Nghiệm pháp coombs giúp tìm nguyên nhân bị thiếu máu do tan máu

Nghiệm pháp coombs là một trong những xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân thiếu máu do tan máu. Xét nghiệm coombs trực tiếp tìm thấy các kháng thể gắn vào các tế bào hồng cầu. Các kháng thể có thể là cơ thể tạo ra, do bệnh hoặc do người truyền máu.

1. Thiếu máu do tan máu

Thiếu máu tan máu là tình trạng thiếu máu do hồng cầu bị vỡ nhanh, với số lượng lớn hơn số lượng vỡ hồng cầu sinh lý. Đời sống hồng cầu bị rút ngắn lại. Người được truyền máu phải được truyền nhóm máu phù hợp, cùng kháng nguyên với những tế bào hồng cầu có sẵn trong cơ thề. Nếu không truyền đúng nhóm máu tương thích, kháng thể sẽ phá hủy những tế bào hồng cầu dẫn tới phản ứng truyền máu và có thể gây ra những bệnh nghiêm trọng hoặc thậm trí là tử vong.

Đối với phụ nữ có thai, nếu mẹ mang máu có Rh âm mà mang thai em bé có Rh dương, có thể xảy ra hiện tượng nhạy cảm Rh. Nếu máu thai nhi lưu hành trong máu mẹ, hệ miễn dịch của mẹ tạo ra kháng thể chống lại antigen D của máu thai. Thai kỳ lần đâu sẽ không bị nguy hiểm, nhưng đối với thai kỳ lần tiếp theo nếu thai nhi Rh dương, kháng thể máu mẹ sẽ qua nhau thai và tấn công hồng cầu thai nhi gây thiếu máu tan huyết, vàng da, trường hợp nặng sẽ dẫn tới suy tim, suy gan. Tình trạng này được gọi là tan huyết ở trẻ sơ sinh.

Cân nặng thai nhi tuần 13
Tan huyết ở trẻ sơ sinh xảy ra khi mẹ và bé mang máu có Rh không tương thích

Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu tan máu, và được chia làm hai loại bao gồm:

  • Nguyên nhân tại hồng cầu
      • Bệnh ở màng hồng cầu: hồng cầu nhỏ hình cầu di truyền, hồng cầu hình bầu dục di truyền, hồng cầu hình răng cưu di truyền,...
      • Bệnh hemoglobin: thalassemia, hemoglobin bất thường, hemoglobin không bền vững, ...
      • Bệnh thiếu hụt enzym hồng cầu: thiếu enzym glycotic, bất thường đường pento-phosphat.
  • Nguyên nhân ngoài hồng cầu
      • Tan máu miễn dịch: đồng kháng thể, bất đồng nhóm máu mẹ con, thiếu máu tan máu tự miễn, tan máu miễn dịch liên quan đến thuốc.
      • Nhiễm khuẩn hay nhiễm kí sinh trùng
        Độc tố: bỏng, vi khuẩn, ...
      • Cường lách
      • Hội chứng tan máu ure máu cao

Nghiệm pháp coombs là một trong những xét nghiệm giúp chẩn đoán tìm nguyên nhân gây bệnh

2. Nghiệm pháp coombs

Nghiệm pháp coombs là một loại xét nghiệm được chỉ định thực hiện để có thể tìm ra những kháng thể được tạo ra là protein bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Thông thường, kháng thể sẽ liên kết với những chất lạ như vi khuẩn, virus và phá hủy chúng. Đôi khi kháng thể lại tiêu diệt những tế bào hồng cầu cần thiết cho cơ thể.

xét nghiệm kháng thể thủy đậu
Nghiệm pháp coombs giúp tìm ra những kháng thể được tạo ra là protein

2.1 Các loại xét nghiệm coombs

2.1.1 Xét nghiệm trực tiếp

Xét nghiệm coombs trực tiếp sẽ tìm được những kháng thể gắn vào các tế bào hồng cầu. Nghiệm pháp coombs trực tiếp được áp dụng trong những trường hợp:

  • Sàng lọc máu trong kỹ thuật định nhóm và làm phản ứng phát máu
  • Phát hiện tình trạng hồng cầu tăng mẫn cảm đối với truyền máu hay thuốc
  • Nghi ngờ tăng nguyên hồng cầu bào thai để phát hiện các kháng thể đối với các tế bào hồng cầu của trẻ sơ sinh.

2.1.2 Xét nghiệm gián tiếp

Nghiệm pháp coombs gián tiếp là xét nghiệm nhằm tìm ra những kháng thể nhất định ở trong phần chất lỏng hay huyết tương trong máu. Các kháng thể này có thể sẽ tấn công các tế bào hồng cầu mà không gắn vào những tế bào hồng cầu đó. Xét nghiệm này thường được dùng để tìm kháng thể có trong máu người nhận trước khi tiến hành truyền máu.

Xét nghiệm này cũng được áp dụng cho người mẹ trong thời kỳ mang thai. Nếu như người mẹ mang Rh âm thì có thể áp dụng những phương pháp nhằm bảo vệ trẻ.

2.2 Quy trình thực hiện xét nghiệm

Những người làm xét nghiệm sẽ lấy mẫu máu của thai phụ bằng cách quấn thun quanh cánh tay phía trên, dòng máu bị ngăn lại phần nào và điều đó khiến các tĩnh mạch bên dưới dải thun sẽ lớn hơn và giúp việc đưa kim tiêm vào tĩnh mạch đơn giản hơn.

Bác sĩ sẽ lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay
Quấn thun phía trên cánh tay giúp lấy máu tĩnh mạch được dễ dàng hơn

Lau vị trí hút máu bằng cồn để làm sạch, khử trùng. Người thực hiện đưa kim tiêm đặt vào tĩnh mạch rồi móc 1 ống vào kim để lấy đầy máu, nếu khu kim không được đặt chính xác hoặc do tĩnh mạch bị xẹp thì có thể phải thay kim. Sau khi lấy đủ máu, người thực hiện lấy mẫu cần đặt gạc hay bông gòn lên vị trí vừa lấy mẫu sau đó cố định lại và tại một áp lực lên vị trí lấy máu bệnh nhân khi rút kim tiêm ra.

Xét nghiệm này đối với người bệnh chỉ như một lần lấy máu thông thường mà không có bất cứ rủi ro gì. Trong một số ít trường hợp có thể người bệnh sẽ bị sưng tĩnh mạch sau khi được lấy máu, đây là là hiện tượng viêm tĩnh mạch. Lúc này cần nén ấm cho bệnh nhân để điều trị.

3. Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm coombs

Xét nghiệm này là một xét nghiệm tìm ra các kháng thể có thể tấn công tế bào hồng cầu.

3.1 Kết quả xét nghiệm Coombs bình thường

Mẫu xét nghiệm bình thường là mẫu không tồn tại kháng thể và cho ra kết quả âm tính. Khi xét nghiệm trực tiếp cho kết quả âm tính tức mà trong máu không có kháng thể được gắn vào tế bào hồng cầu. Các xét nghiệm gián tiếp thì cho kết quả âm tính khi máu trong cơ thể tương thích với máu nhận qua việc truyền máu.

Đối với phụ nữ mang thai, nghiệm pháp coombs gián tiếp cho kết quả âm tính tức là Rh trong máu mẹ chưa sản sinh ra những kháng thể có thể chống lại Rh dương của bé. Điều này chứng tỏ không xảy ra nhạy cảm Rh.

Hồng cầu
Xét nghiệm coombs để tìm ra các kháng thể có thể tấn công tế bào hồng cầu

3.2 Kết quả xét nghiệm coombs bất thường

Xét nghiệm Coombs trực tiếp cho kết quả dương tính tức là trong máu có kháng thể chống lại hồng cầu. Đây có thể là do phản ứng truyền máu hay do bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh hay dó thiếu máu tán huyết.

Xét nghiệm gián tiếp cho kết quả dương tính tức là máu của người cho và người nhận không tương thích nhau và người nhận không thể lấy máu từ người cho này. Đối với phụ nữ mang thai hay đang có ý định mang thai mà có Rh âm trong máu, kết quả Coombs gián tiếp dương tính tức là họ có kháng thể chống lại Rh dương. Người mẹ cần được xét nghiệm sớm ở trong thai kỳ kiểm tra bé mang nhóm máu gì để được chăm sóc, theo dõi chặt chẽ nếu như bé mang Rh dương.

Có thể ngăn chặn nhạy cảm xảy ra bằng một mũi tiêm immunoglobulin Rh.

Lưu ý khi làm xét nghiệm này đối tượng không nên làm xét nghiệm vì có thể ảnh hưởng đến kết quả bao gồm:

  • Những người đã từng truyền máu trong quá khứ
  • Có thai trong khoảng 3 tháng
  • Đang sử dụng các loại thuốc như insulin, sulfa, cephalosporin, tetracycline hay thuốc trị ho.

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh thiếu máu do tan máu. Để chẩn đoán tìm ra nguyên nhân, bác sĩ đã sử dụng nghiệm pháp coombs, là một trong những xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân thiếu máu do tan máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan