-xe quanh thận. Đặc biệt viêm đường tiết niệu cũng có thể đưa đến nhiễm khuẩn huyết là một bệnh cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng,... Do đó việc chẩn đoán và điều trị bệnh sớm là vô cùng quan trọng.

1. Định nghĩa

1.1. Nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN)

Đây là một bệnh khá phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới. Bệnh có thể gặp cả phần trên (thận) và cả phần dưới (niệu quản, bàng quang và niệu đạo) của hệ tiết niệu.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bất cứ một bộ phận nào trong hệ tiết niệu từ thận, niệu quản cho đến bàng quang và niệu đạo. Vi khuẩn phát triển và gây nhiễm khuẩn cho nước tiểu, dẫn đến hiện tượng viêm nhiễm đến một trong các cơ quan của hệ tiết niệu. Bao gồm:

1.2. Đối tượng

Bệnh gặp ở mọi đối tượng, tuy nhiên thường gặp nhất ở phụ nữ và trẻ em gái. Do niệu đạo của nữ ngắn và ở gần hậu môn hơn, nên vi khuẩn từ ruột theo phân ra và cư trú tại hậu môn dễ dàng xâm nhập vào niệu đạo hơn.

Đặc biệt có đến 50% ở những phụ nữ mới lập gia đình bị nhiễm trùng đường tiết niệu thông qua quan hệ tình dục vào những lần đầu. Khi giao hợp, do vi khuẩn có sẵn ở phần âm hộ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để xâm nhập vào niệu đạo.

Viêm đường tiết niệu khiến nước tiểu có mùi hôi và màu vàng
Nhiễm khuẩn tiết niệu thường gặp ở phụ nữa và trẻ em gái

Đối với phụ nữ mãn kinh vì thiếu hụt estrogen nên màng nhầy thường bị khô và vi khuẩn Doderlein là vi khuẩn có lợi chống lại các vi khuẩn gây bệnh ở vùng âm hộ sẽ bị khan hiếm. Các vi khuẩn gây bệnh viêm đường tiết niệu sẽ phát triển nhanh.

Đối với người cao tuổi, do sức đề kháng giảm như trong bệnh đái tháo đường và những người mắc chứng sa sút trí tuệ đi tiểu không kiểm soát được nên dễ bị viêm đường tiết niệu ngược dòng.

Một số trường hợp dòng chảy của nước tiểu cản trở, gặp ở một số bệnh u tiền liệt tuyến, chấn thương cột sống, nằm lâu do bại liệt hoặc do bất động bởi cố định xương (do gãy cổ xương đùi hay gặp ở người cao tuổi). Đây cũng là điều kiện thuận lợi dẫn đến nước tiểu bị nhiễm khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Các nguyên nhân nội sinh như sỏi đường tiết niệu, cũng như một số nguyên nhân ngoại sinh như nong niệu đạo, mổ lấy sỏi hoặc mổ u xơ tiền liệt tuyến bị bội nhiễm, viêm tiền liệt tuyến cũng gây nên viêm đường tiết niệu.

Đặc biệt việc đặt ống thông tiểu kéo dài cũng gây nguy cơ cao bị nhiễm trùng tiểu ngược dòng.

1.3. Các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu

  • Biểu hiện tại chỗ: đi tiểu nhiều lần, tiểu khó và có thể tiểu đau như cảm thấy buốt, rát khi đi tiểu.

Ngoài ra bệnh nhân có thể cảm thấy đau vùng hông lưng do viêm đường tiết niệu tại thận hoặc vùng hạ vị do viêm bàng quang. Nếu viêm đường tiết niệu do có vật cản như sỏi đường tiết niệu thì thường kèm theo đau lưng hoặc có cơn đau quặn thận có thể bị đái dắt, đái buốt...

  • Biểu hiện toàn thân thường có sốt và rét run

Nước tiểu thường đục, có mủ hoặc có mùi khó chịu. có thể màu hồng (đái ra máu đại thể).

tiểu khó
Tiểu khó kèm theo sốt và rét run có thể là triệu chứng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu

2. Cấy nước tiểu, một xét nghiệm cần thiết trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu

2.1. Nguyên tắc chung

Cấy nước tiểu là phương pháp nuôi cấy mẫu nước tiểu của người bệnh để phát hiện sự có mặt của vi khuẩn gây bệnh.

Phải đảm bảo quy tắc vô trùng tuyệt đối khi lấy bệnh phẩm nước tiểu. Nếu lấy bệnh phẩm nước tiểu không đúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xét nghiệm

Nước tiểu nuôi cấy cần được vận chuyển nhanh chóng về phòng xét nghiệm để tiến hành kỹ thuật. Tại đây sẽ tiến hành kỹ thuật nuôi cấy, định danh vi khuẩn có trong mẫu nước tiểu, và nếu phân lập được vi khuẩn gây bệnh khi có trên 105 vi khuẩn gây bệnh /1 ml thì chắc chắn có nhiễm khuẩn tiết niệu. Nếu lấy nước tiểu trực tiếp từ bàng quang (bằng kim chọc không phải dùng sonde) thì chỉ cần 102 đến 103/vi khuẩn/ml cũng có thể nhiễm khuẩn tiết niệu.

Tiến hành làm kháng sinh đồ để xác định tình trạng nhạy cảm và đề kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh

2.2. Kết quả cấy nước tiểu có ý nghĩa như thế nào trong nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Việc định danh vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ thông qua xét nghiệm cấy nước tiểu sẽ giúp bác sĩ nắm rõ được tình trạng của bệnh nhân, xác định nguyên nhân và tìm ra các kháng sinh đặc hiệu đối với vi khuẩn gây bệnh, đó giúp cho việc điều trị chính xác và hiệu quả.

Phương pháp lựa chọn kháng sinh thích hợp nhất là dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ. Sau khi cấy nước tiểu xác định được vi khuẩn gây bệnh và đánh giá mức độ nhạy cảm của vi khuẩn với một số thuốc kháng sinh, từ đó lựa chọn kháng sinh nhạy cảm nhất, dễ hấp thu, ít tác dụng phụ nhất, sẵn có và cân nhắc cả về vấn đề kinh tế.

Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm cấy nước tiểu giúp bác sĩ nắm rõ được tình trạng bệnh nhân để có pháp đồ điều trị thích hợp

Tùy theo vị trí nhiễm khuẩn thấp hay cao (viêm bàng quang hay viêm thận - bể thận), mức độ nặng hay nhẹ, tính chất cấp tính hay mạn tính và chủng vi khuẩn gây bệnh mà có những biện pháp điều trị khác nhau.

Kết hợp điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ khác ví dụ như các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu thấp thường dùng kháng sinh đường uống kết hợp với thuốc sát khuẩn tại chỗ.

Kết quả được coi là âm tính khi theo dõi sau 48h nuôi cấy nước tiểu và không thấy vi khuẩn gây bệnh mọc. Điều này có thể hiểu rằng bệnh nhân không có nhiễm trùng tiết niệu hoặc tác nhân nhiễm trùng là loại vi khuẩn đặc biệt khó nuôi cấy bằng phương pháp thông thường như: M. Tuberculosis, C. trachomatis, Mycoplasma...

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan