Nguyên nhân gây bệnh hoang tưởng lo lắng

Bệnh hoang tưởng lo lắng là một dạng bệnh tâm thần nghiêm trọng. Bệnh nhân không thể phân biệt được rõ ràng đâu là sự thật, đâu là những gì mà họ tưởng tượng ra.

1. Bệnh hoang tưởng là gì?

Bệnh hoang tưởng (rối loạn hoang tưởng) có biểu hiện đặc trưng là thường xuyên gặp ảo giác. Người bệnh tưởng tượng ra những tình huống có thật nhưng khó xảy ra (ví dụ: Bị đầu độc, bị theo dõi, được thần tượng yêu thầm,...). Sự ảo tưởng này chủ yếu liên quan tới nhận thức lệch lạc. Ngoài ra, số khác gặp tình trạng ảo tưởng kỳ quái khi bệnh nhân không ngừng tưởng tượng về những việc không thể xảy ra như: Ảo giác biến hình, lo sợ bị người ngoài hành tinh bắt cóc,...

Trong khi đó, hoạt động giao tiếp xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh hoang tưởng lo lắng gần như không có gì khác biệt so với người bình thường. Trong một số trường hợp, những ảo tưởng diễn ra thường xuyên khiến bệnh nhân có xu hướng tự thu mình vào thế giới riêng.

Bệnh rối loạn hoang tưởng thường xảy ra ở giai đoạn giữa và cuối đời. Trong đó, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới.

2. Các dạng bệnh hoang tưởng

Dựa trên biểu hiện của bệnh nhân, các chuyên gia tâm thần phân chia rối loạn hoang tưởng thành các dạng thường gặp sau:

  • Hội chứng hoang tưởng người khác yêu mình: Bệnh nhân tin rằng họ được một người nổi tiếng hoặc xuất sắc hơn họ về nhiều mặt đang yêu mình say đắm. Điều này dẫn tới hành vi rình rập, cố gắng liên lạc với đối tượng đó;
  • Rối loạn hoang tưởng ghen tuông: Người bệnh bị ám ảnh bởi sự phản bội, luôn nghi ngờ về lòng chung thủy của người yêu, bạn đời. Họ sẽ làm mọi cách để chứng minh rằng điều họ nghĩ là đúng;
  • Bệnh vĩ cuồng: Bệnh nhân có nhận thức quá mức về sức mạnh, giá trị, kiến thức của bản thân. Họ luôn tin rằng mình có tài năng tuyệt vời, được nhiều người ngưỡng mộ;
  • Hoang tưởng truy đuổi: Người bệnh luôn sợ hãi, lo âu vì nghĩ rằng bản thân hoặc những người xung quanh đang bị theo dõi, ngược đãi hoặc ám hại. Vì vậy, họ có xu hướng báo cáo cho cơ quan pháp lý mà không có bằng chứng xác thực;
  • Rối loạn dạng cơ thể: Là tình trạng một người cảm thấy lo lắng cực độ về những triệu chứng thể chất. Người bệnh cũng tin rằng bản thân có quá nhiều khiếm khuyết trên cơ thể;
  • Rối loạn hỗn hợp: Bệnh nhân có trên 2 dạng rối loạn hoang tưởng kể trên.

Bên cạnh đó, người bị rối loạn hoang tưởng còn có các triệu chứng đặc trưng như: Thường xuyên tức giận, khó chịu, tâm trạng tồi tệ,... Bệnh nhân nhìn thấy hoặc nghe thấy những gì bản thân cho là có.

bệnh hoang tưởng lo lắng
Bệnh hoang tưởng lo lắng là một dạng bệnh tâm thần nghiêm trọng

3. Nguyên nhân gây bệnh hoang tưởng

Nguyên nhân chính xác gây bệnh hoang tưởng lo lắng vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, các nhà tâm thần học đang xem xét một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Di truyền: Nhiều nghiên cứu cho thấy chứng rối loạn hoang tưởng xảy ra phổ biến hơn ở những gia đình có người bị rối loạn ảo giác hoặc tâm thần phân liệt. Do đó, các chuyên gia tin rằng chứng hoang tưởng có thể do di truyền;
  • Yếu tố sinh học: Các nguyên gia đang nghiên cứu nguyên lý mà rối loạn hoang tưởng xảy ra. Theo đó, vùng não bất thường kiểm soát suy nghĩ và nhận thức có thể liên kết với các triệu chứng hoang tưởng;
  • Môi trường và tâm lý: Nhiều bằng chứng cho thấy sự căng thẳng kéo dài có thể kích hoạt những vấn đề về sức khỏe tinh thần. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng rượu, bia, chất kích thích,... cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, những người có xu hướng bị cô lập như người câm điếc, người nhập cư,... có xu hướng bị rối loạn hoang tưởng cao hơn;

Ngoài ra, các nguyên nhân khác như làm tăng kích hoạt hệ miễn dịch (do viêm hoặc bệnh tự miễn), có cha đã lớn tuổi, mắc một số biến chứng khi sinh (suy dinh dưỡng, tiếp xúc với chất độc hoặc virus tác động tới sự phát triển của não bộ), dùng thuốc hướng thần trong độ tuổi thiếu niên và thanh thiếu niên.

Nếu có những yếu tố nguy cơ cao kể trên, bạn nên đi khám ngay để được chẩn đoán bệnh kịp thời.

4. Bệnh hoang tưởng gây hệ lụy gì?

Bệnh hoang tưởng có thể dẫn đến những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho người bệnh và những người xung quanh. Cụ thể:

  • Hoang tưởng khiến bệnh nhân luôn lo ngại, nghi kỵ những người xung quanh, làm rạn nứt các mối quan hệ xã hội, tăng nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình;
  • Bệnh nhân bị hoang tưởng gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong công việc do không thể làm việc nhóm;
  • Người bị hoang tưởng thường dễ nóng nảy, giận dữ và có thể tấn công người khác. Thậm chí, trong một số trường hợp xấu, bệnh nhân hoang tưởng có thể giết người;
  • Bệnh hoang tưởng khi tiến triển nặng có thể khiến người bệnh có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tự sát.
bệnh hoang tưởng lo lắng
Với các vấn đề về thần kinh, liệu pháp tâm lý được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn

5. Bệnh hoang tưởng có chữa được không? Chẩn đoán và điều trị

Rối loạn hoang tưởng là bệnh lý mãn tính. Người bệnh thường không thừa nhận bản thân mắc bệnh nên từ chối các phương pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, đúng cách thì có thể giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh, thậm chí giúp bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Do đó, người bệnh nên nhìn nhận hoang tưởng là một căn bệnh cần chữa trị, không nên giấu bệnh và từ chối điều trị.

5.1 Chẩn đoán rối loạn hoang tưởng

Nếu 1 người có dấu hiệu của bệnh hoang tưởng lo lắng, bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát và chuyên sâu cho bệnh nhân. Hiện chưa có xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh chính xác. Các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp chụp ảnh não bộ, xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh có triệu chứng tương tự (động kinh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, chứng mê sảng, bệnh Alzheimer,...).

Trường hợp không tìm thấy nguyên nhân vật lý nào gây ra các triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân, đánh giá triệu chứng và hành vi để xác định tình trạng của người bệnh.

Người bệnh sẽ được thực hiện chẩn đoán rối loạn hoang tưởng nếu có các yếu tố sau:

  • Có 1 hoặc nhiều ảo tưởng kỳ quặc kéo dài trên 1 tháng;
  • Không có tiền sử tâm thần phân liệt;
  • Cuộc sống bị ảnh hưởng bởi các ảo tưởng;
  • Xuất hiện các cơn trầm cảm hoặc hưng cảm;
  • Không bị trầm cảm nặng, không lạm dụng thuốc và không mắc các vấn đề sức khỏe khác.

5.2 Điều trị bệnh hoang tưởng

2 phương pháp điều trị bệnh phổ biến nhất là: Tâm lý trị liệu và dùng thuốc. Tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp và phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Tâm lý trị liệu:

Với các vấn đề về thần kinh, liệu pháp tâm lý được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn. Phương pháp này tiếp cận được tình trạng của người bệnh, có hiệu quả cao và lâu dài. Tâm lý trị liệu có thể kết hợp với sử dụng thuốc để giúp người bệnh đối phó với tình trạng căng thẳng liên quan tới ảo tưởng. Tuy nhiên, rối loạn hoang tưởng là bệnh khó điều trị bởi bệnh nhân thường kém hiểu biết và không nhận thức là bản thân mình mắc bệnh.

Các liệu pháp tâm lý thường được áp dụng trong điều trị hoang tưởng lo lắng gồm:

  • Liệu pháp tâm lý cá nhân: Giúp người bệnh tự nhìn nhận, điều chỉnh những suy nghĩ đang bị bóp méo;
  • Liệu pháp hành vi nhận thức: Giúp người bệnh học cách nhận biết, thay đổi cách suy nghĩ và hành vi dẫn đến ảo giác.

Bên cạnh đó, cần thực hiện trị liệu gia đình để giúp người thân có thể hỗ trợ bệnh nhân hoang tưởng điều trị bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, với những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tự làm tổn thương mình và người khác thì cần nhập viện điều trị cho tới khi tình trạng sức khỏe tâm thần ổn định hơn.

bệnh hoang tưởng lo lắng
Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc an thần để điều trị bệnh hoang tưởng lo lắng

Điều trị bằng thuốc:

Nhiều nghiên cứu cho thấy gần 50% số bệnh nhân rối loạn hoang tưởng có sự cải thiện sau khi dùng thuốc. Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh hoang tưởng lo lắng là nhóm thuốc chống loạn thần gồm:

  • Thuốc chống loạn thần thông thường: Còn được gọi là thuốc an thần, dùng điều trị rối loạn tâm thần từ những năm 1950. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể dopamine trong não bộ (dopamine là 1 chất dẫn truyền thần kinh liên quan tới sự phát triển các ảo tưởng);
  • Thuốc chống loạn thần không điển hình: Là những loại thuốc mới, giúp điều trị các triệu chứng của bệnh hoang tưởng và có ít tác dụng phụ hơn so với loại thuốc kể trên. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn các thụ thể dopamine và serotonin trong não;
  • Các loại thuốc khác: Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm để điều trị triệu chứng lo âu nếu chúng xảy ra cùng lúc với rối loạn hoang tưởng. Nếu bệnh nhân bị lo lắng, khó ngủ thì có thể sử dụng thuốc an thần.

Thay đổi lối sống:

Bạn có thể thay đổi lối sống để đối phó tốt hơn với chứng rối loạn hoang tưởng. Cụ thể:

  • Tích cực phối hợp với kế hoạch điều trị của bác sĩ;
  • Chú ý tới các dấu hiệu cảnh báo tình trạng hoang tưởng để kịp thời điều trị;
  • Hoạt động thể chất và tập thể dục nhiều hơn để giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm. Các hình thức tập luyện như đi bộ, chạy bộ, bơi,... là lựa chọn tốt cho bệnh nhân;
  • Tránh xa thuốc lá, rượu và chất kích thích để giảm triệu chứng lo lắng, trầm cảm, tránh gây tương tác thuốc;
  • Ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ và khoa học, tránh căng thẳng ở nơi làm việc;
  • Cởi mở và trung thực với bác sĩ, dùng thuốc đúng theo chỉ định, không được ngừng thuốc nếu chưa được bác sĩ đồng ý, giữ tâm lý lạc quan, thoải mái,... để được hỗ trợ điều trị bệnh tốt hơn.

Cho đến nay, các chuyên gia sức khỏe tâm thần vẫn chưa tìm được biện pháp ngăn ngừa chứng bệnh hoang tưởng lo lắng. Tuy nhiên, việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân sớm quay lại hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, khi có dấu hiệu cảnh báo rối loạn hoang tưởng hoặc có những nguy cơ cao mắc bệnh, người bệnh nên đi khám ngay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan