Nguyên nhân gây phù nề cơ thể

Bị phù nề có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh. Phù có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, tuy nhiên, vị trí bị phù thường gặp là bọng mắt, tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và chân.

1. Thế nào là bị phù?

Phù là tình trạng sưng do lượng dịch bên trong cơ thể bị dư thừa và mắc kẹt giữa các mô. Lượng dịch này do các mao mạch bị tổn thương, gây rò rỉ và giải phóng dịch ra các mô xung quanh - khoảng giữa các tế bào. Phù có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, tuy nhiên, vị trí bị phù thường gặp là bọng mắt, tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và chân.

Phù chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi và phụ nữ đang mang thai, tuy nhiên bất cứ ai cũng có thể bị phù.

2. Biểu hiện bị phù

Tùy vào nguyên nhân gây phù và vị trí bị phù, cơ thể sẽ có biểu hiện phù nề khác nhau, trong đó, sưng, đau là hai biểu hiện chính và phổ biến.Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy cơ thể bị phù:

  • Da sưng, căng lên và có màu sáng hơn.
  • Dùng tay ấn nhẹ thấy da bị lõm vào trong, phải mất khoảng vài giây mới quay về trạng thái ban đầu.
  • Sưng ở bọng mắt, mặt hoặc mắt cá chân.
phù chân
Mắt cá chân bị sưng

  • Đau khớp và khắp cơ thể.
  • Tăng hoặc giảm cân
  • Quan sát tĩnh mạch ở tay và cổ sẽ thấy hiện rõ và đầy đủ hơn bình thường.
  • Người bị phùnhịp timhuyết áp cao hơn bình thường.
  • Đau đầu, rối loạn thị giác, hay quên.
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn, thay đổi thói quen đại tiện.

3. Các nguyên nhân khiến cơ thể bị phù nề

Phù có thể do các vấn đề về tuần hoàn, nhiễm trùng, chết mô, suy dinh dưỡng, bệnh thận, quá tải dịch cơ thể và các vấn đề về điện giải. Có nhiều nguyên nhân có thể khiến cơ thể bị phù, bao gồm:

  • Suy tim: Khi một hoặc cả hai buồng dưới của tim không thể bơm máu đúng cách, máu có thể tích tụ ở các chi và gây phù.
  • Bệnh thận: Khi thận bị tổn thương, chức năng lọc và loại bỏ dịch của thận bị ảnh hưởng, gây áp lực lên các mạch máu và khiến dịch bị rò rỉ ra ngoài. Người bị thận có thể bị phù ở mắt và chân. Đặc biệt, tổn thương cầu thận có thể dẫn đến hội chứng thận hư, làm giảm nồng độ albumin protein trong máu và gây phù nề.
  • Bệnh gan: Các bệnh lý về gan, trong đó có xơ gan, làm suy giảm chức năng gan và gây ra những thay đổi trong việc tiết hormone, các chất điều chỉnh chất lỏng và giảm sản xuất protein. Điều này làm cho chất lỏng rò rỉ ra khỏi các mạch máu vào các mô xung quanh. Xơ gan cũng làm tăng áp lực trong tĩnh mạch đưa máu từ ruột, lách và tuyến tụy đến gan, gây ra phù từ khoang bụng đến chân.
Gan, tổn thương gan
Một số bệnh lý ở gan khiến cơ thể bị phù nề

  • Thai kỳ: Khi mang thai, cơ thể tiết ra các hormone kích thích giữ lại natri và nước nhiều hơn bình thường, khiến các vùng mặt, tay, chân bàn chân có thể bị phù và sưng. Bên cạnh đó, tử cung mở rộng gây áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, làm tắc nghẽn các tĩnh mạch đùi và dẫn đến phù nề. Khi mang thai, máu đông dễ dàng hơn và làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu gây ra phù. Tiền sản giật do tăng huyết áp khi mang thai, hoặc bệnh huyết áp cao cũng có thể gây phù.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống quá nhiều muối hoặc tiêu thụ ít vitamin B1, B6, B5, suy dinh dưỡng (thiếu protein) có thể làm tăng nguy cơ phù.
  • Bệnh đái tháo đường: Các biến chứng của bệnh đái tháo đường bao gồm tim mạch, suy thận cấp, suy gan cấp, bệnh lý mất protein và một số loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến tình trạng cơ thể bị phù, sưng ở võng mạc.

  • Phù não: Một số nguyên nhân gây sưng phù trong não bao gồm chấn thương, u não, đột quỵ. Chấn thương ở đầu và khối u trong não sẽ gây ra tình trạng tích tụ nước và dẫn đến phù.
  • Dị ứng: Một số người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với một số loại thực phẩm hoặc côn trùng. Sưng phù nặng ở mặt và da là dấu hiệu của sốc phản vệ. Nếu sưng ở cổ họng có thể gây ngạt thở, rất nguy hiểm đến tính mạng.
  • Tắc nghẽn mạch máu ở tứ chi: Bất kỳ sự tắc nghẽn nào ở tứ chi bao gồm các bệnh giãn tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu, khối u, phù bạch huyết ở cẳng chân đều có thể cản trở sự lưu thông của máu tạo ra áp lực lên tĩnh mạch, gây rò rỉ dịch và khiến chân bị phù.
  • Các nguyên nhân khác: Ngồi, nằm, đứng quá lâu, trong một thời gian dài có thể gây phù. Bị bỏng, nhiễm trùng hoặc viêm ở các mô gây ra phản ứng tiết dịch vào khoảng giữa các tế bào và gây phù toàn thân. Sự thay đổi nồng độ hormone trong các giai đoạn tiền kinh nguyệt, kinh nguyệt và mãn kinh đều có thể gây ứ nước và dẫn đến phù nề cơ thể. Hoặc các bệnh lý liên quan đến hormone như bệnh tuyến giáp, hoặc dùng thuốc thay đổi nồng độ hormone như thuốc estrogen cũng đều gây tích tụ nước, ứ nước, khiến toàn thân bị phù.
Suy tuyến cận giáp
Người bệnh có bệnh lý tuyến giáp

4. Bị phù như thế nào thì nên đến gặp bác sĩ?

Nếu bị phù kèm theo các triệu chứng sau, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ ngay để phát hiện và chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời:

  • Thở nhanh, thở ngắn, khó thở, đau tức vùng ngực: Đây có thể là dấu hiệu của phù phổi, người bệnh cần được xử trí điều trị kịp thời.
  • Chân đau và sưng khi không hoạt động trong thời gian dài mà không khỏi: Đó có thể là dấu hiệu của chứng huyết khối tĩnh mạch sâu.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bị phù nề. Do đó, người bệnh cần theo dõi, nắm bắt biểu hiện phù và đến thăm khám bác sĩ sớm nếu bị phù trong thời gian dài, hoặc phù gây khó thở, đau ngực.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

359.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan