Mối liên hệ bệnh tiểu đường với bệnh của da

Bệnh da do tiểu đường là một vấn đề về da khá phổ biến đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Tình trạng này không xảy ra ở tất cả những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, người ta ước tính rằng có tới 50% những người sống chung với bệnh tiểu đường sẽ phát triển một số dạng bệnh da liễu.

1. Bệnh da do tiểu đường là gì?

Đái tháo đường hay tiểu đường là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng suy giảm tương đối hoặc hoàn toàn insulin. Trong đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường lệ thuộc insulin, sự suy giảm insulin xảy ra trong sự phá hủy dần các tế bào beta của đảo tụy bởi trung gian miễn dịch từ các tự kháng thể.

Đái tháo đường type 2 còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin, là một tình trạng chuyển hóa mãn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn sử dụng glucose (đường). Điều này xảy ra khi cơ thể không phản ứng bình thường với insulin hoặc không sản xuất đủ insulin để duy trì mức đường trong máu bình thường. Bệnh đái tháo đường type 1 thường gặp ở trẻ em, trong khi đái tháo đường type 2 phổ biến nhất ở người lớn tuổi, tuy nhiên một số trẻ em và thanh thiếu niên có thể mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Các yếu tố nguy cơ của tình trạng này bao gồm thừa cân, có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường, có tiền sử tiểu đường thai kỳ và ít vận động. Ở cả 2 dạng đái tháo đường, những bất thường về insulin và sự tăng nồng độ glucose máu dẫn đến những rối loạn về chuyển hóa, mạch máu, thần kinh, miễn dịch, gây tổn thương lên các cơ quan như tim mạch, thận, mắt, da.

Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA), các vấn đề về da thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường có thể làm cho các vấn đề về da hiện tại trở nên tồi tệ hơn, và cũng gây ra những vấn đề mới.

2. Nguyên nhân gây bệnh da tiểu đường

Bị tiểu đường tuýp 2 có nên ăn các loại củ quả?
Khả năng của các tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng cũng bị giảm khi đối mặt với lượng đường trong máu tăng cao

Mặc dù bệnh da tiểu đường là khá phổ biến khi bạn sống chung với bệnh tiểu đường, nguyên nhân chính xác của tình trạng này vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, có một số giải thích về tình trạng này:

  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát thường dẫn đến lưu thông máu kém, hoặc lưu lượng máu không đủ đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Theo thời gian, tuần hoàn kém có thể làm giảm khả năng chữa lành vết thương của cơ thể. Giảm lưu lượng máu đến khu vực xung quanh vết thương ngăn ngừa vết thương lành đúng cách, dẫn đến sự phát triển của các vết thương hoặc đốm giống như vết bầm tím.
  • Tổn thương thần kinh và mạch máu có thể do bệnh tiểu đường cũng có thể khiến bạn mắc các bệnh da tiểu đường. Tình trạng này có liên quan đến bệnh võng mạc tiểu đường (tổn thương mắt), bệnh thận đái tháo đường (tổn thương thận) và bệnh thần kinh tiểu đường (tổn thương thần kinh). Nó dường như cũng phổ biến hơn ở nam giới, người lớn tuổi và những người đã sống chung với bệnh tiểu đường trong một thời gian dài hơn.
  • Khả năng của các tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng cũng bị giảm khi đối mặt với lượng đường trong máu tăng cao

3. Các bệnh lý da liên quan đến tiểu đường

Theo một nghiên cứu gần đây, từ 51,1% đến 97% những người mắc bệnh tiểu đường sẽ gặp phải tình trạng da liên quan. Vì vậy, những người mắc bệnh tiểu đường nên coi chừng những tình trạng:

  • Sự thay đổi trên da của họ
  • Tổn thương hoặc kích ứng da xung quanh các vị trí tiêm insulin
  • Vết đứt hoặc vết thương da chậm lành, vì vết thương chậm lành thường là “lối vào” cho nhiễm trùng thứ cấp
  • Vết cắt hoặc vết thương bị nhiễm trùng

Các bệnh lý da liên quan đến tiểu đường thường gặp như:

3.1 Nhiễm trùng, nhiễm nấm

Các tình trạng da gây ra bởi bệnh tiểu đường thường liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm.

Nhiễm trùng do vi khuẩn là phổ biến ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, những loại nhiễm trùng này đặc biệt có vấn đề đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Những tình trạng da này thường bao gồm: đau và ấm khi chạm vào, sưng, đỏ. Chúng có thể tăng kích thước, số lượng và tần suất nếu mức đường huyết của bạn tăng cao. Các vi khuẩn phổ biến nhất gây nhiễm trùng da là Staphylococcus, hay tụ cầu khuẩn và Streptococcus.

Nhiễm nấm, gây ra bởi sự lây lan của nấm hoặc nấm men, cũng phổ biến đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt ở bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết. Vùng da bị nhiễm trùng nấm men bị đỏ, ngứa, sưng được bao quanh bởi vảy phồng hoặc khô. Các vảy đôi khi cũng được phủ bằng lớp màu trắng giống như phô mai. Nấm men phát triển mạnh ở các vùng: trong nếp gấp da, dưới ngực, háng, nách, trong khóe miệng, dưới bao quy đầu của dương vật. Các bệnh do nhiễm vi nấm ngoài da khác của đái tháo đường thường là: nấm kẽ ngón chân, viêm quầng, viêm mô tế bào, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng huyết do nấm. Bệnh nhân tiểu đường nhiễm ceton acid rất dễ có nguy cơ nhiễm vi nấm nhóm Phycomycetes (mucormycosis) gây sang thương dạng hoại tử mạch máu trung tâm, đặc biệt ở vùng hầu họng, có thể gây viêm não và hầu hết bệnh nhân đều tử vong.

3.2 Chứng gai đen (Acanthosis nigricans)

Đây là tình trạng da phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Biểu hiện bởi triệu chứng da sẫm màu và dày da đặc biệt ở vùng những nếp gấp ( cổ, nách, bẹn, rốn, quầng núm vú, dưới vú, cùi chỏ), nhìn giống như những hạt cơm nhỏ.

Da có màu nâu hoặc rám. Thỉnh thoảng có thể nhìn thấy như miếng vải nhung. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến những người béo phì và là dấu hiệu của tình trạng kháng insulin. Nó đôi khi biến mất khi bệnh nhân giảm cân.

Chứng gai đen
Chứng gai đen ở vùng cổ của bệnh nhân mắc đái tháo đường

3.3 Bệnh lý ở lớp bì do đái tháo đường (diabetic dermopathy)

Còn được gọi là đốm xương chày, một đặc điểm nổi bật của bệnh da liễu tiểu đường là các vết giống sẹo, màu nâu nhạt, các mảng da có vảy, thường xuất hiện trên xương chày. Những đốm này có thể là hình bầu dục hoặc hình tròn.

Chúng được tạo ra do sự tổn thương các mạch máu nhỏ cung cấp dinh dưỡng và oxy cho các mô. Vấn đề về da này là vô hại và không cần điều trị. Tổn thương này thường không biến mất hoàn toàn ngay cả khi đường huyết được kiểm soát. Tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn ở những người mắc bệnh võng mạc, bệnh thần kinh hoặc bệnh thận.

3.4 Hoại tử mỡ (Necrobiosis lipoidica diabeticorum)

Các mảng màu nâu nhạt, hình bầu dục và hình tròn cũng là một dấu hiệu đặc trưng của hoại tử mỡ do đái tháo đường. Tình trạng này hiếm gặp hơn bệnh lý ở lớp bì do đái tháo đường. Tuy nhiên, trong trường hợp của hoại tử mỡ, các tổn thương da thường có kích thước lớn hơn và số lượng ít hơn.

Theo thời gian, các mảng da bị hoại tử mỡ có thể xuất hiện sáng bóng với đường viền màu đỏ hoặc tím, thường hay ngứa và đau. Tình trạng này ảnh hưởng đến phụ nữ trưởng thành thường xuyên hơn nam giới và cũng có xu hướng xảy ra trên chân.

3.5 Hội chứng giống xơ cứng bì

Các biến đổi da giống xơ cứng bì là tình trạng da dày và cứng ở mặt lưng các ngón tay và các khớp liên đốt gần hoặc liên đốt giữa. Triệu chứng có thể lan đến cẳng tay, cánh tay và lưng, đối xứng 2 bên, không đau. Da giống như sáp, biến đổi tương tự xơ cứng bì nhưng không đau, không có hiện tượng teo da, giãn mạch, sưng phù hay hiện tượng Raynaud.

3.6 Bệnh u vàng phát ban

Tình trạng kháng insulin làm cho cơ thể không thể loại bỏ được mỡ ra khỏi máu. Khi mỡ máu tăng rất cao có thể xuất hiện bệnh lý về da này. Các nốt vàng chắc bao quanh bởi quầng da đỏ và ngứa. Chúng thường xuất hiện ở mắt, khuỷu tay, mặt, mông, ở mặt sau cánh tay và cẳng chân. Để điều trị cần kiểm soát tốt chỉ số mỡ máu và những nốt này thường mất đi sau vài tuần.

3.7 Bóng nước tiểu đường (Diabetic blisters)

Mặc dù hiếm gặp, những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và tổn thương thần kinh cũng có thể bị phồng rộp trông giống như bị bỏng. Sang thương này thường lành trong vài tuần và không gây đau đớn. Bọng nước loại này thường xảy ra chỉ khi đường huyết không được kiểm soát.

Bọng nước tiểu đường
Bóng nước tiểu đường là một trong các bệnh lý da liên quan đến tiểu đường hiếm gặp

4. Điều trị bệnh da do tiểu đường

Hiện nay không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh da do tiểu đường. Một số tổn thương có thể mất sau vài tháng, trong khi những tổn thương khác có thể mất hơn một năm. Có những trường hợp khác mà tổn thương có thể là vĩnh viễn. Bạn không thể kiểm soát tỷ lệ tổn da mờ dần, nhưng có những bước bạn có thể thực hiện để kiểm soát tình trạng này:

  • Nếu bệnh da tiểu đường của bạn tạo ra các mảng khô, có vảy, bôi kem dưỡng ẩm có thể hiệu quả.
  • Giữ ẩm cũng có thể giúp cải thiện sự xuất hiện của bệnh trên da do tiểu đường
  • Nếu bệnh da tiểu đường của bạn là kết quả của chấn thương, bạn có thể thực hiện các bước phòng ngừa như mặc quần áo bảo hộ và dụng cụ trong các hoạt động thể chất. Bạn cần chú ý bảo vệ cẳng chân và chân của bạn vì bệnh da liễu tiểu đường có xu hướng chủ yếu ảnh hưởng đến các khu vực đó.

Mặc dù không có điều trị cụ thể đối với bệnh da liễu tiểu đường, nhưng việc kiểm soát tốt đường huyết vẫn rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng bệnh tiểu đường. Bạn nên thăm khám thường xuyên với bác sĩ để thảo luận về kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường của bạn và thực hiện bất kỳ điều chỉnh cần thiết nào để duy trì quản lý đường huyết tốt. Ví dụ, nếu bạn dùng thuốc kê đơn, nhưng lượng đường trong máu vẫn cao, hãy trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liệu pháp hiện tại của bạn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan