Nhiễm Clostridium Difficile gây ra bệnh đường ruột

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Thuốc kháng sinh thường được dùng trong việc điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Trong một số trường hợp, bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến tình trạng nhiễm Clostridium Difficile gây ra bệnh đường ruột. Vậy nhiễm Clostridium Difficile là bệnh gì?

1. Nhiễm Clostridium Difficile là bệnh gì?

Nhiễm Clostridium Difficile (hay còn gọi là C-Difficile hoặc C.diff) là tình trạng nhiễm khuẩn gây ra các bệnh liên quan đến đường ruột với mức độ nghiêm trọng từ tiêu chảy nhẹ đến viêm ruột (bệnh viêm đại tràng giả mạc), thậm chí gây tử vong. Một trong các bệnh đường ruột phổ biến nhất xảy ra sau khi sử dụng kháng sinh chính là nhiễm trùng đường ruột.

Vi khuẩn Clostridium Difficile tồn tại trong đất, nước, không khí và cả trong phân động vật và người. Trong ruột non của người cũng có vi khuẩn C.diff tuy nhiên không gây triệu chứng bất thường nào.

Một người có thể nhiễm vi khuẩn C.diff nếu có sự tiếp xúc trực tiếp với quần áo, chăn hoặc bề mặt dính phân của người nhiễm bệnh. Sau đó có thể vô tình để vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể thông qua đường mũi hoặc miệng.

bệnh đường ruột
Vi khuẩn Clostridium Difficile thâm nhập vào cơ thể qua đường mũi hoặc miệng

2. Các trường hợp có nguy cơ cao nhiễm C.diff

Những bệnh nhân lớn tuổi đang được điều trị kháng sinh tại các cơ sở chăm sóc y tế là những người có nguy cơ cao nhiễm C.diff. Trong cơ thể con người có vô vàn những loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm cả vi khuẩn có lợi và có hại. Trong trường hợp kháng sinh tiêu diệt một lượng vi khuẩn có lợi nhất định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Clostridium Difficile phát triển không kiểm soát, cuối cùng phát bệnh.

Không chỉ người già mà một số người trẻ tuổi cũng có khả năng bị nhiễm C.diff, thậm chí ngay cả khi họ không điều trị kháng sinh ở các cơ sở chăm sóc y tế. Nguyên nhân nhiễm vi khuẩn có thể là do việc không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi phơi nhiễm với vi khuẩn C.diff.

Các bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột, ung thư đại tràng, suy giảm miễn dịch do điều trị ung thư và một số bệnh lý khác cũng làm gia tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn C.diff.

3. Triệu chứng của nhiễm C.diff là gì?

Triệu chứng của nhiễm C.diff là gì? Một số dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm C.diff bao gồm:

  • Đi ngoài trên 10 lần một ngày;
  • Xuất hiện những cơn đau bụng quặn thắt;
  • Sốt;
  • Có cảm giác buồn nôn, nôn;
  • Chán ăn dẫn đến sụt cân;
  • Mất nước;
  • Tim đập nhanh.
Đau bụng, đi ngoài kèm sốt sau khi ăn có nguy hiểm không?
Đi ngoài nhiều lần cũng có thể là triệu chứng của nhiễm C.diff

Trong đó tiêu chảy lỏng nhiều lần trong một ngày là triệu chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân nhiễm C.diff. Khi một người nhiễm Clostridium Difficile, phân đi ngoài thường có mùi rất nặng và hôi, nếu bị nhiễm trùng nặng có thể kèm theo máu hoặc mủ trong phân.

Giai đoạn đầu khi điều trị với kháng sinh, người bệnh có thể gặp hiện tượng tiêu chảy nhẹ do nhiễm C.difficile gây ra. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và liên tục (với tần suất nhiều hơn 3 lần/ ngày, kéo dài hơn 2 ngày) thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám ngay.

4. Chẩn đoán nhiễm Clostridium Difficile

Sau khi xem xét bệnh sử và thăm khám lâm sàng, trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân nhiễm Clostridium Difficile, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm như:

  • Enzyme Immunoassay
  • Polymerase Chain Reaction
  • GDH/EIA
  • Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân

Ngoài ra, nếu bác sĩ nghi ngờ có vấn đề bất thường liên quan đến đại tràng của người bệnh, bệnh nhân có thể được đề nghị chụp cắt lớp CT, chụp X-quang hoặc nội soi đại tràng.

5. Điều trị nhiễm Clostridium Difficile

Đầu tiên, bệnh nhân nhiễm Clostridium Difficile sẽ được bác sĩ yêu cầu tạm ngưng dùng thuốc kháng sinh. Sau đó, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc kháng sinh mới thay thế như vancomycin hoặc metronidazole. Các kháng sinh này có nhiệm vụ giúp ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn C.diff đồng thời thúc đẩy các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển.

kháng sinh
Bệnh nhân nhiễm Clostridium Difficile sẽ sử dụng kháng sinh mới theo đơn của bác sĩ

Sau khi điều trị, tình trạng sốt sẽ chấm dứt (sau 2 – 3 ngày) và người bệnh sẽ hết bị tiêu chảy (sau 3 – 4 ngày). Trường hợp bệnh nhân bị mất nước do tiêu chảy nhiều sẽ được uống dung dịch Oresol hoặc truyền dịch.

Khi nhiễm trùng diễn tiến đến mức độ nghiêm trọng có thể cần đến sự can thiệp của các biện pháp điều trị khác như dùng men vi sinh probiotics hay tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng bị viêm. Với việc dùng men vi sinh sẽ kích thích sự phát triển và phục hồi sự cân bằng các vi sinh vật có lợi trong đường ruột.

Người bệnh cần lưu ý theo dõi tình trạng bệnh sát sao bởi bệnh rất dễ tái phát và lần sau thường nghiêm trọng hơn lần trước.

6. Hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm Clostridium Difficile

Để có thể kiểm soát được các bệnh đường ruột gây ra do nhiễm vi khuẩn Clostridium Difficile, người bệnh cần lưu ý có chế độ sinh hoạt khoa học, hợp lý và đảm bảo vệ sinh:

  • Rửa tay với nước sạch và xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tuân thủ liều lượng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngưng hoặc tăng liều cho đến khi hết bệnh.
  • Chế độ dinh dưỡng đảm bảo: uống nhiều nước hoặc nước trái cây pha loãng.
  • Khi bị tiêu chảy thì nên ăn các loại thực phẩm giàu tinh bột.

Nhiễm Clostridium Difficile nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các bệnh đường ruột, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Do đó, người bệnh khi có các triệu chứng nghi ngờ kể trên thì nên gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chẩn đoán sớm, tránh tình trạng phát hiện khi bệnh đã trở nặng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

12.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan