Ngón tay rơi - Ngón tay Mallet: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngón tay rơi hay ngón tay Mallet là một thuật ngữ được áp dụng cho các trường hợp bị gãy xương cơ duỗi hoặc đứt gân cơ duỗi xa. Đây là một trong các nguyên nhân khiến người bệnh không thể mở rộng hay cử động khớp liên đốt xa như bình thường, làm giới hạn chức năng của bàn tay. Với các tiến bộ trong kỹ thuật y học, chứng ngón tay rơi có thể điều trị được và đem lại sự phục hồi hoàn toàn cho người bệnh.

1. Ngón tay Mallet là gì?

Các ngón tay trên bàn tay của một người bình thường, trừ ngón cái – ngón số một, đều được tạo thành từ ba đốt xương và được liên kết với nhau thông qua khớp liên đốt gần, khớp liên đốt xa. Mọi hoạt động cầm nắm linh hoạt trên bàn tay là nhờ vào cấu trúc các khớp này phối hợp nhịp nhàng với nhau bởi các gân kéo dài, gắn vào các khớp liên đốt.

Ngón tay rơi hay ngón tay Mallet là tình trạng biến dạng uốn cong của đầu ngón tay xảy ra trên khớp liên đốt xa, giống như cái vồ hoặc cái búa. Cơ chế gây ra tình trạng này là khi khớp liên đốt xa bị gián đoạn biên độ mở rộng tại khớp hay do gân dài bám trên khớp hay cũng có thể do gãy xương đốt xa.

Ngón tay Mallet:
Ngón tay rơi hay ngón tay Mallet là tình trạng biến dạng uốn cong của đầu ngón tay xảy ra trên khớp liên đốt xa

2. Nguyên nhân gây ra ngón tay Mallet là gì?

Hầu hết các tình trạng gặp phải ngón tay Mallet là do gân cơ duỗi xa bị đứt. Sự đứt gãy xảy ra khi phần xa của ngón tay bị ép vào trạng thái uốn cong quá mức trong khi ngón tay đang duỗi thẳng, như trong tình huống va chạm thụ động với một quả bóng khi đang chủ động bắt bóng.

Các đặc điểm của tình huống gây ra ngón tay Mallet là:

  • Xảy ra ở nơi làm việc hoặc trong các hoạt động liên quan đến thể thao.
  • Thường thấy ở nam giới trẻ đến trung niên và đôi khi ở cả phụ nữ lớn tuổi.
  • Hoàn cảnh có khuynh hướng dẫn đến dạng chấn thương này trong quá trình tham gia các môn thể thao với bóng, khi bóng chạm vào đầu ngón tay khi đang duỗi ra. Điều này buộc khớp liên đốt xa rơi vào tư thế gập ép buộc đột ngột và do đó gây ra đứt gân cơ duỗi.
  • Hầu hết thường liên quan đến các ngón đeo nhẫn hoặc ngón út của bàn tay thuận.

3. Biểu hiện lâm sàng của ngón tay Mallet như thế nào?

Khi chấn thương đột ngột xảy ra, người bệnh sẽ cảm giác đau rất dữ dội. Không chỉ đau, ngón tay còn bị sưng tấy và phù nề xung quanh khớp liên đốt xa.

Nếu một mảnh xương bị kéo ra do đứt gãy, cảm giác sưng và đau còn nặng nề hơn; đồng thời cũng sờ thấy sự di lệch trên đốt ngón xa.

Đầu ngón tay sẽ bị cong rũ xuống và không thể tự ý duỗi thẳng ra được nên còn được gọi là ngón tay rơi. Lúc này, để khớp liên đốt xa có thể duỗi thẳng một cách dễ dàng thì cần phải có sự trợ giúp của bàn tay kia.

ngón tay Mallet
Hầu hết các tình trạng gặp phải ngón tay Mallet là do gân cơ duỗi xa bị đứt

4. Cách chẩn đoán ngón tay Mallet?

Thông thường, việc chẩn đoán ngón tay Mallet được thiết lập một cách nhanh chóng và dễ dàng bởi biểu hiện đặc trưng sau một tình huống chấn thương đặc hiệu.

Bên cạnh đó, việc chụp X-quang vẫn có thể cần thiết được thực hiện để cho biết chấn thương này có kèm theo gãy xương hay không, từ đó đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp.

5. Các cách thức điều trị ngón tay Mallet

Dựa trên cơ chế tổn thương đặc trưng như trên, các bằng chứng hiện tại ủng hộ điều trị ngón tay Mallet bằng các can thiệp không cần phẫu thuật. Cụ thể là người bệnh được nẹp ổn định hai đốt ngón giữa và xa với nhau trong các chấn thương mức độ nhẹ. Ngược lại, trong các chấn thương lớn hơn, ngón tay Mallet cần được giải quyết kịp thời bằng can thiệp ngoại khoa để tránh để lại kết quả xấu về sau. Tương tự như vậy, phẫu thuật cũng thường được thực hiện là bước tiếp theo kết quả điều trị bảo tồn không tối ưu.

6. Ngoại khoa

Chỉ định cần phải phẫu thuật để sửa ngón tay Mallet khi có mảnh xương gãy lớn, khi đầu ngón tay đã di chuyển vị trí xa hoặc khi đã có vết rách trên khớp.

Sau khi mổ, người bệnh vẫn cần phải được tập phục hồi chức năng ngón tay rơi, chủ yếu tập trung vào việc giữ cho khớp cử động bình thường trở lại và ngăn ngừa tình trạng cứng khớp do ngừng hoạt động.

7. Quá trình hồi phục

Sau phẫu thuật và tháo nẹp, người bệnh có thể luyện tập hồi phục chức năng khớp liên đốt xa tại nhà. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể chỉ cần gặp bác sĩ chuyên khoa nếu có bất thường, do đau đớn hay không đáp ứng phục hồi chức năng.

Tùy thuộc vào công việc hằng ngày, người bệnh nên giảm bớt lượng việc hay có thể cần phải nghỉ làm một khoảng thời gian. Điều hơn hết là nên tránh các môn thể thao liên quan đến tay khi vết thương vẫn còn trong giai đoạn ổn định chưa lành.

Có thể mất đến vài tháng để ngón tay Mallet trở lại hoạt động đầy đủ như ban đầu. Vùng da xung quanh đầu ngón tay bị đỏ, sưng và đau thường chỉ khu trú trong vài tuần và sẽ tự khỏi.

Một số bệnh nhân có thể vẫn còn một nốt sưng nhỏ trên đầu khớp và không thể duỗi thẳng khớp hoàn toàn nhưng nhìn chung, bàn nay vẫn có thể hoạt động tốt như khi chưa bị chấn thương.

Tóm lại, ngón tay rơi hay ngón tay Mallet là chấn thương ở phần cuối của ngón tay khiến ngón tay bị cong vào trong lòng bàn tay. Mặc dù sau khi bị chấn thương, người bệnh sẽ bị sưng đau nhiều, không thể duỗi thẳng đầu ngón tay, nếu được ổn định bằng đeo nẹp kiên trì trong thời gian dài, nối tiếp với các bài vật lý trị liệu hay can thiệp ngoại khoa đúng chỉ định thì sự hồi phục chức năng sau khi bị ngón tay Mallet là gần hoàn toàn như ban đầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan