Melanin là một sắc tố da tự nhiên, màu tóc, da và mắt ở người và động vật chủ yếu phụ thuộc vào loại và lượng melanin có trong cơ thể. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng melanin có thể giúp bảo vệ da khỏi tia UV. Vậy melanin là chất gì? Và các bệnh lý nào liên quan đến melanin?
1. Hắc tố melanin là gì?
Melanin là sắc tố mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt của con người. Những người da sẫm màu có nhiều melanin trên da hơn những người da sáng. Melanin được sản xuất bởi các tế bào gọi là tế bào melanocytes (tế bào biểu bì tạo hắc tố). Ngoài ra, melanin có khả năng bảo vệ làn da tránh bị tổn thương do ánh nắng mặt trời, và các tế bào melanocytes tăng sản xuất melanin để phản ứng với ánh nắng mặt trời. Tàn nhang xuất hiện ở mọi người thuộc mọi chủng tộc khác nhau, là những vùng nhỏ và tập trung của gia tăng sản xuất melanin.
Mọi người đều có số lượng tế bào melanocytes như nhau, nhưng một số người tạo ra nhiều melanin hơn những người khác. Nếu những tế bào melanocytes chỉ tạo ra một ít melanin thì tóc, da và mống mắt của bạn có thể rất nhạt màu. Nếu tế bào melanocytes của bạn tạo ra nhiều melanin hơn, thì tóc, da và mắt của bạn sẽ có màu tối hơn.
Số lượng melanin mà cơ thể bạn tạo ra phụ thuộc vào gen. Nếu bố mẹ bạn có nhiều hoặc ít sắc tố da, thì có thể bạn sẽ giống họ. Khi bạn ở dưới ánh nắng mặt trời, cơ thể bạn tạo ra nhiều hắc tố hơn. Nó có thể giúp bảo vệ cơ thể tránh tia cực tím (UV) có hại. Nhưng nó không đủ để giữ cho bạn an toàn khỏi ánh nắng mặt trời. Da của bạn đã bị tổn thương nếu bạn bị cháy nắng hoặc chuyển sang màu sẫm hơn một chút. Đó là lý do tại sao bạn luôn phải che chắn cho da và thoa kem chống nắng.
Các nghiên cứu cho thấy những người có làn da sẫm màu ít bị ung thư da hơn những người có làn da sáng màu. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu khác để biết liệu điều này có phải do lượng melanin trong da của họ hay không.
Con người có 3loại melanin:
- Eumelanin chủ yếu tạo ra màu tối ở tóc, mắt và da. Có hai loại eumelanin: nâu và đen. Tóc đen và nâu xuất phát từ sự pha trộn khác nhau của loại eumelanin đen và nâu. Tóc vàng xảy ra khi cơ thể chỉ có một lượng nhỏ eumelanin màu nâu và không có eumelanin màu đen.
- Pheomelanin tạo màu cho các bộ phận của cơ thể bạn như môi và núm vú. Nếu bạn có mái tóc màu đỏ, điều đó có nghĩa là số lượng pheomelanin và eumelanin ngang nhau. Tóc vàng dâu tây xảy ra khi bạn có eumelanin nâu và pheomelanin.
- Neuromelanin có chức năng kiểm soát màu sắc của tế bào thần kinh. Loại này không liên quan đến màu sắc bề ngoài cơ thể mà bạn có thể nhìn thấy.
Tế bào melanocytes (tế bào biểu bì tạo hắc tố) tạo ra eumelanin và pheomelanin. Neuromelanin được tìm thấy trong não.
2. Các bệnh lý và rối loạn liên quan đến melanin
Các vấn đề với melanin có liên quan đến một số rối loạn sắc tố da.
- Bệnh bạch tạng: Rối loạn hiếm gặp này là kết quả của hiện tượng cơ thể có rất ít melanin. Những người bị bệnh bạch tạng có tóc trắng, mắt xanh và da nhợt nhạt, và có thể có vấn đề về thị lực. Do đó, người bệnh bạch tạng nên mặc áo chống nắng để tránh tác hại của ánh nắng mặt trời. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn cho người mắc bệnh bạch tạng.
- Nám da. Những người bị nám da có những mảng màu nâu trên mặt. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân dẫn đến nám đó là do hormone, thuốc tránh thai và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các loại kem kê đơn có thể làm mờ vết nám và kem chống nắng có thể giúp tình trạng này không trở nên tồi tệ hơn. Điều trị bằng laser và lột da bằng hóa chất cũng có thể hữu ích.
- Bệnh bạch biến: Khi mất tế bào melanocytes, người bệnh sẽ có được những mảng da có màu trắng mịn. Bệnh lý này không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị bao gồm thuốc nhuộm, liệu pháp chiếu tia UV, thuốc nhạy sáng (light-sensitive), kem corticosteroid và phẫu thuật.
- Mất sắc tố sau khi da bị tổn thương. Đôi khi sau khi da của bạn bị bỏng, phồng rộp hoặc bị nhiễm trùng, cơ thể bạn không thể thay thế melanin ở khu vực bị tổn thương đó nữa. Bạn sẽ không cần điều trị vấn đề này nhưng bạn có thể che khu vực này bằng cách trang điểm nếu nó làm ảnh hưởng đến vẻ ngoài hình của bạn.
- Bệnh Parkinson: Khi mắc bệnh Parkinson, neuromelanin có trong não của người bệnh bị giảm xuống do các tế bào não ở khu vực chất đen (substantia nigra) bị chết. Thông thường, lượng neuromelanin trong não tăng lên khi chúng ta già đi.
- Mất thính lực: Melanin dường như đóng một vai trò trong thính giác. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy mối liên hệ giữa hiện tượng có quá ít melanin và mất thính giác hoặc điếc.
3. Cách để tăng hắc tố trong cơ thể
Các chất dinh dưỡng có thể là chìa khóa để tăng melanin một cách tự nhiên trên da. Dưới đây là một số chất dinh dưỡng mà các nghiên cứu đã cho thấy có thể giúp cơ thể bạn sản xuất nhiều melanin hơn.
- Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa cho thấy tiềm năng mạnh nhất để tăng sản xuất melanin. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn, một số nghiên cứu đã cho thấy chất chống oxy hóa có thể hữu ích.
Các vi chất dinh dưỡng như flavonoid hoặc polyphenol đến từ rau củ trong chế độ ăn, hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh và có thể ảnh hưởng đến sản xuất melanin. Một số trong số chúng có thể làm tăng sắc tố melanin, trong khi những loại khác có tác dụng ngược lại. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau lá xanh đậm, quả mọng đen, sô cô la đen và các loại rau nhiều màu sắc để có thêm chất chống oxy hóa.
- Vitamin A
Các nghiên cứu cho thấy vitamin A rất quan trọng đối với việc sản xuất melanin và cần thiết để có một làn da khỏe mạnh. Bạn nhận được vitamin A từ thực phẩm, đặc biệt là các loại rau có chứa beta carotene, chẳng hạn như cà rốt, khoai lang, rau bina và đậu Hà Lan.
Theo nghiên cứu, một loại carotenoid (chất tạo ra màu đỏ, vàng và cam) được tìm thấy trong vitamin A. Nó cũng có thể đóng một vai trò trong việc sản xuất melanin và chống tia cực tím. Bạn có thể tăng lượng vitamin A bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A hơn như rau màu cam (cà rốt, bí, khoai lang), cá và thịt.
Vì vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo nên nó có thể tích tụ trong cơ thể bạn. Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo người dân nên tuân theo lượng khuyến nghị hàng ngày là 700 mcg cho phụ nữ và 900 mcg cho nam giới. Trẻ em thậm chí cần ít vitamin A hơn hàng ngày. Phụ nữ mang thai không nên sử dụng vượt quá liều lượng Vitamin A hàng ngày, vì có thể gây nguy hiểm cho em bé.
- Vitamin E
Vitamin E là một loại vitamin quan trọng đối với sức khỏe làn da. Nó cũng là một chất chống oxy hóa và có thể tăng mức độ melanin. Mặc dù không có nghiên cứu nào chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa vitamin E và nhiều melanin hơn, nhưng một số nghiên cứu cho thấy vitamin E có thể giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Bạn có thể nhận được nhiều vitamin E hơn bằng cách uống thuốc bổ sung hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin E hơn như rau, ngũ cốc, các loại hạt và quả hạch.
- Thảo mộc và thực vật
Một số nghiên cứu đã khám phá những lợi ích tiềm năng của các loại thảo mộc và trà trong việc bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV. Các sản phẩm từ thảo mộc như trà xanh và nghệ, rất giàu flavonoid và polyphenol, có thể làm tăng hắc tố và có thể giúp bảo vệ da.
Cho đến nay, không có nghiên cứu nào chứng minh các loại thảo mộc có tác dụng tăng sản xuất melanin. Tuy nhiên, nếu bạn quan tâm đến việc thử các loại thảo mộc để giúp ích cho làn da của mình, bạn có thể tìm thấy những loại thảo mộc này trong các thực phẩm bổ sung, trà và tinh dầu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, medicinenet.com, healthline.com