Nhận biết sớm bệnh thiên đầu thống

Bệnh thiên đầu thống có thể khiến người bệnh bị mất thị lực vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây là bệnh gây tỷ lệ mù cao thứ hai sau đục thủy tinh thể. Bệnh có yếu tố di truyền nên cần đi khám chuyên khoa mắt định kỳ để nhận biết sớm, kịp thời điều trị, làm chậm tiến triển của bệnh.

1. Bệnh thiên đầu thống là gì?

Bệnh thiên đầu thống hay cườm nước có tên Tiếng Anh là bệnh Glocom.

Đây là một bệnh lý khiến tổn hại thần kinh thị giác do tăng áp lực trong mắt (tăng nhãn áp glocom). Nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khiến dây thần kinh thị giác tổn thương ngày càng nặng và cuối cùng sẽ làm mất thị lực vĩnh viễn.

Tăng nhãn áp glocom
Bệnh thiên đầu thống là một bệnh lý khiến tổn hại thần kinh thị giác do tăng áp lực trong mắt (tăng nhãn áp glocom)

2. Dấu hiệu của bệnh thiên đầu thống

Bệnh thiên đầu thống được chia thành hai thể là thiên đầu thống góc đóng và thiên đầu thống góc mở. Trong giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh không rõ ràng, khó phát hiện vì vậy người bệnh thường không để ý. Chỉ đến giai đoạn 2, người bệnh mới có những biểu hiện:

Đột ngột bị đau nhức mắt dữ dội là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo người bệnh mắc bệnh thiên đầu thống. Triệu chứng bệnh thường xảy ra vào tầm buổi chiều tối với những biểu hiện đi kèm với đau nhức mắt dữ dội:

  • Đau, nhức mắt ở xung quanh hốc mắt.
  • Đau nhức vùng nửa đầu cùng bên mắt, tầm nhìn bị thu hẹp.
  • Đau đầu âm ỉ.
  • Mờ mắt, nhìn vào đèn điện thấy có quầng xanh đỏ, cảm giác bị sưng.
  • Mắt đỏ, chảy nước mắt, mi mắt bị sưng.
  • Đôi khi có bệnh nhân bị sợ ánh sáng.
  • Buồn nôn.
  • Giác mạc phù nề mờ đục, nhãn cầu cứng căng như hòn bi, tiền phòng nông, đồng tử giãn méo mó, mất phản xạ ánh sáng, thể thủy tinh bị phù nề có màu xanh lơ, xuất hiện dịch kính.
  • Con ngươi giãn to hơn bình thường.
  • Khi bị tăng nhãn áp glocom, nhãn áp cao trên 25 mmHg, tầm nhìn bị thu hẹp lại, lõm đĩa thần kinh thị giác.

Khi xuất hiện những dấu hiệu của thể thiên đầu thống cấp trên, nếu không nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế, bệnh viện kịp thời, người bệnh có thể mù vĩnh viễn chỉ sau khi xuất hiện các triệu chứng trên trong vài ngày.

3. Đối tượng mắc bệnh thiên đầu thống

Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, tuy nhiên theo thống kê, bệnh thường xảy ra ở phụ nữ. Phụ nữ có nguy cơ bị bệnh thiên đầu thống cao gấp 2 lần so với nam giới. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 35 tuổi trở lên.

thiên đầu thống
Bệnh có thể xuất hiện ở cả nam và nữ, tuy nhiên theo thống kê, bệnh thường xảy ra ở phụ nữ

4. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh thiên đầu thống

4.1. Bệnh thiên đầu thống có nguy hiểm không?

Bệnh thiên đầu thống rất nguy hiểm, đây là bệnh lý gây mù lòa cao thứ hai chỉ sau đục thủy tinh thể.

Thêm vào đó, không một loại thuốc hay ca phẫu thuật nào có thể điều trị và phục hồi hoàn toàn những tổn thương do bệnh thiên đầu thống gây ra.

4.2. Nguyên nhân gây ra bệnh thiên đầu thống là gì?

Cho đến hiện tại, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh thiên đầu thống, tuy nhiên có thể liệt kê một số nguyên nhân sau đây:

  • Di truyền: Gia đình có người thân từng bị bệnh thiên đầu thống.
  • Sử dụng thuốc corticoid kéo dài.
  • Trong cơ thể mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp, huyết áp thấp, tiểu đường, các tổn thương, bệnh lý sẵn về mắt.
  • Tăng nhãn áp glocom cao trên 25 mmHg.
  • Ngoài ra những người hay xúc cảm, hay lo lắng cũng là yếu tố thuận lợi gây nên bệnh thiên đầu thống.

4.3. Bệnh thiên đầu thống có thể khỏi hoàn toàn sau khi điều trị?

Bệnh thiên đầu thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy vậy, nếu điều trị đúng và kịp thời sẽ giúp nhãn áp được ổn định, không làm tổn thương tới thần kinh thị giác.

Khi được phát hiện kịp thời, bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và sử dụng thuốc hạ nhãn áp tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ của người bệnh. Do bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nên bệnh nhân sẽ cần phòng ngừa, điều trị lâu dài bằng thuốc để ngăn chặn, không gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác.

Vì không thể chữa khỏi hoàn toàn nên mục đích điều trị bệnh thiên đầu thống là nhằm ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác gây mù lòa vĩnh viễn.

thuốc mắt nhỏ thuốc mắt
Khi được phát hiện kịp thời, bệnh nhân sẽ được bác sĩ điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và sử dụng thuốc hạ nhãn áp

4.4. Cách phòng ngừa bệnh thiên đầu thống như thế nào?

  • Đi khám tổng quát định kỳ 6 tháng 1 lần. Nếu bị tiểu đường hay cao huyết áp, nên đi khám 3 tháng 1 lần để phát hiện bệnh sớm.
  • Nếu gia đình từng có người bị bệnh thiên đầu thống, cần đưa người thân đi khám chuyên khoa mắt để phòng ngừa nguy cơ.
  • Không tự ý mua, sử dụng thuốc hay thuốc nhỏ mắt mà không theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tái khám định kỳ 3 tháng 1 lần với những người từng bị thiên đầu thống để bác sĩ kịp thời xử trí nếu bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng.

Hiện nay chưa có một phương pháp để điều trị triệt để bệnh thiên đầu thống. Vì vậy để kiểm soát được tình hình bệnh, người bệnh tốt nhất phải đi khám định kỳ, xử lý bằng uống thuốc, có thể phẫu thuật, điều trị bằng laser,...tùy theo mức độ tiến triển bệnh.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện và phòng khám thuộc hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Website để được phục vụ tốt nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán glocom

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: matsaigon.com, bvxanhpon.vn, bvdkbacninh.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan