Khả năng cúm A bội nhiễm

Bệnh cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến cúm A bội nhiễm và lây lan dịch cúm A trong cộng đồng.

1. Bệnh cúm A là gì?

Bệnh cúm A là gì? Đây là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa. Nguyên nhân mắc cúm A là do các chủng virus cúm A phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên. Bệnh cúm A thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường do những dấu hiệu triệu chứng tương t. Tuy nhiên bệnh diễn tiến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và có nguy cơ cao bùng phát thành dịch cúm A và đại dịch.

2. Dấu hiệu lâm sàng của cúm A

Thông thường, bệnh cúm A có một số các dấu hiệu đặc trưng điển hình như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi... Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải. Một số trẻ thậm chí còn có dấu hiệu co giật. Ngoài ra, một số các dấu hiệu đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi và ho. Những trường hợp cúm A trong thời gian kéo dài, diễn biến bệnh nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan.

Đối với trẻ em bị nhiễm cúm A, triệu chứng sốt thường phổ biến với trẻ dưới 24 tháng tuổi. Khi cúm A ở thể nhẹ, trẻ có thể sốt từ 38 độ trở lên, kèm theo đau nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nôn trớ nhiều lần hay háo nước,... Trẻ mắc cúm A nghiêm trọng có thể bỏ bú, bỏ ăn, lòng bàn tay, gan bàn chân lạnh, nhịp thở nhanh và li bì. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể bị sốt cao kèm co giật.

Rất khó để phân biệt sốt nguyên nhân do cúm A và sốt do nguyên nhân khác. Thông thường, khi bị cảm lạnh, người bệnh thường sốt cao kéo dài hơn so với khi bị cúm A. Người bệnh có thể có cảm giác mệt mỏi nghiêm trọng và đau nhức cơ trong một số trường hợp. Sau một khoảng thời gian sốt cao không hạ, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt kèm theo đi lại khó khăn.

3. Bệnh cúm A có nguy hiểm không?

Bệnh cúm A có nguy hiểm không? Câu trả lời là có. Bệnh cúm A là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm đối với cả người lớn và trẻ em, đặc biệt dễ lây lan. Các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, cụ thể là có thể sống lên đến 48 giờ trên các bề mặt như tay nắm cửa, bàn, ghế, tủ,... Virus cúm A có khả năng tồn tại trong quần áo lên đến 12 giờ và duy trì 5 phút trong lòng bàn tay.

Bệnh cúm A ở người có dấu hiệu triệu chứng từ nhẹ đến nặng, khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người. Các triệu chứng khi nhiễm virus cúm A có một số điểm tương tự với khi nhiễm chủng virus cúm thường. Nếu không được điều trị đúng phác đồ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Biến chứng viêm phổi do cúm A gây ra thường gặp ở đối tượng là trẻ em, người có độ tuổi trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh lý về tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, bệnh còn gây ra suy hô hấp, với các dấu hiệu triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu,... dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy. Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm A là gây nên phù não và tổn thương gan trầm trọng với tỷ lệ tử vong rất cao.

Với phụ nữ đang mang thai nếu bị mắc cúm A có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong thời gian 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, tuy nhiên không gây quái thai.

Do đó, ngay khi có các yếu tố dịch tễ như sốt, các dấu hiệu viêm long đường hô hấp, bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và chẩn đoán xác định mắc chủng virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.

4. Nguy cơ cúm A bội nhiễm với trẻ em

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc cúm và nguy cơ cao gặp cúm A bội nhiễm. Nguyên nhân do hệ miễn dịch còn chưa phát triển toàn diện. Đặc biệt, ở những trẻ có bệnh nền như hen suyễn, có bất thường về thần kinh, trẻ có mắc các bệnh mãn tính, tim mạch, bệnh lý về máu, nội tiết, thận, gan hoặc bệnh lý rối loạn chuyển hóa, thừa cân, sử dụng corticoid, aspirin hoặc hóa trị liệu kéo dài, trẻ bị nhiễm HIV thường có nguy cơ gặp phải những biến chứng cao hơn so với những đứa trẻ bình thường.

Một số biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc cúm A bội nhiễm gồm: suy hô hấp, viêm thanh khí phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn thứ phát,... Những biến chứng nguyên nhân do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng và sự phát triển lâu dài của bản thân đứa trẻ.

Ba mẹ cần chú ý 4 dấu hiệu cúm A bội nhiễm sau đây để có thể kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện:

  • Sốt cao từ 39 độ trở lên kèm theo không đáp ứng thuốc hạ sốt;
  • Trẻ li bì, mệt mỏi, kém ăn, bỏ ăn, nôn trớ và chân tay lạnh;
  • Co giật;
  • Khó thở, nhịp thở nhanh.

5. Các biện pháp dự phòng mắc bệnh cúm A

Để phòng ngừa bệnh cúm A bội nhiễm hiệu quả cho những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm A như trẻ em và người cao tuổi nói riêng và tất cả các đối tượng khác nói chung, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện những biện pháp cụ thể như sau:

  • Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng vào khoảng tháng 7-9 hàng năm. Công dụng là để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng vắc xin nhắc lại hàng năm.
  • Ngoài ra, cần chủ động nâng cao thể trạng cho trẻ: cho trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi...
  • Tăng cường thực phẩm giàu đạm để bổ sung dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh phục hồi. Nguồn thực phẩm giàu đạm tốt bao gồm các loại thịt như thịt, cá, trứng, thịt gia cầm; ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo...
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà và sau khi đi vệ sinh. Đồng thời, hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng.
  • Thường xuyên vệ sinh không gian sống và những nơi vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, các vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày...
  • Tránh tập trung nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người bị đang cúm và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm.

Trong trường hợp đã mắc bệnh cúm A, nếu bạn thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường hay diễn biến bệnh trầm trọng hơn thì cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy, nhất là cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế để xảy ra cúm A bội nhiễm gây ra các biến chứng đáng tiếc.

Mặt khác, để phòng tránh bệnh, bạn cần hạn chế tiếp xúc với người đang bị cảm cúm, nhất là trong thời gian 3 ngày đầu để tránh bị lây nhiễm. Nếu bạn đang mắc bệnh này thì bạn cũng cần chủ động phòng tránh lây bệnh cho người khác bằng cách che miệng, mũi khi ho, hắt hơi và rửa tay thật sạch bằng các loại xà phòng sát khuẩn ngay sau đó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan