Một số biến chứng thường gặp khi gây mê, gây tê

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Gây mê, gây mê là kỹ thuật y khoa phổ biến, nhằm mục đích làm mất cảm giác hoặc mất ý thức tạm thời giúp bệnh nhân không có cảm giác đau. Cũng giống nhiều kỹ thuật y khoa khác, tác dụng phụ khi gây tê có thể dẫn đến một vài biến chứng cho bệnh nhân.

1. Tác dụng phụ khi gây tê

1.1. Ngộ độc thuốc tê

Ngộ độc thuốc tê xảy ra khi nồng độ thuốc tê trong máu người bệnh tăng cao quá mức cho phép. Mỗi loại thuốc tê có nồng độ cho phép nhất định. Tùy thuộc vào từng loại thuốc mà bác sĩ cần theo dõi bệnh nhân với liều lượng phù hợp. Ví dụ:

  • Thuốc Marcain, etidocain nồng độ cho phép là 1-2mcg/ml huyết tương
  • Thuốc Lidocain, prilocain nồng độ cho phép là 5mcg/ml huyết tương
  • Thuốc Mepivacain nồng độ cho phép là 4mcg/ml huyết tương

Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc tê là do:

  • Cho bệnh nhân dùng quá liều thuốc tê
  • Tiêm nhầm thuốc tê vào mạch máu
  • Gây tê ở vùng giàu mạch máu như: tầng sinh môn, cổ tử cung...

Biểu hiện ngộ độc thuốc tê sẽ thể hiện chủ yếu ở hai cơ quan là hệ thần kinh trung ương và tim mạch, cụ thể bao gồm:

  • Nhức đầu, ù tai, tinh thần hoảng hốt lo lắng, rối loạn thị lực, lưỡi và môi bị tê, rối loạn vị giác. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể co giật, hôn mê, mất ý thức. Tình trạng thiếu oxy và toan máu hay ưu thán có thể khiến mức độ ngộ độc tăng cao.

Xử lý: Lúc này, cần dừng ngay việc tiêm thuốc và cho bệnh nhân thở oxy. Nếu bệnh nhân co giật thì cho bệnh nhân dùng thuốc nhóm benzodiazepin hoặc nhóm barbiturat. Ngoài ra, có thể dùng thuốc giãn cơ ngắn succinylcholin để đặt ống nội khí quản.

  • Nếu nồng độ thuốc gây tê ở trong máu rất cao, gấp nhiều lần so với ngưỡng cho phép thì sẽ ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện mạch chậm, tụt huyết áp, loạn nhịp do thuốc gây tê ức chế co bóp cơ tim, hệ dẫn truyền và làm giãn mạch ngoại vi.

Xử lý: Cho bệnh nhân thở oxy, sử dụng thuốc co mạch, truyền dịch, điều trị loạn tim. Khi tác dụng phụ của thuốc gây tê tác động đến hệ tim mạch thì rất khó điều trị, khả năng tử vong cao.

* Khi được chẩn đoán ngộ độc thuốc tê thì xử lý theo phác đồ cấp cứu ngộ độc thuốc tê với dung dịch Lipid 20%

1.2. Dị ứng thuốc gây tê

Bệnh nhân bị dị ứng thuốc gây tê có thể biểu hiện tại chỗ như nổi ban đỏ, mề đay, bị phù, viêm da... Nặng hơn, bệnh nhân sẽ dị ứng toàn thân với các triệu chứng tương tự kể trên và co thắt phế quản, trụy tim mạch...

Thuốc gây tê nhóm ester thường gây dị ứng hơn nhóm amid.

1.3. Độc tính tại chỗ

Thuốc tê có thể gây tổn thương tại chỗ gây tê trong những trường hợp sử dụng thuốc gây tê nồng độ cao, tiêm nhầm số lượng lớn thuốc gây tê hay có lẫn hóa chất trong thuốc gây tê.

tac-dung-phu-khi-gay-te-1
Tác dụng phụ khi gây tê đó là bệnh nhân bị dị ứng thuốc...

2. Tác dụng phụ khi gây mê

2.1. Biến chứng hô hấp

Nguyên nhân gây tai biến là do đặt nhầm ống và dạ dày, đặt ống sâu sang 1 bên hoặc chấn thương khi đặt ống.

Khi đặt ống, cần phải nghe 2 phổi để kiểm tra vị trí ống.

  • Co thắt phế quản

Bệnh nhân bị co thắt phế quản nếu tỉnh sẽ có biểu hiện thở rít, thở khò khè, thở nhanh, khó thở. Nếu bệnh nhân đã được gây mê sẽ bị hô hấp khó, đôi khi không thể hô hấp được.

Nguyên nhân là do thuốc gây phản ứng phản vệ hoặc bệnh nhân có hen phế quản, có một đáp ứng với kích thích tại chỗ ở đường hô hấp, nhất là các bệnh nhân nghiện thuốc lá hay mắc bệnh mãn tính phế quản.

Co thắt phế quản có thể xảy ra do các kích thích tổn thương nhận cảm sự có mặt của dịch tiết, máu ở khí quản, hầu thanh quản, đặt nội khí quản, co kéo phúc mạc, các kích thích phẫu thuật...

Để hạn chế khả năng bị co thắt phế quản do tác dụng phụ của thuốc gây mê cần chú ý: Trước khi gây mê cần đảm bảo bệnh nhân ngủ sâu, phun thuốc gây tê tại chỗ trước khi tiến hành đưa dụng cụ vào phế quản; Tiền mê sâu cho các bệnh nhân nguy cơ; Kiểm tra ống nội khí quản, kéo nhẹ ra khi có kích thích ở cựa phế quản; Gây mê sâu bằng thuốc mê đường hô hấp, có thể sử dụng thuốc mê đường tĩnh mạch khi thực hiện hô hấp nhân tạo khó khăn. Tăng nồng độ oxy thở vào; Sử dụng thuốc giãn phế quản qua đường hô hấp, thuốc đối kháng với beta-adrenergic...

  • Co thắt thanh quản

Nguyên nhân gây co thắt thanh quản là do gây mê nông khiến hô hấp bị kích thích như: tăng tiết dịch, máu ở đường hô hấp trên, co kéo phúc mạc...

Biểu hiện của bệnh nhân thường thấy là thở khò khè, thở rít. Nặng hơn là tắc nghẽn hoàn toàn, đảo ngược hô hấp, không hô hấp được bằng mask khi co thắt hoàn toàn.

Co thắt thanh quản thiếu oxy, thừa CO2 máu, toan hỗn hợp khiến tụt huyết áp, nhịp tim chậm, thậm chí là ngừng tim.

Tốt nhất nên cho bệnh nhân ngửi oxy 100% trước khi gây mê. Để bệnh nhân ngủ sâu, ngừng tất cả các kích thích. Đồng thời tạo áp lực dương ở đường thở với mask úp khít. Tiêm tĩnh mạch liều Succinylcholin 1 mg/kg . Tiến hành gây mê sâu cho bệnh nhân trước khi tiến hành đặt ống nội khí quản, soi lại hoặc để bệnh nhân tỉnh dậy.

  • Suy thở, ngừng thở
tac-dung-phu-khi-gay-te-2
80% các trường hợp bị ngừng thở do thuốc mê tĩnh mạch thiopental

Các thuốc tiền mê nhóm Morphin, Benzodiazepin có tác dụng ức chế trung tâm hô hấp, nhất là ở các bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân ở tình trạng yếu, thiếu khối lượng tuần hoàn.

80% các trường hợp bị ngừng thở do thuốc mê tĩnh mạch Thiopental, Propofol... Tác dụng phụ này phụ thuộc vào tốc độ tiêm, nồng độ tiêm.

Khi gây mê nên để bệnh nhân tự thở hoặc thở bằng mask, nguy cơ giảm thở xảy ra nhiều hơn do tụt lưỡi về phía sau.

Giai đoạn hồi tỉnh suy thở có liên quan đến thuốc giảm đau dòng Morphin, thuốc giãn cơ, tụt nhiệt độ trung tâm nhất là ở trẻ nhỏ.

Suy thở có thể do tắc nghẽn như gãy răng, để quên gạc hoặc có khối máu tụ sau phẫu thuật tuyến giáp.

Khi bệnh nhân bị suy thở cần nhanh chóng loại bỏ dị vật ở đường thở, cho bệnh nhân thở oxy và dùng thuốc giãn cơ, thuốc đối kháng thuốc giảm đau nhóm Morphin và thông khí hỗ trợ.

  • Thiếu oxy máu

Tình trạng này xảy ra khi khí oxy vận chuyển đến tế bào không đủ. Có thể là do bình oxy hết, tụt ống nội khí quản, gập ống nội khí quản, tăng tiết đờm rãi, rò rỉ trong hệ thống máy thở.

Bệnh nhân có biểu hiện giảm thở, có sự thay đổi của tỉ lệ hô hấp, tuần hoàn như viêm phổi, co thắt phế quản, xẹp phổi. Dung tích vận chuyển oxy giảm như trong thiếu máu, toan máu, hạ nhiệt độ...

Trường hợp này, nếu bệnh nhân đang hô hấp bằng máy phải chuyển sang hô hấp bằng tay với oxy 100% để kiểm tra độ căng của phổi. Nhanh chóng nghe phổi để kiểm tra vị trí ống nội khí quản. Hút máu hoặc dịch tiết. Kiểm tra lại hệ thống máy gây mê, máy thở xem có rò rỉ không.

  • Ưu thán

Nguyên nhân gây ưu thán là do: Trung tâm hô hấp bị ức chế bởi các thuốc gây mê đường hô hấp, thuốc dòng Morphin hay các thuốc Barbituric, Benzodiazepin; Ức chế thần kinh cơ sau gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống; Co thắt phế quản gây tăng sức cản đường thở; Bệnh lý hệ thần kinh trung ương như: u, thiếu máu...; Tăng sản xuất khí CO2 như hấp thụ CO2 lúc bơm vào ổ bụng hoặc sau tháo garo

Điều trị: Nếu bệnh nhân quên thở sau gây mê do tác dụng của các loại thuốc dòng họ Morphin thì sử dụng thuốc đối kháng Naloxon. Sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như: hô hấp nhân tạo, đặt nội khí quản. CO2 như hấp thụ CO2 lúc bơm vào ổ bụng hoặc sau tháo garo, sốt cao ác tính. Chỉnh lại máy thở để sửa chữa CO2 cao.

Sửa chữa nguyên nhân gây hút lại CO2 thì thở ra như tăng lưu lượng khí trong máy. Điều trị sốt cao ác tính.

tac-dung-phu-khi-gay-te-3
Tác dụng phụ khi gây tê đó là dẫn tới tình trạng ưu thán

2.2. Biến chứng tuần hoàn

Giảm huyết áp động mạch

Nguyên nhân gây giảm huyết áp động mạch khi gây mê gồm:

  • Lưu lượng tim giảm, suy giảm cơ tim: Nhịp tim chậm, rối loạn chức năng tim ở bệnh mạch vành, bệnh van tin. Thuốc gây mê tác dụng ức chế cơ tim trực tiếp...
  • Giảm sức cản mạch máu: Các thuốc gây mê nhóm halogen có thể gây giãn mạch trực tiếp. Ức chế giao cảm thường gặp trong gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống. Sốc nhiễm trùng khiến chất hoạt mạch giải phóng. Phản ứng dị ứng hoặc thao tác phẫu thuật như tháo garo, co kéo phủ tạng.
  • Giảm trở về máu tĩnh mạch: Chèn ép tĩnh mạch chủ trên và chủ dưới do phẫu thuật hoặc tử cung có thai đè vào tĩnh mạch chủ dưới. Tăng áp lực trong nhĩ phải khi áp lực lồng ngực tăng.
  • Giảm khối lượng tuần hoàn: Thiếu khối lượng tuần hoàn trước mổ nhưng chưa được bù đủ như: rò rỉ tiêu hóa, mất máu hoặc đái nhiều do đái nhạt, đái tháo đường.

Để điều trị cần:

  • Để bệnh nhân nằm ở tư thế đầu thấp
  • Truyền máu hoặc truyền dịch, sử dụng thuốc co mạch nếu cần
  • Xử lý các yếu tố nguyên nhân gây tụt huyết áp
  • Điều trị rối loạn nhịp tim
  • Dùng thuốc tăng co bóp tim
  • Dùng atropin

Cao huyết áp

Nguyên nhân:

  • Bệnh nhân bị cao huyết áp trước đó
  • Gây mê nông, không đủ liều lượng giảm đau
  • Thiếu oxy máu, nồng độ CO2 máu tăng
  • Dùng quá liều thuốc mê ketamin hoặc dùng các loại thuốc co mạch như ephedrin
  • Bệnh nhân gây mê có bàng quang căng

Truyền dịch quá liều

Cần lưu ý: gây mê đủ sâu để bệnh nhân không bị kích thích phẫu thuật. Hạn chế và xử lý ngay khi bệnh nhân thiếu oxy, thừa CO2. Sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp như thuốc giãn mạch, thuốc ức chế beta và ức chế alpha.

Nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm khi tần số tim đo được dưới 60 lần/phút. Nguyên nhân là do:

  • Các bệnh tim như nhồi máu cơ tim
  • Cường phó giảm cảm: bệnh nhân quá đau hoặc quá lo lắng; hút hầu họng hoặc sỏi thanh quản, nhất là ở trẻ nhỏ; ép trực tiếp nhãn cầu; co kéo phúc mạc hoặc thừng tinh...
  • Dùng các loại thuốc morphin tổng hợp, thuốc đối kháng cholinesterase, thuốc gây mê đường hô hấp, thuốc gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng.
  • Áp lực nội sọ tăng

Điều trị:

  • Với bệnh nhân phân ly nhĩ thất hoàn toàn thì trước phẫu thuật cần lắp máy tạo nhịp
  • Nhịp tim chậm do phản xạ phế vị thì phải ngừng các kích thích, có thể tiêm tĩnh mạch Atropin 10 mcg/kg.
  • Nếu điều trị Atropin không có tác dụng thì dùng Isuprel
  • Nếu thiếu khối lượng tuần hoàn thì cần truyền dịch
  • Giảm liều thuốc mê Halogen hoặc thay bằng loại thuốc mê khác.

Nhịp tim nhanh

Nhịp nhanh xoang là khi tần số tim đo được trên 100 lần/phút ở người trưởng thành.

Nguyên nhân là do:

  • Tụt huyết áp
  • Thiếu khối lượng tuần hoàn
  • Giảm đau không đủ hoặc quá lo âu
  • Thiếu khí oxy, thừa khí CO2
  • Nhiễm độc giáp, u tuyến thượng thận
  • Một số loại thuốc có thể gây tăng nhịp tim như: Atropin, Dopamin...
  • Nhịp tim tăng ở giai đoạn khởi mê, đặt ống nội khí quản
  • Bệnh nhân có tiền sử loạn nhịp nhanh, cuồng nhĩ, rung nhĩ...

Điều trị:

  • Cho bệnh nhân thở oxy
  • Cho ngủ sâu thêm
  • Cho thêm thuốc giảm đau
  • Xử lý nguyên nhân gây thiếu khối lượng tuần hoàn
  • Phun Xilocain tại chỗ hoặc tiêm tĩnh mạch để đề phòng nhịp tim nhanh khi đặt và rút ống nội khí quản
  • Nếu nhịp tim nhanh kịch phát trên thất có thể ấn vào xoang cảnh hoặc dùng thuốc ức chế canxi
  • Nhịp nhanh thất có thể dùng thuốc ức chế Beta, thuốc Amiodaron, Digitalin.

Gây mê, gây tê hiện đại thường an toàn. Tuy nhiên mỗi phương pháp đều có những nguy cơ tác dụng phụ hoặc biến chứng ảnh hưởng sức khỏe người bệnh. Một số biến chứng chỉ là tạm thời, trong khi một số khác có thể để lại những di chứng lâu dài. Do đó người bệnh cần lựa chọn cho mình địa chỉ khám chữa bệnh uy tín, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, cũng như thực hiện đúng theo hướng dẫn trong điều trị để tránh những biến chứng xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan